Doanh nghiệp

Lo thông tư vô hiệu, cấp tập ra nghị định

15/06/2016, 19:19

Các bộ đang gấp rút xây dựng Nghị định quy định điều kiện kinh doanh để kịp ban hành trước ngày 1/7.

18

Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiên An Phúc nêu ý kiến tại hội nghị sáng qua (14/6)

Các bộ đang gấp rút xây dựng Nghị định quy định điều kiện kinh doanh để kịp ban hành trước ngày 1/7. Vì gấp gáp khiến các văn bản này được thực hiện không đúng quy trình nên lo ngại không đảm bảo chất lượng.

E ngại chất lượng vì quá gấp

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định kể từ 1/7, nếu không nâng cấp lên nghị định thì các điều kiện kinh doanh ở tầm thông tư sẽ hết hiệu lực.

“Các bộ đã có thời gian dài chuẩn bị nhưng mãi tới hai tháng gần đây, khi Thủ tướng có chỉ đạo trực tiếp tại các cuộc họp Chính phủ thì tiến độ mới được đẩy nhanh, các bộ mới cấp tập bàn bạc, soạn thảo”, ông Tuấn nói. Trưởng ban Pháp chế VCCI cho hay, do thời gian quá gấp, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép rút ngắn quy trình, thủ tục nhưng Thủ tướng yêu cầu vẫn phải đảm bảo chất lượng.

 

"Trước đây, các thông tư tự đưa ra điều kiện đã là tội cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng. Tôi cho rằng, với các điều kiện ấy mà giờ được nghị định hóa thì tức là hợp thức hóa cái sai. Nên chúng ta không được lặp lại. Chính vì thế cần phải tự động bỏ. Còn với trường hợp đặc biệt nào đó thì các Bộ trình Chính phủ. Nếu điều kiện có liên quan tới an ninh quốc gia, quốc phòng… thì mới nên xem xét”. 

Luật sư Trần Vũ Hải

(Đoàn Luật sư Hà Nội)

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, vì quá gấp (49 nghị định, trong thời gian chỉ còn hai tuần) nên các dự thảo nghị định này đang được xây dựng với “8 không” là: Không đăng dự thảo trên mạng, không gửi tới lấy ý kiến doanh nghiệp, không tổ chức hội thảo góp ý, không đánh giá tác động, không tổ chức tổng kết thi hành, không kiểm soát thủ tục hành chính, không bản thuyết minh và không giải trình tiếp thu ý kiến. “Thế này chúng tôi đặc biệt e ngại chất lượng các nghị định đang được ban hành”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Theo số liệu từ VCCI, đến ngày 31/5 các bộ đã xây dựng được 49 nghị định, trong đó đã trình 38 nghị định và có 11 nghị định đang chờ để trình. “Tình trạng này dẫn tới Bộ Tư pháp quá tải khi phải thẩm định 44 nghị định trong một tuần. Ngay cả VCCI cũng thế, do khối lượng công việc quá lớn vì có 24/49 nghị định được gửi lấy ý kiến”, ông Tuấn nói.

Nhiều yếu tố trái luật chuẩn bị được luật hóa?

Tại Hội nghị “Điều kiện kinh doanh: Nhận diện và kiến nghị” do VCCI tổ chức sáng qua, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiên An Phúc cho rằng, các quy định về điều kiện kinh doanh, nhập khẩu ô tô được quy định trong Thông tư 20/2011/TT-BCT do Bộ Công thương ban hành nay lại được bộ nâng lên thành Nghị định sẽ gây bất cập cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô. Ông Tuấn cho biết, trước đây khi chưa có Thông tư 20 thì có hơn 200 doanh nghiệp nhập khẩu. Sau 5 năm áp dụng Thông tư 20 thì chỉ còn 20 doanh nghiệp, thậm chí doanh nghiệp lớn hiện còn nhỏ và siêu nhỏ, thị trường ô tô rơi vào các doanh nghiệp ngoại, Nhà nước thất thu thuế. “Nếu nội dung thông tư này được nâng lên thành nghị định thì chúng tôi không biết phải kêu đâu”, ông Tuấn nói. Đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp thông tư được sao sang nghị định.

“Nếu sao chép lại điều kiện kinh doanh trong các thông tư vào nghị định hay cứ ban hành điều kiện kinh doanh không có cơ sở hợp lý thì không những gây khó khăn, cản trở hoạt động kinh doanh mà còn trái với quy định của Luật Đầu tư 2014”, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật Basico nói. TS. Nguyễn Am Hiểu, Trọng tài viên Trọng tài Quốc tế tại Việt Nam đồng tình: “Nếu cứ chuyển đổi là rất nguy hiểm. Chúng tôi phủ quyết và đề xuất có cơ chế phản biện”, TS. Am Hiểu cho hay.

Cũng theo ông Đức, đến nay đã xuất hiện nhiều yếu tố trái luật chuẩn bị được luật hóa. Cụ thể như: Theo Luật Đầu tư 2014 chỉ có 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì đến thời điểm này đã xuất hiện thêm một ngành nghề kinh doanh có điều kiện nữa là Dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn theo Luật Khí tượng thủy văn 2015.

“Nếu không dứt khoát về quan điểm và tôn trọng quy định của Luật Đầu tư thì sẽ có nguy cơ không xác định được cụ thể là bao nhiêu ngành nghề kinh doanh có điều kiện”, ông Trương Thanh Đức e ngại. Bên cạnh đó, trong số 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư 2014 không có “Hoạt động dịch vụ tổ chức hòa giải thương mại” nhưng lại có “Hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại”. “Nếu Chính phủ ban hành nghị định về hòa giải thương mại trong lúc chưa có bổ sung ngành, nghề “Hoạt động dịch vụ của tổ chức hòa giải thương mại” thì sẽ trái quy định Luật Đầu tư 2014”, ông Trương Thanh Đức nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.