Đó là yêu cầu được nêu ra ở Nghị quyết số 218 ngày 12/11 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024.
Đây là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng vừa có bài viết "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" đề cập rất rõ, gợi mở những giải pháp rất cụ thể về nội dung này.
Chia sẻ bên lề kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ tâm đắc và ấn tượng bởi bài viết đã phân tích đúng, trúng tình hình hiện nay, khi vẫn còn sự cồng kềnh trong bộ máy nhà nước, tinh giản, tinh gọn vẫn cào bằng, chưa thực chất.
Các đại biểu tin tưởng, nếu thực hiện nghiêm túc những giải pháp nêu ra sẽ đảm bảo bộ máy tổ chức nhà nước tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.
Trước đó, khi Quốc hội thảo luận tại tổ, Tổng Bí thư cũng đã có những phát biểu đáng chú ý về câu chuyện tinh gọn bộ máy.
Ông đã đưa ra những ví dụ cụ thể về "một việc nhiều người làm, không ai chịu trách nhiệm chính", gây bức xúc trong nhân dân.
Đặc biệt, hiện chi thường xuyên quá lớn, không còn tiền chi cho đầu tư phát triển. Từ đó, Tổng Bí thư lưu ý rà soát lại, xem cách gì để phục vụ nhân dân tốt hơn, cách gì để giảm công sức vào những việc không cần thiết. Rất nhiều việc đòi hỏi phải cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt bộ máy.
Thời gian qua, thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, các bộ, ngành đã giảm được 17 tổng cục và tương đương; giảm 10 cục và 144 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 108 phòng trong vụ/ban thuộc bộ, ngành.
Các địa phương giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; 2.572 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị sự nghiệp công lập, còn 46.385 đơn vị. Số đối tượng tinh giản biên chế năm 2023 là 7.151 người.
Những kết quả trên là đáng ghi nhận, song so với mục tiêu đặt ra thì chưa đạt yêu cầu.
Thực tế cho thấy, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại.
Một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Việc thực hiện tinh giản 10% biên chế sự nghiệp công lập ở một số nơi, một số cơ quan, đơn vị vẫn mang tính chất cào bằng, quy định từ trên xuống dưới đều áp dụng chung.
Vì thế, tinh giản chỉ tập trung giảm số lượng mà chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.
Hiện nay, chi thường xuyên và chi cho lương chiếm tỷ lệ lớn trong tổng ngân sách chi hằng năm (70%), cao hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới; chỉ còn 30% chi cho đầu tư phát triển, chi cho an sinh xã hội, như vậy đất nước sẽ khó phát triển được.
Có những bộ, ngành bộ máy tổ chức cồng kềnh, không rõ chức năng, nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, dẫn tới cơ chế xin - cho làm mất thời gian của người dân và doanh nghiệp.
Vì vậy, điều quan trọng hiện nay là cần sớm rà soát và loại bỏ các chức năng chồng chéo, bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Cùng với cắt giảm và tối ưu hóa biên chế, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thay đổi cơ cấu tổ chức, nâng cao chất lượng cán bộ công chức.
Đặc biệt, cần phân cấp, phân quyền hợp lý và cụ thể hóa bằng các chính sách pháp luật để khắc phục tình trạng một việc nhiều người làm nhưng không ai chịu trách nhiệm chính. Cần quy định hướng tới mục tiêu rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.
Đất nước đang trên hành trình tiến vào kỷ nguyên mới, để đạt được các mục tiêu chiến lược đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc.
Và để làm được những điều đó, việc khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận