Lối đi dân sinh san sát tại phố Đường tàu, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm,tỉnh Hưng Yên |
Cung đường nóng mất ATGT
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, dọc tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng nhan nhản lối đi dân sinh. Chỉ khoảng 2-3km lại có một lối đi dân sinh bủa vây. Nhiều nhất là đoạn qua thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, Hưng Yên hay địa bàn xã Kim Lương, huyện Kim Thành, Hải Dương… nhà nào, xóm nào cũng “vô tư” rải đá cấp phối, tấm đan bằng gỗ… qua đường tàu làm lối đi ra đường bộ. “Chúng tôi phải mở lối đi tắt qua đường sắt, không cả xóm phải đi vòng mấy cây số mới qua được bên kia đường”, một người dân ở thị trấn Như Quỳnh vô tư nói.
Đường sắt Hà Nội - Hải Phòng là tuyến địa phương, chỉ dài hơn 100km nhưng đi qua 4 tỉnh, thành phố lớn, đông dân cư là: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Tuyến đường chủ yếu chạy song song đường bộ, hai bên là các khu dân cư, khu công nghiệp đông đúc nên nguy cơ mất ATGT rất cao.
"Việc rào thu hẹp các lối đi dân sinh, cắm biển chú ý tàu hỏa chỉ là biện pháp cấp bách trước mắt, nhằm tăng cường biện pháp ngăn ngừa TNGT đường sắt trong khi chờ kinh phí để làm hàng rào, đường gom, đóng các lối đi dân sinh hay nâng cấp thành đường ngang chính quy”. Ông Khương Thế Duy |
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hoài Trung, Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Hải - đơn vị quản lý tuyến cho biết, hiện có tới hơn 300 lối đi dân sinh qua đường sắt. Trung bình chưa đầy 3km có một đường ngang. “Như Hưng Yên, chỉ có 18,6km đường sắt đi qua 7 xã, một thị trấn đều thuộc huyện Văn Lâm nhưng có đến 48 lối đi dân sinh. TP Hải Phòng chỉ có 23km đường sắt chạy qua, nhưng ngoài 32 đường ngang hợp pháp có tới 76 lối đi dân sinh”, ông Trung dẫn ví dụ và cho biết thêm, không chỉ Hưng Yên và Hải Phòng, Hải Dương cũng là điểm nóng phức tạp về lối đi dân sinh tự phát.
“Tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng chạy qua địa bàn Hải Dương hơn 45km, nhưng có tới 36 đường ngang hợp pháp và 169 lối đi dân sinh. Các đường dân sinh này tập trung nhiều nhất ở huyện Kim Thành”, ông Trung bày tỏ.
Mỗi ngày tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng có gần 20 chuyến tàu chạy qua. Đường ngang, lối đi dân sinh bủa vây, cùng với lưu lượng phương tiện trên tuyến QL5 rất lớn, khiến tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng luôn là cung đường nóng về mất ATGT đường sắt. Từ đầu năm 2017, tuyến đường sắt này đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng. Đơn cử ngày 4/2, tàu khách số hiệu LP5 hành trình Hà Nội - Hải Phòng khi đến đường ngang dân sinh Km 21+500 thuộc địa bàn xã Đình Dù, huyện Văn Lâm, Hưng Yên va vào ô tô 4 chỗ BKS 30A-821.47 vượt đường dân sinh làm 3 người bị thương, lái xe nguy kịch.
Ngay sau đó, ngày 7/2, tại đường dân sinh Km 35+850 thuộc địa bàn thị trấn Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, tàu khách LP5 bất ngờ đâm vào ô tô tải BKS 89C-122.06 đang từ QL5 băng qua đường ngang, khiến xe tải văng xuống vệ đường, lái xe kẹt cứng trong ca-bin.
Địa phương từ chối quản lý
Thời gian qua, Công ty CP Đường sắt Hà Hải đã tiến hành rà soát toàn bộ đường ngang và lối đi dân sinh trên tuyến để thực hiện rào chắn, thu hẹp các lối đi rộng, nguy cơ mất an toàn cao. Đồng thời, đơn vị này cũng triển khai cắm biển “Chú ý tàu hỏa” để giảm thiểu tối đa tình trạng mất ATGT trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng.
“Tính đến ngày 25/4, chúng tôi đã rào được 34 lối đi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, 59 lối tại Hải Dương và 20 lối tại Hải Phòng. Tuy nhiên, không phải ở đâu chúng tôi cũng được sự ủng hộ của chính quyền và người dân địa phương. Có nơi cứ làm xong là dân lại phá cọc rào và phải làm đi, làm lại tới 5 lần. Thậm chí , có nơi làm xong, bàn giao địa phương quản lý, nhưng địa phương không nhận”, ông Trung nói.
Thực tế, ghi nhận của PV, tại xã Kim Lương, trong khi công nhân Đội Quản lý đường sắt Phú Thái đang thi công rào thu hẹp lối đi dân sinh đã vấp phải sự phản đối của người dân. Đây là khu vực lối đi dân sinh san sát, trung bình 2-3m lại có một lối. Ông Hoàng Văn Hạt, thôn Cổ Phục cho rằng, việc rào thu hẹp lối đi ảnh hưởng lối ra vào nhà của người dân.
Ông Nguyễn Văn Thuần, Phó chủ tịch xã Kim Lương cho biết, trước đây khi tỉnh khảo sát thực hiện dự án làm hàng rào hộ lan ngăn cách đường bộ - đường sắt, xã đã thống nhất chỉ để 9 lối dân sinh vào các khu dân cư. Tuy nhiên, khi triển khai, các đơn vị thực hiện đã tự ý để trống hàng rào vào các hộ dân nên phát sinh thêm, hiện có tới hơn 30 lối.
“Quan điểm của xã là rào kín lại, vì dù không đi thẳng ra QL5 nhưng dân vẫn có lối đi trong xóm để ra, trừ một số vị trí dân hoàn toàn không có lối thì để lại”, ông Thuần nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận