Nỗi lo Trung Quốc
Báo Bussiness Insider dẫn nhận định của ông Patrick Cronin, Chủ tịch an ninh Châu Á – Thái Bình Dương tại Viện nghiên cứu Hudson cho biết: “Trước tốc độ tăng cường năng lực tên lửa của Trung Quốc, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương thực sự đang nổ ra cuộc chạy đua tên lửa”.
Ông Cronin đánh giá, dù một số quốc gia như Hàn Quốc và “Bộ tứ” bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Mỹ có thể có những mối quan ngại khác nhau về Trung Quốc nhưng đều có chung hướng đi là phát triển và củng cố kho tên lửa.
Hiện nay, quân đội Trung Quốc, đặc biệt là hải quân và không quân, đang vươn lên trở thành một trong những lực lượng lớn nhất thế giới, phát triển năng lực thực hiện và duy trì các hoạt động tầm xa.
Tên lửa DF-21 của Trung Quốc
Các loại tên lửa mà Trung Quốc đang sở hữu như DF-21 và DF-26, hoàn toàn có thể làm xói mòn những vùng đệm vật lý mà các quốc gia như Australia và Mỹ vốn coi là lợi thế.
Các nước đồng minh trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc vốn phụ thuộc vào quân đội Mỹ về quốc phòng nhưng không chắc chắn với những cam kết từ Washington nên buộc phải tăng cường, đa dạng hoá hoả lực.
“Mỹ nhiều lần cho thấy họ có năng lực rất tốt để bảo vệ các đồng minh nhưng cũng không ít lần chậm trễ, hành động không hiệu quả. Vì vậy, các nước (như Nhật và Hàn Quốc) không muốn dựa hoàn toàn vào Mỹ. Họ muốn tự dựa vào sức của mình”, ông Cronin chỉ ra.
Các nước chạy đua như thế nào?
Theo Business Insider, lo lắng về hoạt động của Trung Quốc trên biển, Nhật Bản đang tăng cường tầm bắn cho các tên lửa hành trình chống tàu Type 12 từ 200km lên 900km, hướng đến mục tiêu cuối cùng là 1.000km. Tokyo cũng đang triển khai nhiều tên lửa Type 12 ra đảo Ryukyu nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc).
Nhật Bản cũng có kế hoạch phát triển 2 vũ khí siêu thanh: Tên lửa hành trình siêu thanh và thiết bị lượn siêu vượt âm (đầu đạn tên lửa siêu thanh - HVGP - Hyper Velocity Gliding Projectile).
HVGP dự kiến có tầm xa khoảng 500km và sở hữu đầu đạn có thể phá huỷ tàu sân bay và Tokyo hy vọng sẽ triển khai vào năm 2026.
Tên lửa Type 12 của Nhật
Nhật Bản cũng bày tỏ ý định muốn phát triển tên lửa tầm xa có thể bắn từ máy bay và tàu chiến. Gần đây, trong Sách trắng quốc phòng, Tokyo đặc biệt nhấn mạnh việc mua tên lửa tầm xa là một trong những ưu tiên của nước này.
Australia cũng đang củng cố quân đội trong đó Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết sẽ mở rộng năng lực tấn công trên đất và trên biển ở tầm xa.
Canberra đang mua 200 tên lửa chống tàu tầm xa từ Mỹ và đầu tư 1 tỉ USD vào chế tạo tên lửa dẫn đường nội địa. Khoản đầu tư này bao gồm phát triển tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) và vũ khí siêu thanh với sự cố vấn từ Mỹ.
Cùng lúc, Ấn Độ cũng đang phát triển kho vũ khí đối trọng với Trung Quốc.
New Delhi mua tên lửa hành trình và chống máy bay tầm xa, phát triển tên lửa phóng từ tàu ngầm mới để trang bị cho tàu ngầm tên lửa đạn đạo, sử dụng năng lượng hạt nhân lớp Arihant và phát triển phiên bản siêu thanh cho tên lửa hành trình Brahmos. Ấn Độ cũng tăng cường tầm xa của tên lửa Brahmos từ 400 km lên 800km.
Tên lửa hành trình Brahmos của Ấn Độ
Tại Hàn Quốc, trong tháng 7, nước này vừa thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm lần đầu tiên. Tên lửa được cho là Hyunmoo-2B, có tầm xa 500km và dự kiến được trang bị cho các tàu ngầm tương lai của nước này.
Như vậy, theo ông Cronin, với số lượng tên lửa lớn được triển khai tại các vị trí chiến lược dọc Ấn Độ - Thái Bình Dương cùng các tên lửa có khả năng phóng từ máy bay, tàu, tàu ngầm, các đồng minh và Mỹ có thể thiết lập khu vực chống tiếp cận/không cho phép xâm nhập, đối trọng với Trung Quốc, nhất là khi các nước này cùng phối hợp với nhau.
Tuy nhiên, ông Cronin nhấn mạnh, dù phát triển năng lực tên lửa là cần thiết và là một mũi nhọn trong cạnh tranh với Trung Quốc nhưng không phải là quan trọng nhất. Dù các nước kể trên đang rốt ráo cải thiện và mở rộng nhưng vẫn tập trung vào phòng thủ chứ không khiêu khích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận