Các lễ hội trên sông nước thường dùng phương tiện chở hàng để chở người và dễ xảy ra tình trạng lộn xộn (Trong ảnh: Lễ hội Đền Và) |
Từ chuyện “vỡ trận” lễ hội Đền Và...
Chuẩn bị đón Tết Mậu Tuất 2018, chúng tôi lại nhớ những ngày cuối cùng của tháng Chạp năm ngoái, mấy anh ở Đội Thanh tra - an toàn số 2, thuộc Chi cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) phía Bắc bận rộn trên các tuyến sông ở Bắc Ninh, Hà Nội... để giám sát từng bến đò ngang trọng điểm, kiểm tra, xử phạt đò chở quá tải. Trong chuyến đi cùng đội thị sát bến đò trên sông Cầu, mấy anh em thanh tra không quên mời tôi đi trực canh một vài lễ hội trên sông nước.
Ông Trần Văn Khiết, Đội trưởng Đội Thanh tra - an toàn số 2 bảo, từ hai năm nay, ngành đường thủy đưa việc bảo đảm ATGT đường thủy tại các lễ hội trên sông nước vào trọng tâm công tác bảo đảm ATGT dịp Tết. Vì thế, ngay từ trong năm, các phòng, ban của chi cục và đội đã phải tìm hiểu, lên danh sách, lập “hồ sơ” đặc điểm, quy mô của từng lễ hội trên sông nước để làm việc với chính quyền các cơ sở, Ban tổ chức lễ hội nhằm có phương án bảo đảm ATGT đường thủy.
Ông Lê Đức Cường, Phó giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II cho biết, trong những ngày Tết, đơn vị đã điều một số cảng vụ viên tại Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II tại Sơn Tây về Hòa Bình để hỗ trợ công tác quản lý, bảo đảm an toàn cho lễ hội đền Thác Bờ. Trong mấy ngày Tết vừa qua, đã có nhiều đoàn khách tham quan hồ Hòa Bình và tình hình vận chuyển khách bằng phương tiện thủy tại đây được bảo đảm an toàn tuyệt đối. |
Nhận lời, nhưng mãi đến rằm tháng Giêng, tôi mới đến được lễ hội Đền Và tại TX Sơn Tây, Hà Nội. Đây là lễ hội cứ 3 năm mới có một lần tổ chức rước kiệu qua sông, cùng với những truyền thuyết huyền bí mang màu sắc tâm linh, khiến lễ hội năm nào cũng đông nghẹt người dân địa phương và du khách thập phương tham gia.
Từ 6h sáng, tại cảng Sơn Tây, chúng tôi đã đếm được 19 chiếc phà, tàu chở hàng loại trọng tải hàng nghìn tấn được trang trí màu sắc rực rỡ sẵn sàng chở hàng nghìn người tham gia lễ rước long ngai bài vị Tam vị Đức Thánh Tản (vị thánh đứng đầu trong Tứ bất tử theo tín ngưỡng dân gian) từ Đền Và (TX Sơn Tây) qua sông Hồng sang bờ phía huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) để tế lễ. Bên cạnh nghi thức đoàn thuyền đi dọc sông sau đó mới quay trở lại và sang bờ, thời gian đoàn tàu rước quay lại cũng không định trước. Bởi theo tục lệ, chỉ đến khi lá cờ tứ linh gặp gió đổi hướng, thổi phất đuôi cờ về phía Nam, đoàn rước mới quay về.
Về phía ngành Đường thủy, lường trước lễ hội Đền Và sẽ rất đông người tham gia, nên lãnh đạo Chi cục ĐTNĐ phía Bắc, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II cũng trực tiếp xuống hiện trường cùng anh em trong đội thanh tra, đại diện Cảng vụ ĐTNĐ tại Sơn Tây đứng gác tại cảng, lên tàu nhắc mọi người mặc áo phao, đứng vào nơi an toàn. Các anh em khác chạy xuồng ngược xuôi để cấm tàu, điều tiết giao thông.
Dù có cả lực lượng công an, CSGT, bộ đội cùng tham gia bảo đảm trật tự, ATGT tại lễ hội, các tình huống gây căng thẳng cho lực lượng thanh tra, cảng vụ đường thủy vẫn xảy ra. Khoảng 3.000 - 4.000 người dân lên các phương tiện thủy đã tham gia lễ rước kiệu qua sông, vượt quá số lượng dự tính ban đầu của Ban tổ chức, tạo ra cảnh hỗn độn trên phương tiện, nhiều người không có áo phao.
“Tuy không xảy ra sự cố, tai nạn nghiêm trọng, nhưng tình hình trật tự ATGT đường thủy tại lễ hội đã bị “vỡ trận”, không cản được mọi người ào ạt xuống tàu. Đây cũng là bài học để chi cục và các Đội Thanh tra - an toàn rút ra khi thực hiện tuyên truyền, vận động chính quyền cơ sở, Ban tổ chức các lễ hội trên sông nước có giải pháp phù hợp nhất để nâng hệ số an toàn cho mọi người tham gia lễ hội trên sông nước”, ông Nguyễn Công Minh, Chi cục trưởng Chi cục ĐTNĐ phía Bắc nói.
