Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất, từ ngày 1/7, lương tối thiểu vùng dự kiến tăng 6%, tức thêm 180.000-260.000 đồng so với hiện nay. Nếu được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng 1 sẽ là 4,68 triệu đồng; Vùng 2 lên 4,16 triệu; Vùng 3 đạt 3,64 triệu và vùng 4 là 3,25 triệu đồng.
Tuy nhiên, 8 Hiệp hội đã cùng ký vào văn bản, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ áp dụng tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2023, thay vì mốc đề xuất trên.
8 Hiệp hội ngành nghề có số NLĐ đông cùng kiến nghị lùi thời gian tăng lương tối thiểu vùng
Các Hiệp hội bao gồm: Hiệp Hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam
Lý do được các Hiệp hội này đưa ra là do tình trạng người lao động (NLĐ) là F0 vẫn tiếp tục xảy ra, doanh nghiệp (DN) vẫn đang phải gồng mình đối phó với tình hình đó và kéo theo là tình trạng hậu Covid-19, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất của DN.
Trong khi, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 chỉ tăng 1,84% so với năm 2020 và không làm ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống của NLĐ và Nhà nước cũng đang nỗ lực kiểm soát lạm phát.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, các DN trong ngành đang chịu nhiều áp lực tăng giá đầu vào kể từ sau cuộc xung đột Nga – Ukraine và dự báo tình trạng vẫn còn tiếp diễn. Nên việc tăng lượng vào tháng 7 sẽ khiến cho DN thêm khó khăn.
Cụ thể, giá nguyên liệu tăng 20-40%. Đơn cử, năm 2020-2021 giá gỗ sồi tăng 28%; Gỗ tròn và gỗ Dương tăng 40%, các loại gỗ khác đều tăng hơn 20%.
Bên cạnh đó, chi phí logistics tăng gấp 10 lần, từ mức 1.000-3.000 USD/container 40 feet lên 14.000-15.000 USD/container.
Chưa kể, thực tế, hầu hết DN đều đã trả mức lương trên mức lương tối thiểu vùng, và đang hỗ trợ thêm cho NLĐ trước những tác động của dịch Covid-19. Nhưng việc tăng lương này sẽ là động thái khiến họ sẽ phải tính toán tăng lương tiếp.
Tương tự, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho PV biết, Hiệp hội có hàng trăm DN đều đồng thuận với việc tăng lượng tối thiếu vùng khi mức sống của NLĐ đang chịu sức ép tăng giá, tuy nhiên, cần lùi đến thời điểm đầu năm 2023 để DN có thời gian chuẩn bị nguồn lực.
Theo bà Xuân, thời gian rất gấp khi chỉ còn 2 tháng để DN điều chỉnh các thủ tục.
Điểm cốt lõi được bà Xuân nhấn mạnh, là mức lương cho NLĐ của ngành đang ở ngưỡng 7-8 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều lần so với mức lương tối thiếu vùng nhờ các chế độ trợ cấp thu hút lao động.
“Các DN cũng đã tăng lương từ đầu năm, ngưỡng 6-8% để thu hút NLĐ trước làn sóng di cư của công nhân, việc thiếu càng trầm trọng hơn.
Ngoài ra, hợp đồng với các đối tác bao gồm giá hàng hoá... đều đã được chốt và ký kết từ đầu năm nên không thể tăng giá bán hàng hoá được.
Do đó, việc tăng lương vào thời điểm giữa năm (tháng 7) sẽ đẩy DN vào tình huống vô cùng khó khăn, nhiều DN sẽ phải hủy bỏ ngang hợp đồng vì chi phí không đảm bảo, ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của người lao động và sự tồn vong của DN", bà Xuân nói.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Việt Cường, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong lại cho rằng, mức tăng 6% là "chưa được như kỳ vọng".
Theo ông Cường, hai năm dịch lan rộng, người lao động gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt họ phải chi nhiều hơn cho sức khỏe, y tế. Lương tối thiểu điều chỉnh ở mức 6% sẽ rất khó bù được lạm phát giai đoạn 2021-2023. Ông đồng ý mức đề xuất tăng 8% của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là hợp lý.
Vị này cũng nhấn mạnh, tăng lương tối thiểu chỉ tác động phần lương căn bản mà không phải tăng các khoản phụ cấp hay tổng thu nhập người lao động. Do đó, chỉ ảnh hưởng trực tiếp chi phí của DN trong ngắn hạn, theo thời gian, DN có thể điều chỉnh được!.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận