Xăng dầu nhập khẩu tăng mạnh
Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) thông báo từ ngày 25/8, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ tạm dừng sản xuất 55 ngày để lần đầu bảo dưỡng sau gần 5 năm.
Ông So Hasegawa, Tổng Giám đốc của NSRP cho hay, bảo dưỡng tổng thể là một phần quan trọng trong cam kết về an toàn, tạo ra nguồn cung các sản phẩm xăng dầu có chất lượng cao trên cơ sở bền vững và dài hạn cho thị trường trong nước.
Trong thời kỳ bảo dưỡng, các phân xưởng của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ tạm dừng hoàn toàn các hoạt động sản xuất.
NSRP đang phối hợp và làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan để đảm bảo công tác bảo dưỡng tổng thể của nhà máy không ảnh hưởng tới hoạt động của thị trường xăng dầu trong nước cũng như người tiêu dùng.
Nhập khẩu xăng dầu tăng mạnh.
Hiện nay, khoảng 70% nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước đến từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (đơn vị thành viên PVN) và NSRP.
Tổng khối lượng xăng dầu mà Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil - đơn vị cung ứng xăng đầu lớn thứ 2 cả nước) mua từ hai nhà máy lọc dầu chiếm tới 70-80% tổng nguồn hàng đầu vào của PVOil, đóng một vai trò rất quan trọng đối với PVOil.
Lãnh đạo PVOil cho biết: "NSRP đã thông báo kế hoạch bảo dưỡng này từ đầu năm. Để bù lại sản lượng thiếu hụt từ lọc dầu Nghi Sơn, chỉ còn một cách là nhập khẩu.
Việc nhà máy phải bảo dưỡng không có gì là đột xuất hay bất ngờ, nên chúng tôi đã có kế hoạch nhập khẩu. Việc nhập khẩu hiện nay chủ yếu là từ Singapore.
“Bất cứ nhà máy lọc dầu nào cũng vậy, 2 năm 1 lần là phải tiến hành bảo dưỡng. Đây là việc hết sức bình thường”, vị này chia sẻ.
Chủ doanh nghiệp đầu mối xăng dầu Đông Hưng cho biết, hiện nay xăng dầu tồn kho đang rất nhiều do lượng xăng dầu tiêu thụ giảm hơn các năm trước.
"Các tháng đầu năm, thời điểm giá thế giới rẻ, doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu. Do đó, gián đoạn của Nghi Sơn không nên lo lắng", vị này nói.
Thực tế, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 5 và tháng 6, lượng nhập khẩu xăng dầu các loại tăng lần lượt là 36,5% và 14,9%.
Trong nửa đầu năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu tới 5,2 triệu tấn xăng dầu các loại, với trị giá là 4,16 tỷ USD, tăng 8,8% về lượng nhưng giảm 16,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước (chủ yếu do giá xăng dầu giảm mạnh, giá bình quân các mặt hàng xăng dầu trên thị trường Singapore trong 6 tháng đầu năm 2023 bằng 69,12-76,43% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2022 - PV).
Trong đó, lượng dầu diesel nhập về đạt 2,82 triệu tấn, giảm gần 1% và lượng xăng nhập về đạt 1,11 triệu tấn, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu xăng dầu các loại vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 chủ yếu từ các thị trường: Hàn Quốc đạt 2,07 triệu tấn, tăng 7,4%; Singapore đạt 1,36 triệu tấn, tăng 113%; Malaixia đạt 885 nghìn tấn, tăng 13,3%..
Sẵn sàng các kịch bản ứng phó
Với xăng dầu sản xuất trong nước, báo cáo mới nhất của Tổ điều hành thị trường trong nước ghi nhận: Theo báo cáo của NSRP và Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Dung Quất, 5 tháng đầu năm 2023, hai nhà máy sản xuất được khoảng 5,6 triệu tấn xăng dầu các loại.
Trong đó, NSRP sản xuất được 2,93 triệu tấn, Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất sản xuất được 2,679 triệu tấn (bình quân 2 nhà máy sản xuất khoảng 1,1 triệu tấn xăng dầu các loại/tháng).
Bộ Công thương yêu cầu PVN kiểm soát thị trường trong thời gian NSRP dừng hoạt động.
Về lượng xăng dầu tồn kho, theo báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, lượng tồn kho xăng dầu đến hết ngày 30/5/2023 vào khoảng 1,577 triệu tấn/m3 xăng dầu các loại.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Tổ điều hành thị trường trong nước cũng đề nghị Bộ Công thương cần bám sát kế hoạch ngừng sản xuất để bảo dưỡng của NSRP.
Qua đó, cần có chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo về đảm bảo nguồn cung xăng dầu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khi lọc dầu này ngừng sản xuất để bảo dưỡng.
Theo Vụ Thị trường trong nước, trong 6 tháng đầu năm nguồn cung trong nước có thời điểm chịu ảnh hưởng từ sự cố kỹ thuật tại phân xưởng RFCC của NSRP (thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023) khiến sản lượng xăng dầu trong 10 ngày đầu tháng 1 bị sụt giảm và nguy cơ nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng do NSRP gặp vấn đề về tài chính vào giai đoạn tháng 3.
Riêng trong tháng 4 và tháng 6, Bộ Công thương đã 2 lần tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp đầu mối sản xuất xăng dầu và doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp đầu mối mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan về việc đảm bảo nguồn cung trong nước khi NSRP bị gián đoạn.
Bộ trưởng Công thương đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn chủ động có phương án cả kỹ thuật, nhân lực, vật tư nguyên liệu… trong mọi tình huống để hoạt động hết và vượt công suất, bảo đảm đủ nguồn cung theo cam kết của mình ra thị trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận