Thi công ngắt quãng vì cột điện án ngữ giữa đường
Có mặt tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang tại Km311 qua xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà, ghi nhận của PV cho thấy, trên công trường chưa đầy 1km tuyến chính, nhiều cột điện đường dây 110kV vẫn nằm án ngữ.
Các mũi thi công dù rất nỗ lực cho công tác đắp đất, lu nèn nền đường nhưng vẫn không tăng xông suất thi công được tối đa do công địa bị ngắt quãng bởi cột điện.
Nhà thầu Lizen thi công dè dặt dưới đường điện cao thế.
Theo đại diện nhà thầu Lizen, nhằm đảm bảo tiến độ thi công dự án, đơn vị đã phối hợp với đơn vị điện lực, cơ quan chức năng lên phương án thi công an toàn khi chưa thể di dời phần hạ tầng kỹ thuật.
Tuy nhiên, nhiều công nhân vẫn trong trạng thái vừa làm, vừa lo vì tai nạn rình rập trên đầu.
"Điển hình, trưa ngày 30/5, một chiếc xe tải nâng ben để đổ vật liệu đắp đường công vụ, dù ở vị trí cách xa đường dây 110kV Vạn Ninh 2 (thuộc xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh) nhưng vẫn xảy ra vụ phóng điện. Dù không có thiệt hại về người, tài sản nhưng vụ việc đã khiến toàn bộ huyện Vạn Ninh và phía nam tỉnh Phú Yên bị mất điện", đại diện nhà thầu Lizen chia sẻ.
Khảo sát dọc đoạn tuyến dài 35km do Công ty CP Lizen đảm nhận thi công, ghi nhận của PV cho thấy có đến 25 vị trí bị vướng thi công do đường điện 220kV, 110kV, 22kV. Một số đoạn, đường dây còn nằm giữa tim tuyến.
Các vị trí đường điện đi qua có độ võng gần nhất, nhà thầu không dám đắp nền cao thêm vì sợ máy móc gặp sự cố khi thi công dưới lưới điện.
Không chỉ ảnh hưởng đến các công tác thi công tuyến chính, vướng mắc hạ tầng kỹ thuật điện còn ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công đường công vụ. Công tác vận chuyển vật tư, thiết bị trên tuyến không thể triển khai và gây phát sinh thêm chi phí do phải đi đường vòng.
Đường dây cao thế nằm giữa tuyến cao tốc Vân Phong - Nha Trang.
Ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lizen bày tỏ sự lo lắng khi hiện tại, mùa mưa tại khu vực dự án đã cận kề. Trong khi đó, việc chậm di dời hạ tầng kỹ thuật đường điện cản trở các mũi thi công không thể tăng ca ban đêm.
"Cho đến hiện tại, gói thầu vẫn cơ bản vượt tiến độ thi công. Song, nếu không đẩy nhanh di dời hạ tầng kỹ thuật trước mùa mưa, việc triển khai dự án càng thêm khó khăn, nguy cơ chậm tiến độ là khó tránh khỏi", ông Hùng nói.
Địa phương than khó
Tìm hiểu thêm, được biết, trên tuyến cao tốc Vân Phong - Nha Trang có rất nhiều điểm giao nhau với lưới điện cao thế. Chỉ tính riêng khu vực huyện Vạn Ninh đã có đến 44 điểm giao cắt.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, ở địa phương, đường dây 220kV đi nhiều đoạn trùng với đường cao tốc nên phải làm thủ tục xây dựng tuyến mới, cần bố trí đất để di dời. Đối với đường dây điện cao thế, huyện đã làm văn bản kiến nghị gửi Sở Công thương và UBND tỉnh để thực hiện quy trình xử lý.
Một lãnh đạo UBND TX Ninh Hoà thì thừa nhận hiện địa phương khá e ngại thực hiện thủ tục di dời. Ví dụ, theo dự toán, để di dời các móng cột dự toán hết 71 tỷ đồng. Quá trình thi công các móng mới, phải làm đường dây tạm để duy trì nguồn điện thì hết 52 tỷ. Khó ở chỗ, sau khi làm xong thì bỏ đường dây tạm này sẽ lãng phí mất 52 tỷ đồng. "Riêng hồ sơ đường dây 220kV, năng lực cán bộ thị xã cũng rất hạn chế trong triển khai các thủ tục liên quan", vị này nói.
Đường diện đi ngang qua tuyến cao tốc Vân Phong - Nha Trang (đoạn qua huyện Vạn Ninh).
Bà Phan Thị Thu Cúc, Phó giám đốc Sở Công thương Khánh Hoà cho biết, việc chọn đơn vị tư vấn chuyên ngành điện để đẩy nhanh ngay từ bước làm hồ sơ, thủ tục là việc làm cần thiết lúc này, tránh trường hợp sửa đi sửa lại. Các đơn vị liên quan cũng cần sớm xác định mặt bằng làm trụ móng cột điện tuyến mới để kịp thời trình HĐND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất.
Ông Trần Hoà Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà cho biết, việc thẩm định các hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán của hạng mục điện 220kV theo quy định phải trình cơ quan chuyên ngành thuộc Bộ Công Thương thẩm định.
“Tỉnh đã kiến nghị nghị Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo xem xét ưu tiên thẩm định các hồ sơ do địa phương trình để đảm bảo thời gian triển khai các bước tiếp theo; Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam phối hợp với địa phương đẩy nhanh việc thỏa thuận hồ sơ thiết kế di dời các đường dây điện cao thế đáp ứng tiến độ thi công của dự án”, ông Nam chia sẻ.
Thi công cao tốc Vân Phong - Nha Trang (đoạn qua xã Ninh Sơn, TX Ninh Hoà)
Theo thống kê, Khánh Hoà có 41 hệ thống hạ tầng kỹ thuật (điện, viễn thông, nước) bị ảnh hưởng bởi cao tốc Vân Phong - Nha Trang. Trong đó, huyện Vạn Ninh có 22 hệ thống; TX Ninh Hòa có 6 hệ thống; huyện Khánh Vĩnh có 4 hệ thống; huyện Diên Khánh có 9 hệ thống. Để thi công dự án phải di dời 164 vị trí.
Ban QLDA 7 (chủ đầu tư dự án) cho biết, tính đến nay, địa phương đang hoàn tất các thủ tục liên quan để trình thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế phương án di dời. Trong đó, điện 220kV đã trình Cục Điện lực và năng lượng tái tạo thẩm định hồ sơ thiết kế 1/11 vị trí; điện 110kV đã trình Sở Công thương thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế 1/9 vị trí; điện trung và hạ thế đã trình thẩm định 50/69 vị trí.
Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang có tổng chiều dài hơn 83km (qua địa bàn 4 huyện là Vạn Ninh, TX Ninh Hòa, Diên Khánh và Khánh Vĩnh tỉnh Khánh Hòa).
Điểm đầu (Km285+000) kết nối đường dẫn cửa phía Nam hầm Cổ Mã (thuộc huyện Vạn Ninh); điểm cuối (tại khoảng Km368+350) kết nối điểm đầu dự án thành phần cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 11.800 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận