16 phim tham gia, có 2 phim gây tranh cãi
Điểm qua danh sách 16 phim truyện điện ảnh dự thi, có thể thấy khá đa dạng về nội dung và thể loại.
Có phim của Nhà nước đặt hàng như: "Hồng Hà nữ sĩ", "Đào, phở và piano. Có phim tư nhân, nghiêng về hướng thị trường như "Nhà bà Nữ", "Fanti"; phim lịch sử như "Hồng Hà nữ sĩ";
Có phim kinh dị như "Mười: Lời nguyền trở lại"; Phim chuyển thể hay lấy cảm hứng từ nguyên tác văn học như "Đất rừng phương Nam", "Tro tàn rực rỡ"; Phim thuộc về dòng phim tiểu sử (biographical film) như "Em và Trịnh"; Có tên tuổi gạo cội như đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng tham dự với phim "Hoa nhài".
Những phim ăn khách, lập kỷ lục về doanh thu như phim "Nhà bà Nữ"; Phim đã đạt giải quốc tế như "Tro tàn rực rỡ"; có những phim chưa hề ra rạp chiếu như "Đào, phở và piano" hay sắp ra rạp như "Người vợ cuối cùng".
Với đa dạng thể loại và nội dung như thế, cuộc đua tranh một giải Bông Sen Vàng và hai giải Bông Sen Bạc dành cho phim truyện hứa hẹn sẽ hấp dẫn.
Trong số những phim dự thi ở LHP lần này, có những bộ phim đã gây nhiều dư luận tranh cãi trái chiều, điển hình là phim "Em và Trịnh", "Đất rừng phương Nam".
Ngay khi danh sách 16 phim truyện được công bố, trên các diễn đàn và trang mạng xã hội đã dấy lên cuộc tranh cãi về việc chọn lựa hai bộ phim này.
Trên mạng xã hội Facebook có những Group (nhóm) chuyên về phim ảnh với số lượng thành viên lên đến hàng trăm nghìn người, có nhiều ý kiến phản đối.
Trong một khuynh hướng khác, các fan của diễn viên hay đạo diễn thì lại mở ra chiến dịch bênh vực, ủng hộ cho thần tượng của mình.
Điều này cho thấy không phải bao giờ ý kiến của những người "cầm cân nảy mực" trong lĩnh vực điện ảnh tuyển chọn phim dự thi cũng gặp gỡ với ý kiến của số đông công chúng.
Ban giám khảo phim truyện gọi tên ai?
Cho đến nay thành phần của Ban Giám khảo (BGK) phim truyện vẫn chưa được công bố
Ban Tổ chức cho biết BGK gồm những nghệ sĩ điện ảnh, các nhà hoạt động điện ảnh, nhà văn… có uy tín, trình độ chuyên môn cao. BGK cũng không có ai là thành phần chính trong đoàn làm các bộ phim dự thi.
Vấn đề đặt ra là lần này thị hiếu và "gu" của BGK liệu có trùng với công chúng? Có lắng nghe dư luận công chúng để tham khảo khi chấm giải hay không? Hay đơn thuần chọn một lối đi an toàn, một kết quả an toàn và "đôi bên đều cùng vui vẻ"?
Thực tế từ những kỳ LHP Việt Nam nhiều năm qua cho thấy một công thức chung cho phim đạt giải Bông Sen Vàng hay Bông Sen Bạc.
Đó không nhất thiết là phim tư nhân hay Nhà nước, song phải thỏa mãn những tiêu chí sau: Doanh số thu tương đối tốt; Phim tôn vinh con người và văn hóa Việt Nam; Phim không thuộc thể loại quá đen tối hay bạo lực; Phim không mang đậm nét yếu tố thị trường rẻ tiền; Không có những tranh cãi lùm xùm chưa thống nhất về nội dung hay nghệ thuật phim.
Nếu LHP trùng vào dịp những kỷ niệm năm chẵn các ngày lễ lớn thì dòng phim chính thống do Nhà nước đặt hàng thường sẽ được tôn vinh.
Ngoài ra để đảm bảo tính "đồng, đủ" thì bản thân giải thưởng cho phim truyện xuất sắc nhất, cho đạo diễn và các diễn viên chính, phụ cũng sẽ có sự cân nhắc phân chia cho hợp lý và cân bằng giữa dòng phim chính thống và thị trường.
Kết quả của Liên hoan phim lần thứ 22 trước đó cho thấy rõ điều này khi phim "Mắt biếc" của đạo diễn Victor Vũ có giải Bông Sen Vàng. Bông Sen Bạc thuộc về phim "Bố già" của Vũ Ngọc Đãng và Trấn Thành. Nhưng giải đạo diễn xuất sắc nhất là thuộc về Trịnh Đình Lê Minh với phim "Bằng chứng vô hình".
Ngoài ra, còn có giải thưởng mang tính "đồng đều" với 3 phim "Ròm" của Trần Thanh Huy, "Gái già lắm chiêu phần V: Những cuộc đời vương giả" của bộ đôi Nam Cito và Bảo Nhân, "Bình minh đỏ" của Nguyễn Thanh Vân.
Tức là có phim nghệ thuật, phim thị trường giải trí và phim chính thống của đạo diễn tên tuổi. Giải thưởng diễn viên nam, nữ chính xuất sắc nhất cũng đảm bảo tính thế hệ và an toàn, nam chính là Tuấn Trần và nữ chính là Lê Khanh.
Một góc nhìn để tham khảo cho LHP Việt Nam chính là giải thưởng Cánh Diều Vàng mỗi năm của Hội Điện ảnh Việt Nam. Các giải thưởng Cánh Diều mỗi năm cho thấy những phim có giải thưởng thường cũng sẽ có giải ở LHP, tuy không hẳn là trùng lắp về thứ bậc.
Hơn nữa, trên bảng xếp hạng để tính điểm thành tích cho nghệ sĩ thì giải thưởng của LHP đương nhiên là danh giá hơn giải thưởng Cánh Diều, với số điểm thành tích gấp đôi giải thưởng Cánh Diều.
Vậy thì với LHP Việt Nam lần thứ 23 sắp tới, tiêu chí chọn phim đạt giải, cùng với các giải thưởng khác sẽ như thế nào? Liệu có chệch khỏi lối đi an toàn và quen thuộc như những LHP trước đó?
Từ ngày 21-25/11, Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 23 với chủ đề "Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn" sẽ diễn ra tại Đà Lạt.
Ban Tổ chức đưa ra những con số có 31 phim truyện điện ảnh, 82 phim tài liệu, 23 phim khoa học, 43 phim hoạt hình đăng ký tham dự LHP.
Sau quá trình tuyển chọn, còn lại 91 bộ phim tham dự Chương trình phim Dự thi gồm 16 phim truyện, 31 phim tài liệu, 19 phim khoa học, 25 phim hoạt hình.
Dĩ nhiên hạng mục phim truyện điện ảnh luôn được công chúng quan tâm nhất với các phim "578: Phát đạn của kẻ điên"; "9"; "Cô gái từ quá khứ"; "Con Nhót mót chồng"; "Đào, phở và piano"; "Đất rừng phương Nam"; "Em và Trịnh"; "Fanti"; "Hoa nhài"; "Hồng Hà nữ sĩ"; "Kẻ ẩn danh"; "Mẹ ơi! Bướm đây"; "Mười: Lời nguyền trở lại"; "Người vợ cuối cùng"; "Nhà bà Nữ"; "Tro tàn rực rỡ".
Ngoài ra, còn có 56 bộ phim được tuyển chọn vào Chương trình phim Toàn cảnh (Panorama) gồm: 14 phim truyện, 20 phim tài liệu, 4 phim khoa học, 18 phim hoạt hình. Trong Chương trình phim Toàn cảnh, khán giả sẽ có cơ hội bầu chọn cho bộ phim yêu thích nhất của mình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận