Liên quan đến việc Công ty CP Thương mại & Dịch vụ Hà Lan (địa chỉ tại phường Tân Long, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) bất ngờ đưa hàng loạt xe Limousine 7, 9 và 12 chỗ gắn phù hiệu hợp đồng nhưng đón, trả khách như tuyến cố định theo cung đường Hà Nội - Tuyên Quang, một số doanh nghiệp vận tải tại Tuyên Quang có gửi đơn kêu cứu khẩn cấp tới HĐND tỉnh và các sở ngành liên quan.
Theo các doanh nghiệp này, từ khi các Limousine Hà Lan “nhảy dù” vào Tuyên Quang với hình thức núp bóng hợp đồng chạy như tuyến cố định, lượng hành khách sử dụng xe tuyến cố định của họ bị giảm sút.
“Nếu không dẹp bỏ nạn kinh doanh vận tải núp bóng hợp đồng chạy như tuyến cố định thì sẽ có thêm nhiều xe tham gia vào hoạt động kinh doanh trái phép. Khi các xe không chịu sự quản lý của cơ quan chức năng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, ATGT, quyền lợi của hành khách không được đảm bảo”, nội dung đơn nêu.
Đại diện Công ty vận tải ô tô Tuyên Quang cũng cho biết, Limousine Hà Lan công khai chạy như tuyến cố định đang khiến các đơn vị kinh doanh vận tải tuyến mất cân đối về thu chi và có nguy cơ phá sản. “UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư bến xe tại TP Tuyên Quang, chúng tôi là những khách hàng trong tương lai của bến xe nhưng lại đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi loại xe núp bóng hợp đồng”, đại diện doanh nghiệp này cho hay.
Được biết, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã chuyển đơn của các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định đến UBND tỉnh, yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết và báo cáo kết quả đến Thường trực HĐND tỉnh trước ngày 28/2.
Cấp phù hiệu nhưng không giám sát?
Ông Lưu Việt Anh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tuyên Quang cho biết, để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt, Công ty CP Thương mại & Dịch vụ Hà Lan đã hợp thức hóa các giấy tờ như hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách. Thậm chí, những hành khách ngồi trên xe còn “bắt tay” với tài xế khi thừa nhận là khách đoàn trong cùng một hợp đồng hoặc là người thân mỗi khi TTGT, CSGT kiểm tra.
“Sở GTVT Tuyên Quang đã trao đổi thông tin với Sở GTVT Thái Nguyên để có dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình làm căn cứ kiểm soát và xử lý”, ông Việt Anh nói và cho biết, Nghị định 10 (thay thế Nghị định 86) quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô có hiệu lực thi hành từ ngày1/4 tới sẽ là căn cứ chuẩn xác nhất để kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm kinh doanh vận tải, trong đó có loại xe hợp đồng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Văn Vịnh, Giám đốc Sở GTVT Thái Nguyên thừa nhận đơn vị này đã cấp rất nhiều phù hiệu xe hợp đồng, trong đó có Công ty CP Thương mại & Dịch vụ Hà Lan khi doanh nghiệp này đủ các điều kiện theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, ông Vịnh lại cho rằng, nếu xe hợp đồng chạy không đúng thì các cơ quan thuế và lực lượng kiểm soát trên đường xử lý, còn bản thân Sở GTVT Thái Nguyên “không giám sát được” (!?).
Trong khi đó, Thượng tá Đỗ Văn Hạnh, Trưởng phòng CSGT tỉnh Tuyên Quang cho biết, đơn vị đã nắm được hoạt động của hãng xe Limousine Hà Lan trên địa bàn. Phòng đã chỉ đạo các tổ tuần tra kiểm soát tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm (nếu có) của doanh nghiệp này khi xe chở khách lưu thông trên đường.
Theo Thượng tá Hạnh, để xử lý những hành vi "lách luật" như của hãng xe Limousine Hà Lan, cần phải có sự tham gia của nhiều cơ quan, ban ngành chứ không chỉ riêng lực lượng CSGT, TTGT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận