Sau khi thành lập Ban Kiểm phiếu, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố vào đầu giờ chiều cùng ngày, sau đó Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Trước đó, chiều 24/10, Quốc hội đã thông qua danh sách 44 nhân sự được lấy phiếu tín nhiệm thuộc các khối Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan tư pháp và Kiểm toán Nhà nước.
Trong đó, có hai nhân sự lấy phiếu tín nhiệm lần thứ tư; 12 nhân sự lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai và 30 nhân sự lấy phiếu tín nhiệm lần đầu.
>>> Danh sách 44 chức danh được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm
Kỳ vọng từ lấy phiếu tín nhiệm
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu tin tưởng, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp các nhân sự tự soi, tự sửa từ đó nỗ lực phấn đấu không ngừng để hoàn thành tốt các nhiệm vụ.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, việc đánh giá đối với các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm không phải chỉ tại kỳ họp thứ 6 mà là cả quá trình từ đầu nhiệm kỳ đến bây giờ.
"Do đó, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm ngay sau phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội đảm bảo tính khách quan, không ảnh hưởng đến lá phiếu của các đại biểu Quốc hội", ông Giang nói.
Theo ông Giang, việc đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm căn cứ vào phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật và kết quả thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao.
"Những nội dung này được xem xét, nhìn nhận và đánh giá trong quá trình công tác từ khi người được lấy phiếu tín nhiệm đảm nhận chức vụ cho đến khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm", ông Giang nói.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở để người được lấy phiếu nhận thấy trách nhiệm của mình trước nhân dân, cử tri cả nước để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác.
Đây cũng là cơ sở, căn cứ quan trọng để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thì bày tỏ sự kỳ vọng các đại biểu Quốc hội sẽ lựa chọn công tâm, khách quan đối với những cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm.
"Trong lần lấy phiếu tín nhiệm này, cá nhân tôi rất kỳ vọng mỗi đại biểu Quốc hội sẽ nghiên cứu thật kỹ các báo cáo của các chức danh được lấy phiếu đã gửi để làm tư liệu chính cho việc lấy phiếu tín nhiệm. Từ đó, các đại biểu sẽ đưa ra lựa chọn chính xác nhất trên tinh thần công tâm, khách quan, vô tư, đầy trách nhiệm", ông Hòa nói.
Ông Hòa cũng cho rằng, cử tri, nhân dân cả nước đều kỳ vọng qua đợt lấy phiếu tín nhiệm này sẽ có tác động lớn đến các chức danh được lấy phiếu.
"Với những người được tín nhiệm cao sẽ có thêm động lực để phát huy vai trò, trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình. Với những người được tín nhiệm, họ sẽ phải xem xét lại mình xem tại sao chỉ được tín nhiệm mà không được tín nhiệm cao, nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm của bản thân, gia đình để sửa chữa, khắc phục", ông Hòa nhận định.
Cần hết sức công tâm, khách quan, trách nhiệm
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho hay, tài liệu về từng nhân sự được lấy phiếu tín nhiệm đã được Ban Công tác đại biểu gửi rất sớm và rất chi tiết. Trong báo cáo đánh giá hoạt động, các nhân sự chủ động tự đánh giá tình hình hoạt động, nhận xét các hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, giải pháp khắc phục thời gian tới.
"Đọc kỹ tài liệu, các đại biểu sẽ phần nào có thể đưa ra được ý kiến xác đáng và thể hiện trong lá phiếu", ông Huân nói.
Còn đại biểu Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) cho biết việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn rất quan trọng. Bởi vì, với người giữ chức vụ, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ góp phần đánh giá về uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, giúp cán bộ "tự soi", "tự sửa".
"Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, đây là cách để tạo điều kiện cho người dân giám sát. Từ đó, cử tri hiểu rõ hơn về những nỗ lực hoàn thành trách nhiệm, nhiệm vụ của người được bầu hoặc phê chuẩn. Mặt khác, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ tạo động lực phấn đấu, tinh thần trách nhiệm của người được bầu hoặc phê chuẩn, thể hiện không khí dân chủ, tích cực trong xã hội", ông Sơn nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nêu quan điểm, để hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đạt hiệu quả cao, mỗi đại biểu phải giám sát, theo dõi rất kỹ hoạt động của các ngành, lĩnh vực, trưởng ngành từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
"Đồng thời, cũng phải theo dõi rất kỹ các báo cáo, kê khai tài sản, vấn đề nêu gương của người được lấy phiếu và quan trọng hơn phải lắng nghe ý kiến của cử tri, nhân dân. Điều vô cùng quan trọng là mỗi đại biểu Quốc hội cần hết sức công tâm, khách quan, trách nhiệm", bà Nga nói.
Theo Nghị quyết 96 của Quốc hội, các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn được lấy phiếu tín nhiệm gồm: Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội; Thủ tướng, Phó thủ tướng, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Tổng cộng, có 49 chức danh thuộc diện này.
Tuy nhiên, cũng theo nghị quyết này, những người có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm, sẽ không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.
Do đó, trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với 5 nhân sự, gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh vì đây là 5 nhân sự được bầu, phê chuẩn bổ nhiệm trong năm 2023.
Như vậy, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm với 44 nhân sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận