Tối 22/4, trong khuôn khổ lễ hội Thập niên sự lệ 2024, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan, xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Trung Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An) đánh giá, đền thờ không chỉ là ngôi đền linh thiêng, còn bảo tồn được nét văn hóa độc đáo, mang đậm dấu ấn của vùng quê Đô Lương.
Đó là lễ hội "Thập niên sự lệ", với các sự kiện mang đậm nét tâm linh, đặc sắc và các hoạt động mang đậm tính dân gian, giàu bản sắc văn hóa của vùng quê xứ Nghệ.
Trong lịch sử, "Thập niên sự lệ" được ghi vào điển lễ của Nhà nước, được Triều đình giao chính quyền địa phương đứng ra tổ chức nên gọi là quốc lễ.
Tại đền, mỗi năm diễn ra hai kỳ tế lễ là Xuân tế (15/3 Âm lịch) và Thu tế (15/8 Âm lịch). Từ năm 1604 tới nay, định kỳ 10 năm, lễ hội được tổ chức một lần vào 15/3 Âm lịch. Lễ hội có cả phần lễ và phần hội.
"Thập niên sự lệ là lễ hội đặc sắc, hòa quyện tín ngưỡng thờ Thần, thờ Phật với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu cho một lễ hội truyền thống, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, là dịp để nhân dân tôn vinh, tưởng nhớ công lao của Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan", ông Thành nói.
Theo bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An, trong chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc, trên mảnh đất Nghệ An, dòng họ Nguyễn Cảnh với gần 600 năm sinh cơ, lập nghiệp đã trở thành dòng họ có bề dày truyền thống, còn lưu giữ được rất nhiều di sản quý báu.
Trong đó, "Thập niên sự lệ" là lễ hội bắt nguồn từ văn hoá dân gian, nơi có sự hòa quyện giữa tín ngường thờ thần và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, là dịp để nhân dân tôn vinh, tưởng nhớ công lao của Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan và nhiều thế hệ con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh có công lớn trong lịch sử dân tộc.
Với lịch sử hơn 350 năm, từ một hoạt động lễ nghi của dòng họ, lễ hội Đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan đã dần có sức lan toả, trở thành một sinh hoạt văn hoá tâm linh của cộng đồng.
"Điều đó cho thấy, truyền thống lịch sử của dòng họ đã có sự gặp gỡ, kết hợp với yếu tố văn hoá dân gian để tạo nên "sản phẩm" văn hoá đáp ứng nhu cầu tâm linh của cả cộng đồng", bà Hạnh nói và nhấn mạnh, lễ hội là hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, khơi dậy được truyền thống uống nước nhớ nguồn, tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần thượng võ, hiếu học và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An cũng đề nghị nhân dân huyện Đô Lương, con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh làm tốt hơn nữa, phát huy hiệu quả vai trò của cộng đồng, dòng họ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hoá, để tiếp bước truyền thống tổ tiên, làm rạng danh cho dòng tộc, đất nước.
Đặc biệt là có kế hoạch đào tạo một cách bài bản cho thế hệ trẻ thực hành các nghi thức tế lễ trong lễ hội, sưu tầm tài liệu cổ ghi chép về "Thập niên sự lệ" làm cơ sở để phục dựng lại lễ hội chính xác, khoa học, cũng như bảo tồn không gian văn hóa diễn ra lễ hội.
Cạnh đó, áp dụng khoa học công nghệ để bảo tồn di sản hiệu quả, số hóa không gian các di tích diễn ra lễ hội một cách bài bản, để lễ hội ngày càng lan toả và có sức sống trường tồn trong cộng đồng, đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Kể từ năm 1604, vào ngày 15/3 Âm lịch hàng năm, con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh cùng nhân dân trong vùng tề tựu về Đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan để cử hành lễ hội, gọi là "Lễ hội chay" hay "Thập niên sự lệ".
Lễ hội được tổ chức quy mô lớn với nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc. Trong đó, có đầy đủ các nghi lễ truyền thống như lễ hành hương về nguồn cội, lễ dâng cỗ chay và lễ cáo yết tại đền.
Tại lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc như lễ rước các bậc tiên tổ về nhà thờ Đức Thánh Thái phó Tấn Quốc công, lễ cầu siêu, cầu an...
Tại lễ hội cũng có lễ rước các bậc tiên tổ về nhà thờ Đức Thánh Thái phó Tấn Quốc công được tổ chức quy mô, hoành tráng, cùng lễ cầu siêu cho các vong linh chiến sĩ và chúng sinh trong họ Nguyễn Cảnh và của các thời đại được siêu thoát, đàn lễ cầu an cho quốc thái dân an.
Cùng đó, tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống và đương đại đặc sắc, tái hiện bản sắc văn hoá tốt đẹp của dòng họ Nguyễn Cảnh, quê hương xứ Nghệ và dân tộc nhằm truyền cảm hứng, tình yêu, niềm tự hào cho các thế hệ, đặc biệt là với thế hệ trẻ, thêm trân quý, gìn giữ và phát triển các di sản tổ tiên.
Với 25 đời con, cháu hậu duệ, dòng họ Nguyễn Cảnh không chỉ góp phần xây dựng cơ nghiệp mà còn sản sinh ra những danh tướng, danh nhân, nhà văn hóa, và lương y nổi tiếng tài năng, có những đóng góp ý nghĩa trong lịch sử dân tộc.
Dòng họ Nguyễn Cảnh từng có 18 người được phong quận công, 72 người được phong tước hầu. Trong đó, có nhiều trọng thần như Thái bảo Tả Tư không Thư quận công công Nguyễn Cảnh Kiên, Thiếu phó Đô Úy Tả Tư mã Thắng quận công Nguyễn Cảnh Hà, Tả đô đốc Phó tướng Liêu quận công Nguyễn Cảnh Quế… Dòng họ Nguyễn Cảnh từng được vua Lê ban 8 chữ vàng “Trung cần nhân nghĩa – Bảo hộ quốc dân”.
Nguyễn Cảnh Hoan (1521-1576) thuộc đời thứ 5 của dòng họ Nguyễn Cảnh, là con thứ hai của Phúc khánh Quận công Nguyễn Cảnh Huy. Năm 14 tuổi, ông đã thi đậu hương cống, 15 tuổi cùng cha và ba người anh em ruột đi yết kiến vua Lê Trang Tông ở Sầm Châu, được Vua phong tước Dương Đường hầu và trở thành một trong những cận thần quan trọng của nhà Lê.
Trong sự nghiệp cầm quân, phò Lê diệt Mạc, Nguyễn Cảnh Hoan đã cùng các tùy tướng nhiều lần lập chiến công hiển hách, góp phần đánh đuổi quân nhà Mạc ở địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Ông được Thái sư Trịnh Kiểm trọng thị, được coi là vị tướng mưu trí, dũng lược, đánh đâu thắng đó và ban cho quốc tính là Trịnh Mô, thuộc dòng dõi của chúa Trịnh.
Giữa thời kỳ Lê – Mạc phân tranh, nhà Mạc huy động các tướng giỏi và đại binh đánh vùng Thanh - Nghệ, Nguyễn Cảnh Hoan bị thuộc tướng làm phản. Ông rơi vào mai phục của tướng nhà Mạc là Nguyễn Quyện, bị bắt và đem về Thăng Long.
Nhà Mạc biết ông là tướng giỏi bèn tìm cách lôi kéo, mua chuộc nhưng ông cự tuyệt, một mực giữ lòng trung thành với vua Lê. Tháng 9/1576, Nguyễn Cảnh Hoan bị giết tại Thăng Long.
Thương tiếc một danh tướng giỏi, một bầy tôi trung thành, Vua Lê đã truy phong ông là Thái phó Tấn Quốc công Binh bộ Thượng thư, và phong là Hùng Nghị Khuông Tế Trạch Dân Đại Vương, xếp vào hàng Trung đẳng thần, cúng tế và hương hỏa hằng năm. Đồng thời, ban thêm cho con cháu đất vùng Ngọc Sơn, Nông Sơn, Hồ Sơn thuộc vùng Nam Đường làm thái ấp.
Thời kỳ đem quân vào ứng cứu Nghệ An, Nguyễn Cảnh Hoan và các tùy tướng đóng đại bản doanh, xây hào lũy ở khu vực Nam Đường, vỗ về dân chúng ở đây. Vùng Lưu Sơn, Đô Lương được ông dạy cho cách ép mía làm mật, dân cư ven sông Lam được ông chỉ cho nghề nuôi tằm dệt vải. Ông cũng cho bắc nhiều cầu trên sông Đa Cương.
Để tưởng nhớ công đức lớn lao của Thái phó Tấn Quốc công, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và tôn ngài là Đức Thánh Thái Phó Nguyễn Cảnh Hoan.
Sắc chỉ triều đình nhà Lê lập đền thờ chính của Ngài ở thôn Chân Ngọc, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương. Năm 1991, đền thờ được công nhận Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.
Ngoài đền thờ chính ở Tràng Sơn, Ngài còn được thờ ở đền Phú Thọ thuộc xã Lưu Sơn (Đô Lương), đền Hữu ở xã Thanh Yên, phủ thờ ở xã Thanh Văn (Thanh Chương), đền thờ tại Hồ Nón (Nam Đàn)... Phần mộ của Ngài hiện thuộc Rú Cấm, xã Tràng Sơn huyện Đô Lương.
Ngày nay, con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh vẫn tiếp nối truyền thống của cha ông. Trong dòng họ có nhiều người thành danh, đảm nhiệm các chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận