Thị trường

Loạt sàn Temu, Shein, 1688 chưa được cấp phép, Tổng cục Thuế nói điều bất ngờ

31/10/2024, 17:24

Theo Tổng cục Thuế, ngày 4/9/2024, chủ sở hữu vận hành sàn Temu tại Việt Nam đã đăng ký thuế và sẽ bắt đầu kê khai từ 31/10/2024 nếu được cấp phép. Những trường hợp khác chưa kê khai đầy đủ sẽ chịu thanh tra, kiểm tra nếu có dấu hiệu trốn thuế...

Báo Giao thông đã có bài viết "Cơn lốc" Temu, lộ góc khuất quản lý thương mại điện tử.

Từ vụ việc Temu đại náo thị trường Việt, nhưng chưa được cấp phép, bộc lộ nhiều bất cập trong công tác quản lý, đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước sớm có giải pháp "bịt những lỗ hổng" để phát triển môi trường thương mại điện tử (TMĐT) bền vững.

Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã có thông tin trả lời Báo Giao thông xung quanh công tác quản lý thuế đối với các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688…

Các sàn nêu trên, ngoại trừ Temu bắt đầu vào Việt Nam từ tháng 10, thì hầu hết đã hoạt động từ vài năm trước. Điều này đặt ra việc quản lý thuế ra sao?

Loạt sàn Temu, Shein, 1688 chưa được cấp phép, Tổng cục Thuế nói điều bất ngờ- Ảnh 1.

Tổng cục Thuế đã vận hành Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ năm 2022. Ảnh: Hồng Hạnh.

Các sàn tự tính, tự khai, tự nộp thuế

Tổng cục Thuế cho hay, hoạt động kinh doanh sàn TMĐT Việt Nam là hoạt động kinh doanh phải được cấp phép và chịu quản lý nhà nước của Bộ Công thương (theo quy định Nghị định 52 năm 2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 85 năm 2021).

Đối với lĩnh vực quản lý Nhà nước về các khoản thu nội địa (trong đó có khoản thu từ hoạt động kinh doanh TMĐT), trên cơ sở các quy định tại Luật Quản lý thuế và Thông tư 80 năm 2021, các nhà quản lý sàn TMĐT như Temu, 1688, Amazon … có trách nhiệm đăng ký, tự tính, tự khai, tự nộp thuế trực tiếp thông qua Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) của Tổng cục Thuế. Tổng cục Thuế đã vận hành Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) từ năm 2022.

"Do đó, nếu phát hiện NCCNN kê khai chưa đúng doanh thu cơ quan thuế sẽ đối chiếu dữ liệu để xác định doanh thu đề nghị NCCNN thực hiện nghĩa vụ và thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định nếu có dấu hiệu gian lận, trốn thuế", theo Tổng cục Thuế.

Riêng về sàn Temu, đơn vị này cho biết, ngày 4/9/2024, Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd (chủ sở hữu vận hành sàn TMĐT Temu tại Việt Nam) đã đăng ký thuế qua Cổng TTĐT dành cho NCCNN của Tổng cục Thuế và được cấp mã số thuế 9000001289.

Theo quy định tại Thông tư 80 năm 2021, các NCCNN sẽ kê khai, nộp thuế theo quý. Tức là, Temu sẽ bắt đầu nộp tờ khai từ thời điểm quý III năm 2024 (thời hạn kê khai thuế của tờ khai quý III/2024 là 31/10/2024) kê khai cho doanh thu từ thời điểm bắt đầu hoạt động tại Việt Nam (dự kiến tháng 10/2024 mới phát sinh doanh thu nộp thuế và sẽ kê khai doanh thu vào kỳ khai thuế quý IV/2024 thời hạn nộp là 31/1/2025) nếu được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép hoạt động.

"Tổng cục Thuế sẽ giám sát chặt chẽ việc kê khai doanh thu của Temu để đảm bảo thu đúng, thu đủ theo quy định", đơn vị này khẳng định.

Có tình trạng lợi dụng khái niệm "cơ sở thường trú"

Tổng cục Thuế cũng cho hay, đối với các NCCNN có phát sinh doanh thu tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký thuế, cơ quan thuế đã và đang rà soát và có các biện pháp xử lý phù hợp để đảm bảo quản lý thuế hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số.

Tuy nhiên, đơn vị này cũng thừa nhận, có tình trạng một số NCCNN lợi dụng khái niệm "cơ sở thường trú" thông qua việc thành lập các văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Điều này dẫn đến việc NCCNN không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế qua Cổng TTĐT của Tổng cục thuế.

Để giải quyết vấn đề này, Tổng cục Thuế đã báo cáo Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định tại Điều 42 Luật Quản lý thuế 38 năm 2019 để phù hợp với phát sinh thực tế của NCCNN tại Việt Nam.

Làm sao thu đúng, thu đủ thuế TMĐT?

PV đặt câu hỏi: "Làm thế nào để đảm bảo thu đúng, thu đủ trong môi trường TMĐT xuyên biên giới?". Theo Tổng cục Thuế, hoạt động kinh doanh TMĐT xuyên biên giới là hoạt động mới phát sinh tại Việt Nam, có nhiều đặc điểm khác biệt so với hoạt động kinh doanh truyền thống.

Để đảm bảo quản lý hiệu quả đối với hoạt động này, tổng cục đã kịp thời nghiên cứu, tham mưu các các cấp có thẩm quyền ban hành cơ sở pháp lý và triển khai vận hành Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế.

"Hiện nay, Tổng cục Thuế đã và đang tiếp tục đánh giá tình hình thực tiễn quản lý thuế đối với các NCCNN và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi bổ sung một số luật, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 123 về hóa đơn để quản lý thuế đối với hoạt động này đảm bảo quản lý thuế hiệu quả, thu đúng, thu đủ đối với các NCCNN khi thực hiện kinh doanh tại Việt Nam", theo Tổng cục Thuế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.