Mong địa phương, Ban tổ chức lễ hội không chủ quan
Ông Trần Sỹ Nghĩa, Đội trưởng đội Thanh tra - an toàn số 4 (thuộc Chi cục ĐTNĐ phía Bắc) kể, năm trước cả đội phải căng mình, đi lại nhiều lần, thậm chí đến cả nhà riêng của lãnh đạo một xã ven sông Hồng ở Hưng Yên để thuyết phục, vận động tổ chức đoàn “rước nước” giữa sông Hồng chỉ vừa đủ số lượng người, phương tiện đảm bảo an toàn kỹ thuật, trang bị đầy đủ phao cứu sinh và tuyệt đối không chở quá tải.
“Lễ rước nước diễn ra vào sáng sớm tinh mơ, anh em thanh tra cũng phải có mặt để trực tại phương tiện, canh luồng từ khi bắt đầu nghi lễ đến khi kết thúc. Thật mừng là các ý kiến của lực lượng thanh tra được chính quyền địa phương, Ban tổ chức lễ hội tiếp thu. Năm nay, chúng tôi cũng bắt đầu vận động, tuyên truyền để đảm bảo lễ hội diễn ra mà không có vi phạm về pháp luật giao thông đường thủy, không xảy ra tai nạn, sự cố nào đáng tiếc”, ông Nghĩa nói.
Ông Nguyễn Công Minh, Chi cục trưởng Chi cục ĐTNĐ phía Bắc cho biết, sau Tết, trên các tuyến đường thủy quốc gia tại các tỉnh phía Bắc thuộc phạm vi đơn vị quản lý có hơn 30 lễ hội trên sông nước với các quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Lễ hội sớm nhất là từ mùng 5 tháng Giêng, còn lại rải rác trong 3 tháng đầu năm Âm lịch, nhiều lễ hội thường xuyên có hoạt động phương tiện thủy như tại chùa Hương, Tràng An, hồ Hòa Bình...
“Chi cục, các Đội Thanh tra - an toàn đều nỗ lực cao nhất bảo đảm an toàn cho các lễ hội trên sông nước sau Tết. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra đường thủy mỏng. Nếu không có sự quan tâm, cùng vào cuộc của chính quyền, Ban tổ chức lễ hội, lực lượng chức năng địa phương sẽ dễ dẫn đến tình trạng lộn xộn, mất ATGT tại các lễ hội sông nước”, ông Minh nói.
Ông Trần Sỹ Nghĩa cho biết, sau Tết, từ chiều 22/2 (mùng 7 Tết), đội đã tổ chức đi kiểm tra, giám sát và nhắc nhở các chủ bến, người vận hành bến đò trên sông Đào (Nam Định) chấp hành nghiêm các quy định về vận tải khách ngang sông, yêu cầu người đi đò mặc áo phao, không chở quá tải, không chở ôtô, lưu ý không để xảy ra trường hợp khách có biểu hiện say rượu, bia qua đò bị rơi, ngã xuống sông. Trong đó, 3 bến khách được Đội Thanh tra - an toàn số 4 đặc biệt quan tâm là bến đò Kim Lũng, Hải Lạng, phà Đống Cao. Bởi đây là các bến có nhiều người qua lại để đến lễ hội chợ Viềng (huyện Vụ Bản, Nam Định), diễn ra từ đêm 22 đến sáng 23/2 (mùng 8 Tết).
“Phà Đống Cao hoạt động suốt đêm chở khách đi chợ Viềng nên chúng tôi bố trí lực lượng, xuồng công tác trực xuyên đêm tại phà này để giữ gìn trật tự, ATGT. Chúng tôi dự phòng cả chăn, áo ấm đề phòng xảy ra trường hợp khách qua đò say rượu rơi xuống nước. Tất cả các bến khách phục vụ lễ hội chợ Viềng đều bảo đảm an toàn tuyệt đối”, ông Nghĩa nói và cho biết, lãnh đạo Cục ĐTNĐ VN, chi cục cũng trực tiếp đi kiểm tra, giám sát công tác của lực lượng thanh tra.
Trước đó ngày mùng 5 Tết (20/2), đội đã xuất quân trực tiếp bảo đảm trật tự, ATGT tại lễ hội rước nước sông Hồng của xã Phú Thịnh, huyện Kim Động, Hưng Yên diễn ra vào sáng sớm. “Phương tiện phục vụ lễ hội đáp ứng đủ điều kiện an toàn, chở đúng số người mới được phục vụ lễ hội rước nước. Lễ hội đã diễn ra an toàn tuyệt đối”, Đội trưởng Nghĩa thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận