Đường thủy

Loạt cơ chế mới khuyến khích đầu tư hạ tầng đường thủy

11/11/2022, 18:29

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển GTVT đường thủy nội địa.

Ưu tiên bố trí vốn đầu tư và bảo trì

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Quyết định số 21/2022 về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển GTVT đường thủy nội địa. Quyết định có hiệu lực từ ngày 25/12/2022 và thay thế Quyết định số 47/2015.

img

Theo Quyết định 21, ưu tiên bố trí các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, bảo trì lĩnh vực đường thủy nội địa. Ảnh: minh họa

Theo đó, sẽ được tiếp cận nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa nhằm kết nối thuận lợi, hiệu quả với các phương thức vận tải khác, đặc biệt là với hệ thống cảng biển.

Ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa để cải tạo, nâng cấp luồng đường thủy nội địa trên các tuyển vận tải chính theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát và quy hoạch các bến khách ngang sông tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa có điều kiện phát triển, đầu tư các loại hình giao thông khác vào quy hoạch của địa phương, để đảm bảo việc đầu tư mới các bến khách này phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư công năm 2020 trong trường hợp sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư.

Về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, bố trí vốn sự nghiệp kinh tế cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và khả năng huy động các nguồn lực, đảm bảo đáp ứng yêu cầu năm sau cao hơn năm trước, với mục tiêu đến năm 2030 đáp ứng đủ nhu cầu vốn theo kế hoạch được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Quyết định 21 cũng đề ra chính sách phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực đường thủy nội địa. Cụ thể, ưu tiên bố trí kinh phí chi đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động lĩnh vực đường thủy nội địa.

Sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước để quản lý, vận hành, bảo trì hệ thống công nghệ thông tin phục vụ hoạt động lĩnh vực đường thủy nội địa sau đầu tư, gồm: cơ sở dữ liệu, phần mềm, phần cứng.

Bố trí quỹ đất, mặt nước phát triển cảng thủy nội địa

Để tổ chức thực hiện, theo Quyết định 21, Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc bố trí vốn ngân sách để thực hiện cơ chế, chính sách phát triển GTVT đường thủy nội địa; Ưu tiên bố trí vốn đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng GTVT đường thủy nội địa theo kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

img

Thủ tướng giao các bộ ngành, địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất, mặt nước cho đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa, các cơ sở sửa chữa, đóng mới phương tiện. Ảnh: minh họa

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường bố trí quỹ đất, mặt nước cho các dự án đầu tư xây dựng cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa, cảng thủy nội địa trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

Cùng đó chủ trì, bố trí ngân sách địa phương để phát triển giao thông đường thủy nội địa thuộc địa phương quản lý; Ưu tiên bố trí đất xây dựng cảng thủy nội địa khai thác hàng container ở phía Bắc và khu vực đồng bằng sông Cửu Long...

Trước đó, báo cáo cấp có thẩm quyền, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, kinh phí cấp cho công tác bảo trì các tuyến đường thủy nội địa quốc gia hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu tối thiểu; điều tiết khoảng 40-50 (đạt 11,1%) vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên tổng số 452 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn trên toàn quốc. Mặt khác, vốn cho sửa chữa định kỳ về nạo vét đảm bảo giao thông, về hệ thống báo hiệu, hệ thống kè chỉnh trị đều chưa đáp ứng được nhu cầu.

“Vì vậy, cần tăng vốn sự nghiệp kinh tế để đáp ứng nhu cầu bảo trì và thực hiện các nhiệm vụ được giao. Theo Quyết định 21/2022/QĐ-TTg thì tính đến năm 2030 vốn sự nghiệp kinh tế cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa sẽ đáp ứng đủ nhu cầu theo kế hoạch, tức cần tăng khoảng 125%, như vậy đến hết 2030, vốn này sẽ tăng khoảng 15,6% hàng năm”, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.