Sở GDCK Hà Nội vừa ra loạt quyết định về việc hủy niêm yết cổ phiếu đang niêm yết trên HNX.
Theo đó 8 triệu cổ phiếu DID của CTCP DIC Đồng Tiến bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX từ 27/5/2020. Phiên giao dịch cuối cùng trên HNX vào ngày 26/5/2020.
Nguyên nhân bị hủy niêm yết do DIC Đồng Tiến có ROE sau khi phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ phải trả <5% và phần vốn phát hành thêm để hoán đổi làm phát sinh tăng trên 50% vốn điều lệ thực góp trước phát hành, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc.
Sở GDCK Hà Nội cũng thông báo, toàn bộ 25 triệu cổ phiếu PVE của Tổng công ty Tư vấn thiết kế dầu khí – CTCP cũng bị hủy niêm yết từ 28/5/2020. Nguyên nhân do PVE đã chậm nộp BCTC trong 3 năm liên tiếp, thuộc trường hợp bị hủy niêm yết theo quy định.
Ngoài ra, toàn bộ hơn 8,3 cổ phiếu MEC của CTCP Cơ khí lắp máy Sông Đà cũng sẽ bị hủy niêm yết trên HNX từ 26/5/2020. Nguyên nhân do công ty có tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại BCTC kiểm toán năm 2019.
Tương tự, toàn bộ 25,12 triệu cổ phiếu SPP của CTCP Bao bì Nhựa Sài Gòn cũng sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX từ 22/5/2020. Nguyên nhân do Bao bì Nhựa Sài Gòn đã có tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại BCTC kiểm toán năm 2019.
Trong khi, cổ phiếu KSK của CTCP Khoáng sản luyện kim màu cũng bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX từ 28/5/2020. Nguyên nhân hủy niêm yết do KSK đã chậm nộp báo cáo tài chính trong 3 năm liên tiếp, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết theo quy định…
Liên quan đến quyền lợi của nhà đầu tư khi cổ phiếu bị huỷ niêm yết bắt buộc, theo luật sư Trịnh Anh Dũng, Văn phòng Luật sư Trịnh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, trong trường hợp này, nhà đầu tư vẫn được đảm bảo về nguồn sở hữu đối với cổ phiếu, bởi cổ phiếu bị huỷ niêm yết nhưng không phải huỷ giá trị cổ phiếu.
Còn về phía doanh nghiệp phát hành cổ phiếu cần có trách nhiệm đảm bảo cho nhà đầu tư sở hữu hợp pháp cổ phiếu. Khi người mua hợp pháp cổ phiếu sẽ trở thành cổ đông công ty và phải tôn trọng các quyền của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo luật sư Dũng, sau khi cổ phiếu bị huỷ niêm yết, những quyền giao dịch sẽ không được thông qua các công ty chứng khoán và sàn giao dịch chứng khoán. Thay vào đó, việc mua bán cổ phiếu sẽ theo kiểu trao tay, thoả thuận riêng tư.
"Nếu giao dịch trên sàn chứng khoán, việc mua bán cổ phiếu giữa các nhà đầu tư sẽ thuận tiện hơn, khả năng thanh khoản cao. Nhưng khi cổ phiếu bị huỷ niêm yết bắt buộc, việc mua bán sẽ bị giảm đi rất nhiều và ảnh hưởng đến giá trị tài sản của cổ phiếu đó. Trong trường hợp không bán được cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ phải chấp nhận và tuân thủ các nghĩa vụ liên quan đến tài sản. Đây cũng là rủi ro khi nhà đầu tư chơi cổ phiếu nếu doanh nghiệp bị phá sản, vỡ nợ, dừng niêm yết...", luật sư Dũng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận