Xã hội

Lấy ý kiến dân việc thu phí ô tô vào nội đô

26/12/2016, 05:52
image

Đề án thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM đang nhận được ý kiến của nhiều người dân và các chuyên gia...

1

Tình trạng ùn tắc sẽ giảm nếu áp dụng thu phí  ô tô vào trung tâm TP.HCM - Ảnh : Phan Tư

Xung quanh vấn đề này, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng Sở GTVT TP.HCM đã trao đổi với PV Báo Giao thông.

Thưa ông, sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin TP.HCM sẽ triển khai thu phí ô tô vào các quận trung tâm trong năm 2017, nhiều người dân và các chuyên gia đã bày tỏ nhiều ý kiến trái chiều. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Đề án thu phí ô tô vào trung tâm TP được UBND TP phê duyệt năm 2012, nhưng sau đó bị hoãn do chưa có ý kiến phản hồi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM. Đến nay, dự án mới tái khởi động do ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là những tháng cuối năm 2016. 

Trong chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm TNGT giai đoạn 2016-2020 đã có trong kế hoạch, trong đó có 7 nhóm giải pháp và 160 nhiệm vụ. Đề án thu phí ô tô vào trung tâm TP nằm trong nhiệm vụ cấp bách trên.

Để dự án có thể triển khai là cả một quá trình chứ không thể thực hiện ngay, bao gồm đánh giá tình hình giao thông và hoàn chỉnh một số pháp lý liên quan đến dự án. Trên cơ sở đó phải có tính toán mô phỏng và lấy ý kiến người dân và các chuyên gia ngành GTVT. Đây là dự án quan trọng của TP, khi triển khai sẽ tác động đến nhiều người nhưng phải cân nhắc trên lợi ích chung của xã hội, đặc biệt là tình hình giao thông như hiện nay. Do đó, mọi ý kiến về dự án này, chúng tôi đều trân trọng và lắng nghe.

2

Ông Ngô Hải Đường

Thưa ông, nếu được chấp thuận, đề án này triển khai thế nào?

Nếu đề án này được Trung ương chấp thuận về mặt pháp lý thì TP sẽ nhanh chóng triển khai với tổng mức đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng. Theo đề án, việc thu phí hoàn toàn sử dụng công nghệ tự động không dừng theo tiêu chuẩn của Bộ GTVT. Các vị trí thu phí sẽ lắp camera chuyên dụng để nhận dạng xe ô tô. Vị trí thu phí xác định trên một vành đai khép kín bao quanh khu vực trung tâm TP bao gồm: Quận 1, quận 3 và giáp ranh với quận 5, quận 10...

Nếu người dân không chịu lắp thiết bị thu phí thì xử phạt thế nào?

Về vấn đề xử phạt, Sở GTVT đang nghiên cứu hoàn chỉnh rồi trình Trung ương. Cụ thể, trong trường hợp nếu các xe không chịu lắp thiết bị thu phí thì khi đến trạm hệ thống sẽ báo xe không qua được. Hoặc khi đã lắp thiết bị mà chủ xe không chịu trả phí, hệ thống camera sẽ chụp lại biển số xe. Lúc ấy, CSGT sẽ căn cứ vào đó để xử phạt nguội.

Xem thêm video:

Việc kết nối với các trạm thu phí BOT, các trạm thu phí đường cao tốc, các trạm thu phí ô tô vào nội đô TP được đặt ra thế nào, thưa ông?

Trước khi đề án được triển khai, Sở GTVT đã tính toán đến việc kết nối với các trạm thu phí để đảm bảo chuẩn giao tiếp thống nhất với các thiết bị nhằm thu phí ô tô vào trung tâm. Các thiết bị này sẽ phải liên kết với các trạm thu phí BOT, các trạm thu phí đường cao tốc, các trạm thu phí ô tô vào nội đô TP để người lái xe, chủ phương tiện sử dụng tại tất cả các trạm thu phí.

Đối với xe ngoại tỉnh không gắn thiết bị có thể sẽ dành một số trạm thu phí để xe ngoại tỉnh tham gia hoặc có tính đến phương án trả tiền qua tin nhắn điện thoại bằng cách liên kết với các nhà mạng. Việc xử phạt sẽ thông qua hệ thống nhận dạng biển số, cụ thể mức xử phạt như thế nào sẽ xin cơ chế Trung ương.

3

Ùn tắc tại lối vào trung tâm TP Hồ Chí Minh do phương tiện quá nhiều trong giờ cao điểm

Trong trường hợp triển khai thu phí chậm, Sở GTVT đã chuẩn bị những phương án nào về mặt hạ tầng để giảm ùn tắc trước mắt, thưa ông?

Dự kiến, đến quý IV/2017 có thể triển khai thu phí, lúc ấy tình hình giao thông trong khu vực TP sẽ cải thiện. Trong trường hợp đề án chưa được thống nhất, Sở GTVT đã chuẩn bị các giải pháp khác nhằm giảm tình trạng kẹt xe.

Giải pháp ngắn hạn có thể triển khai ngay là cấm ô tô đậu đỗ trên một số tuyến đường, xây dựng phí đậu đỗ cao, phân luồng đường một chiều cho xe chạy theo giờ.

Sắp tới Sở GTVT nghiên cứu sẽ điều chỉnh một số tuyến đường một chiều, hai chiều lưu thông theo giờ nhằm giảm ùn tắc giao thông giờ cao điểm. Bên cạnh đó, Sở đang nghiên cứu tổ chức giao thông một số tuyến đường theo phương thức xe lưu thông theo ngày chẵn, ngày lẻ.

Dự án nâng cấp hệ thống điều khiển giao thông hiện hữu phục vụ công tác điều hành giao thông đô thị đang được triển khai. Dự án có tổng vốn 250 tỷ đồng nhằm điều khiển đèn tín hiệu, giám sát giao thông, cung cấp thông tin, hỗ trợ xử lý vi phạm về trật tự ATGT. Để biết những tuyến đường nào ùn tắc, người dân có thể truy cập vào cổng thông tin này trên điện thoại di động, đồng thời có thể xem được hình ảnh trực tuyến qua hệ thống camera...

Cảm ơn ông!

KTS Trần Đình Nam, giảng viên ĐH Kiến trúc TP.HCM:

Giãn các tòa nhà cao tầng ra ngoại ô

Trên thực tế không ai xây trung tâm thương mại ở các còn đường huyết mạch như: Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội… Mà phải xây lệch khu của tuyến đường huyết mạch và tổ chức các khu trung tâm thương mại ở vùng ven để người dân buôn bán, sinh hoạt. Vì trung tâm thương mại không chỉ là nơi buôn bán mà còn diễn ra các lễ hội, đường hoa…  dễ gây ùn tắc giao thông do tập trung đông người. Ví dụ, khu Q.1 ở Nguyễn Thị Minh Khai và Cách Mạng Tháng Tám, trung tâm thương mại sẽ được xây ở đường Nguyễn Huệ. Nhưng bây giờ không phải cái gì cũng đổ về Nguyễn Huệ.

Ông Trần Đức Cảnh, nguyên thành viên ban cố vấn tuyển sinh Đại học Harvard:

Nên áp dụng giờ đi xe 4 bánh vào từng khu vực

Hiện nay, xe buýt đã có mặt ở khắp thành phố nhưng di chuyển quá chậm vì hệ thống hạ tầng không tốt. Đã vậy, tình trạng vệ sinh, an ninh không đảm bảo, thậm chí thời gian đầu số lượng xe buýt chưa phủ khắp thành phố. Chưa kể chúng ta đã vô hình trung tạo ra cảm giác người đi xe buýt là người nghèo, đa số là sinh viên. Tôi cho rằng, thành phố nên áp dụng giờ đi xe 4 bánh vào từng khu vực và quan trọng hơn là phải đầu tư vào hệ thống bãi đỗ xe công cộng, các khu trung tâm...

 Đỗ Loan - Yên Trang (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.