Hậu sáp nhập các đơn vị nghệ thuật truyền thống loay hoay tìm hướng đi |
Hiện nay, việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật kịch, chèo, tuồng, cải lương thành một đoàn nghệ thuật truyền thống đang diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh những bất cập khiến nhiều địa phương lúng túng trong định hướng hoạt động, còn nghệ sĩ thấp thỏm lo lắng về tương lai.
Sáp nhập khiến địa phương lúng túng
Nghị quyết số 19-NQ/TW ban hành ngày 25/10/2017 của Trung ương Đảng được xem là cú hích để các địa phương sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ giữ lại một đoàn nghệ thuật công lập truyền thống tiêu biểu của địa phương. Đối với các đơn vị nghệ thuật khác chuyển sang hình thức ngoài công lập. Đồng thời, hợp nhất trung tâm văn hoá và đoàn nghệ thuật cấp tỉnh thành một đầu mối.
Thanh Hóa sáp nhập 5 đoàn ca múa và kịch, tuồng, chèo, cải lương vào thành 2 đơn vị là Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn và Nhà hát nghệ thuật truyền thống; Lạng Sơn sáp nhập Đoàn Ca múa kịch vào Trung tâm Văn hóa thành Trung tâm Văn hóa nghệ thuật; gần đây là Quảng Ninh sáp nhập 3 đoàn (chèo, cải lương, kịch nói) thành Đoàn nghệ thuật Quảng Ninh… Nhiều tỉnh, thành phố khác cũng bắt đầu triển khai theo chủ trương và lộ trình đã đặt ra.
Theo đạo diễn, NSƯT Đào Quang, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nên có kiến nghị với Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng về việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật truyền thống để cùng tháo gỡ khó khăn và bảo đảm tính đặc thù, tính chuyên nghiệp của nghệ thuật sân khấu. Đừng để việc sáp nhập làm mất đi các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp chúng ta đã dày công xây dựng một cách không thương tiếc... Hoạt động xã hội hóa là cần thiết. Cơ chế tự chủ cho các đơn vị hoạt động nghệ thuật là cần thiết nhưng phải có lộ trình cụ thể. Nếu ta cứ sáp nhập, xã hội hóa theo kiểu “ném ào” một cái xuống biển sẽ dễ “chết đuối” hết. |
Thực tế cho thấy, các địa phương đang lúng túng trong việc định hướng hoạt động. Người trong giới sân khấu đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, gọi đó là một cuộc “ép duyên” nghệ thuật, là “trộn tấm với cám” khi đưa các loại hình nghệ thuật hầu như chẳng có mối liên hệ nào với nhau vào chung một “rọ” như vậy. Đạo diễn, NSƯT Đào Quang, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tỉnh Nam Định cho rằng, việc sáp nhập nhiều loại hình tuồng, chèo, kịch, cải lương thành một đã buộc các nhà hát phải rút gọn số lượng biên chế, nhưng khi dựng vở lại phải điều người đan chéo. Có khi nghệ sĩ chèo phải sang diễn kịch, lấy cải lương sang diễn chèo và ngược lại… Rõ ràng, với sự đan chéo như vậy sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng chuyên môn của các vở diễn.
Mặt khác, tại mỗi tỉnh, thành phố, việc sáp nhập các nhà hát lại được thực hiện theo các mô hình, cách làm khác nhau nên vô hình trung gây nên sự xáo trộn về nhân sự, tư tưởng, tình cảm của nghệ sĩ. Song song với đó, là sự lúng túng trong định hướng hoạt động. “Nếu sáp nhập, sẽ lựa chọn đối tượng nào làm nhà quản lý? Định hướng trong hoạt động nghệ thuật ra sao? Bởi mỗi loại hình nghệ thuật (chèo, tuồng, cải lương, kịch) có tính đặc thù riêng”, đạo diễn, NSƯT Đào Quang chia sẻ.
Nói về những thách thức khi việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật hiện nay, đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai đưa ra nhận định: Việc sáp nhập sẽ dẫn đến dư thừa nhân lực, phải tinh giản biên chế ở một số bộ phận hậu đài (hành chính, âm thanh ánh sáng, kế toán, bảo vệ, lái xe…), đồng thời phải bố trí, sắp xếp bộ máy hoạt động trong các phòng ban. Tiếp đó là khó khăn trong phân bổ nguồn kinh phí, nếu trước đây, kinh phí tách riêng cho từng lĩnh vực thì nay lại phân bổ cho đơn vị duy nhất với kinh phí đầu tư chỉ còn một nửa. Các nghệ sĩ lãnh đạo luôn phải cân đối ngân sách để có thể đầu tư đồng đều cho các loại hình.
Mất loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu
Ngoài ra, nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật truyền thống cũng cho rằng, việc sáp nhập cơ học cũng dễ dẫn tới thực trạng nhiều tỉnh, thành phố không còn đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Điều này xảy ra khi địa phương đó xác định không có loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu nào cần duy trì với tư cách một đơn vị độc lập. Một số loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống sẽ không tồn tại dưới hình thức là các đơn vị nghệ thuật công lập, mà sẽ tồn tại ở một thực thể khác.
Còn nhớ, Đoàn kịch Thái Bình đang hoạt động sôi nổi, cho ra mắt nhiều vở diễn hay là thế, nhưng từ khi sáp nhập với ca múa thành Nhà hát Ca múa kịch Thái Bình thì kịch đã bị ca múa át vía, khiến không còn đoàn kịch nữa. Thái Nguyên cũng từng có đoàn kịch mạnh với những vở diễn làm nức lòng người yêu kịch, nhưng khi nhập lại với ca múa thì cũng mất luôn đoàn kịch.
Theo đánh giá của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), việc sáp nhập lúc đầu sẽ gặp những khó khăn nhất định như: Giải quyết chế độ chính sách cho những nghệ sĩ hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu. Vì thực tế, có nhiều nghệ sỹ đã cống hiến 20-30 năm, nhưng nay vẫn còn rất trẻ.
Mặt khác, các nhà hát phải đồng thời tổ chức hoạt động cho nhiều loại hình nghệ thuật trong một đơn vị… Những khó khăn này đòi hỏi những chính sách có tính đặc thù, phù hợp với từng địa phương để đảm bảo quyền lợi cho các nghệ sĩ sau khi sáp nhập và tránh tình trạng nóng vội khi xóa một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp có nhiều đóng góp trong nhiều giai đoạn cách mạng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận