Theo thông báo từ chính phủ và người phát ngôn Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha, nước này sẽ không tham gia liên minh bảo vệ giao thương khu vực Biển Đỏ do Mỹ đứng đầu.
Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha cho biết họ sẽ chỉ tham gia vào các nhiệm vụ do NATO lãnh đạo hoặc các hoạt động do châu Âu phối hợp, chứ không phải các nhiệm vụ do Lầu Năm Góc chỉ huy.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết họ ủng hộ các nỗ lực đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đỏ và các khu vực xung quanh. Tuy nhiên, cơ quan này khẳng định lực lượng Pháp đã hoạt động tại khu vực này và các tàu đó sẽ nằm dưới sự chỉ huy của Pháp.
Pháp cũng không cho biết về khả năng tăng cường lực lượng hải quân tại đây.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Italia thông tin, nước này sẽ cử tàu khu trục hải quân Virginio Fasan tới Biển Đỏ nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và đáp ứng các yêu cầu cụ thể của các chủ tàu Italia. Đây là một phần trong các hoạt động của quân đội Italia chứ không phải hoạt động của liên minh OPG.
Cùng ngày, tờ báo Canberra Times cho biết, Australia sẽ không gửi bất cứ tàu chiến nào tới khu vực Biển Đỏ bất chấp yêu cầu từ Hoa Kỳ.
Thậm chí khi nhắc tới các khu vực trọng tâm chiến lược của nước này, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles còn không nhắc tới Biển Đỏ: “Trọng tâm chiến lược của Australia là khu vực quanh Australia, đông bắc Ấn Độ Dương, Biển Đông, Biển Hoa Đông và Thái Bình Dương”.
Thông tin từ Reuters cho biết, ngày 21/12, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố chỉ sau hai ngày thành lập, hơn 20 quốc gia đã đồng ý tham gia vào liên minh mới do Hoa Kỳ lãnh đạo để bảo vệ hoạt động giao thương ở Biển Đỏ.
Trong chuyến công du tới Trung Đông hôm 19/12, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã công bố kế hoạch thành lập liên minh bảo vệ Biển Đỏ và cho biết liên minh sẽ bao gồm các nước như Anh, Pháp, Italia, Canada, Hà Lan, Tây Ban Nha,...
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cũng tiết lộ có ít nhất 8 quốc gia từ chối nêu tên công khai, một dấu hiệu cho thấy tính nhạy cảm chính trị của hoạt động này trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang do xung đột tại Gaza.
Theo Reuters, từ đầu tháng 12, lực lượng Houthi ở Yemen đã tăng cường tấn công các tàu hàng bằng máy bay không người lái và tên lửa. Nhiều hãng tàu lớn trên thế giới đã chuyển hướng đi qua mũi Hảo Vọng ở phía nam châu Phi (dài hơn 10-14 ngày đường) nhằm tránh khỏi tâm điểm xung đột.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận