Xã hội

Liên tiếp sạt lở, Cà Mau khẩn trương di dời dân khỏi nơi nguy hiểm

27/06/2022, 12:02

Tỉnh Cà Mau yêu cầu các địa phương rà soát, khẩn trương di dời các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn.

Ngày 27/6, theo thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau, trước tình hình thiên tai, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm diễn biến phức tạp, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Cà Mau đề nghị các Sở, ngành và các địa phương khẩn trương khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn.

Theo đó, tăng cường chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát các tuyến đê sông, đê biển, xác định đầy đủ các điểm sạt lở, các khu vực có nguy cơ sạt lở để triển khai các biện pháp ứng phó theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

img

Những năm qua, tỉnh Cà Mau mất hàng trăm ha rừng phòng hộ do sạt lở, tỉnh này cũng thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ gây bồi tạo bãi. (ảnh minh họa)

Đồng thời, giao Sở LĐ-TB&XH tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên rà soát, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các trường hợp bị thiệt hại về nhà ở do thiên tai trên địa bàn tỉnh đảm bảo công khai, minh bạch và đúng quy định.

Song song đó, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và chính quyền địa phương kịp thời phân công lực lượng giúp các hộ dân có nhà bị thiệt hại do thiên tai gây ra sửa chữa nhà ở, sớm ổn định cuộc sống.

UBND các huyện ven biển phối hợp với Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra địa bàn, kịp thời phát hiện các vị trí đê biển, đê bao, bờ bao xung yếu, báo cáo cấp thẩm quyền xử ý các sự cố có thể xảy ra để bảo vệ sản xuất và đời sống của nhân dân.

Đặc biệt, địa phương có biện pháp vận động các hộ dân sống trong rừng phòng hộ rất xung yếu, xung yếu, hành lang bảo vệ đê và nơi có nguy cơ sạt lở chủ động di dời đến nơi an toàn.

Trước đó, vào lúc 0h30 ngày 17/6, một vụ sạt lở xảy ra tại kinh xáng Cái Ngay (ấp 4, xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn) với chiều dài 40m, ngang 20m, sâu khoảng 4m, làm hư hỏng vựa thu mua tôm của của một hộ dân, ước thiệt hại khoảng 250 triệu đồng.

Tiếp đến, lúc 1h cùng ngày, xảy ra sạt lở tại khóm 3, thị trấn Năm Căn, với chiều dài 7m, ngang 10m, sâu khoảng 3,5m. Trong vụ sạt lở này, có một nhà dân bị ảnh hưởng, ước thiệt hại khoảng 200 triệu đồng

Đến khoảng 2h ngày 17/6, lại xảy ra vụ sạt lở đất tại ấp Hiệp Tùng, xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn làm chìm đoạn đường giao thông nông thôn dài 34m, ngang 4m, sâu 3,5m, thiệt hại gần 30 triệu đồng.

Ông Trần Đoàn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) cho biết, sau khi xảy ra sạt lở, huyện đã tổ chức đoàn thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng để người dân sớm ổn định đời sống. Đồng thời, khẩn trương khắc phục tuyến lộ bị sạt lở nghiêm trọng.

Được biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Năm Căn (Cà Mau) xảy ra 7 vụ sạt lở đất, làm hư hỏng nhà cửa, đường giao thông nông thôn, tổng thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Chính phủ đã bố trí 2.680 tỷ đồng đầu tư cho các dự án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL từ nguồn đầu tư công trung hạn.

Trong đó, Cà Mau được phân bổ kinh phí xây dựng 15km kè giảm sóng gây bồi bảo vệ bờ biển Tây với số tiền hơn 380 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, để bảo vệ tính mạng, tài sản của hàng ngàn hộ dân bên trong đê trước sạt lở, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ đê biển và rừng phòng hộ.

Trong đó, biện pháp kè ly tâm chắn sóng tạo bãi bồi được xem là hiệu quả nhất. Địa phương đã triển khai được 50 km kè đê biển bằng phương pháp trên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.