Đoàn liên ngành Cà Mau kiểm tra sà lan CT-01288 đậu lấn chiếm luồng đường thủy nội địa tại khóm 2, phường 8, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau |
Kiểm tra là ra vi phạm
Cuối tháng 8, Đoàn liên ngành kiểm tra ATGT đường thủy Cà Mau đi dọc theo một số tuyến sông trên địa bàn. Tại kênh xáng Phụng Hiệp (đoạn thuộc khóm 2, phường 8, TP Cà Mau), Thiếu tá Trần Văn Thùy, cán bộ Phòng CSGT đường thủy Công an tỉnh Cà Mau lái ca nô đã phát hiện sà lan CT-02188 chở xáng cẩu đang hoạt động, đậu chiếm 2/3 lòng kênh gây cản trở giao thông. Đoàn dừng lại kiểm tra, phát hiện sà lan CT-02188 thuộc Công ty TNHH Xây dựng công trình giao thông 307 (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) là tàu đặt cẩu, sức nâng 2,5 tấn, sức chở 450 tấn, được trang bị máy công suất 5,5 CV nhưng đã hết hạn đăng kiểm từ ngày 10/3/2017, không có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, có phương án điều tiết giao thông theo quy định, nhưng lại thiếu phao nổi.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng CSGT đường thủy Công an tỉnh Cà Mau đã phối hợp với Đoàn liên ngành kiểm tra 62 bến khách ngang sông. Qua đó, phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính 15 trường hợp, cho viết cam kết 9 trường hợp. |
Làm việc với Đoàn liên ngành, ông Lê Minh Út (38 tuổi, ngụ TP Cần Thơ), chỉ huy công trình bờ kè tại đây cho biết, đây là dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL (Tiểu dự án Cà Mau), do Ban QLDA nâng cấp đô thị Cà Mau làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng. Ông Út viện lý do, trước đây chủ đầu tư có thực hiện lắp đặt phao nổi cảnh báo ở hai đầu kênh, mới bị đánh cắp nên chưa trang bị lại.
Đoàn liên ngành tiếp tục kiểm tra cần cẩu tại công trình thi công bờ kè phường 7, TP Cà Mau, do ông Phạm Thanh Luận (nhân viên kỹ thuật) làm đại diện. Tại thời điểm kiểm tra, cần cẩu đang thi công ép cừ; xung quanh có rất nhiều xuồng ghe đậu gần trụ điện gây mất ATGT. Đoàn liên ngành phát hiện, cần cẩu không có giấy đăng ký, đăng kiểm, chủ đầu tư không bố trí trạm điều tiết trong quá trình thi công.
Tiếp đó, Đoàn liên ngành kiểm tra công trình sửa chữa, gia cường cầu Gành Hào trên QL1 tỉnh Cà Mau (tại Km 2248+63), do ông Phan Văn Kính làm đại diện chủ đầu tư và phát hiện, công trình có phương án điều tiết giao thông nhưng chưa được sự chấp thuận của Sở GTVT tỉnh Cà Mau đã tự ý cho thi công.
Kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm
Ông Châu Ngọc Thanh, đại diện Chi cục Đăng kiểm Cà Mau, Trưởng đoàn liên ngành số 3 cho biết, các trường hợp vi phạm đoàn sẽ tiến hành lập biên bản xử phạt, buộc ngừng hoạt động. Những phương tiện, bến thủy vi phạm chỉ được hoạt động trở lại sau khi đã khắc phục vi phạm.
“Sau khi lập biên bản, Đoàn liên ngành cũng giao địa phương thường xuyên kiểm tra, khi phát hiện vi phạm, báo ngay cho cơ quan chức năng kịp thời xử lý, nhằm đảm bảo ATGT trên địa bàn”, ông Thanh nói.
Theo báo cáo của Phòng CSGT đường thủy Cà Mau, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ TNGT đường thủy, làm chết 5 người và bị thương 7 người. Trao đổi với PV Báo Giao thông, Trung tá Đoàn Thanh Khải, Phó trưởng Phòng CSGT đường thủy Cà Mau cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT đường thủy trên địa bàn thời gian qua là do người lái phương tiện đi đêm không có đèn chiếu sáng, chạy với tốc độ cao, vi phạm nồng độ cồn, tránh vượt sai quy định... Bên cạnh đó, việc đặt nò, vó, lú... lấn chiếm luồng chạy tàu cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn TNGT. Đối tượng gây TNGT chủ yếu là người lái phương tiện thủy nội địa có công suất nhỏ.
Liên quan đến việc bảo đảm trật tự ATGT ĐTNĐ những tháng cuối năm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi vừa ký văn bản yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, TP Cà Mau tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm tại các bến thủy nội địa, bến đò, bến khách ngang sông, đặc biệt, tăng cường kiểm tra tàu chở khách du lịch, đò đưa rước học sinh đi học trong mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh. “Kiên quyết đình chỉ hoạt động những bến không phép, phương tiện không đảm bảo về điều kiện ATGT”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận