UBND tỉnh Phú Yên và Jetstar Pacific đã rất thành công khi “bắt tay” kích cầu du lịch đến “miền đất hoa vàng trên cỏ xanh” - Ảnh: Thanh Bình |
Theo các chuyên gia, việc địa phương “bắt tay” với các hãng hàng không mở đường bay và kích cầu đi lại là việc làm phổ biến ở các nước trên thế giới. Có đường bay tức là thêm cơ hội cho du lịch, tăng đầu tư, phát triển kinh tế địa phương, tạo thuận tiện cho người dân đi lại.
Quan hệ “cộng sinh”
UBND TP Đà Nẵng và TCT Hàng không VN (Vietnam Airlines) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện. Theo đó, TP Đà Nẵng sẽ có chính sách kích cầu dành cho các đường bay đến Đà Nẵng của Vietnam Airlines, đồng thời, chủ trì kết nối Vietnam Airlines với các công ty du lịch để thúc đẩy bán vé. Về phía Vietnam Airlines cam kết đồng hành cùng Đà Nẵng tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch... Các đoàn xúc tiến du lịch, thương mại trong và ngoài nước của Đà Nẵng được Vietnam Airlines ưu đãi đặc biệt khi sử dụng dịch vụ của hãng.
Không chỉ Đà Nẵng, trước đó, Vietnam Airlines cũng ký thỏa thuận hợp tác với UBND TP.HCM về việc quảng bá xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và hàng không, hỗ trợ các chương trình công tác của lãnh đạo thành phố. Ngược lại, TP.HCM sẽ tạo điều kiện để giới thiệu dịch vụ ưu đãi của Vietnam Airlines đến các sở, ngành trực thuộc…
"Việc địa phương hỗ trợ các hãng trong việc mở đường bay trong thời gian đầu (có thể bằng tiền hoặc bằng hình thức nào đó) để kích thích sự phát triển của thị trường là rất tốt. Bởi khi có đường bay để kết nối địa phương với các trung tâm KT-XH khác kể cả trong nước và quốc tế sẽ có tác động rất tích cực đối với sự phát triển KT-XH của địa phương đó”. Ông Lại Xuân Thanh |
Không riêng gì Vietnam Airlines, Jetstar Pacific cũng “bắt tay” với nhiều địa phương như: Phú Yên, Quảng Bình, Hải Phòng. Vietjet Air “bén duyên” với Hải Phòng, Cần Thơ, Nghệ An, Lâm Đồng, Bình Định…
“Trong những hợp tác này, cả hai bên cùng có lợi. Hãng cam kết mở thêm đường bay; Địa phương giúp hãng quảng bá hình ảnh. Có những địa phương thậm chí còn “kích cầu” bằng cách hỗ trợ một phần giá vé cho dân”, đại diện Jetstar cho biết.
Gần đây nhất, UBND TP Cần Thơ còn trình HĐND thành phố phương án xuất ngân sách hỗ trợ các hãng hàng không có chuyến bay đến Cần Thơ thông qua vé máy bay. Cụ thể, TP Cần Thơ sẽ hỗ trợ một phần chi phí (bằng nguồn ngân sách Nhà nước) cho các hãng hàng không theo hình thức hỗ trợ một phần giá vé máy bay cho người sử dụng (tương đương mức hỗ trợ 30% giá vé trên mỗi chuyến bay xuất phát từ CHK quốc tế Cần Thơ). Trước đó, Hải Phòng cũng đã từng cam kết hỗ trợ kinh phí cho Vietjet khi mở đường bay.
Phía Vietjet cũng cho rằng, việc địa phương hỗ trợ hãng hàng không mở đường bay không phải chuyện mới, cũng không có gì bất thường. “Nghệ An, Lâm Đồng, Bình Định, Hải Phòng… đều có hỗ trợ các hãng mở mới đường bay đến địa phương”, vị này nói và cho biết thêm, có đường bay tức là thêm cơ hội cho du lịch, đầu tư, kinh tế phát triển, thuận tiện cho người dân đi lại.
Vietnam Airlines đã ký thỏa thuận hợp tác với UBND TP.HCM về quảng bá xúc tiến đầu tư, thương mại,du lịch và hàng không - Ảnh: Tạ Tôn |
Không “riêng có” ở Việt Nam
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường nhấn mạnh, những hỗ trợ như thế này là hoàn toàn bình thường, không có gì khác lạ. “Ngay với Singapore, khi đàm phán chính thức về mở đường bay, nước bạn thống nhất ngay là bất cứ hãng nào của Việt Nam khai thác đường bay từ Singapore đi sẽ được hỗ trợ toàn bộ chi phí quảng cáo cho chuyến bay đó, cũng như quảng bá các điểm xuất phát từ Việt Nam kết nối với Singapore và điểm đến ở nước thứ ba”, ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, sau một năm khai thác, đối chiếu lại, với số chỗ khách vượt lên so với thời gian trước, Singapore sẽ hỗ trợ trực tiếp cho hãng hàng không mỗi khách 10 USD. Đó là chưa tính việc khi có gì bất thường xảy ra như dịch bệnh, chiến tranh…, họ sẽ giảm giá hạ, cất cánh, giảm giá sân đậu tàu bay, cùng chia sẻ khó khăn với hãng hàng không để đạt được mục tiêu chung là phát triển với lợi nhuận kỳ vọng sau này.
Tương tự, đại diện Vietnam Airlines cũng khẳng định, đây là việc hoàn toàn bình thường. “Trên thế giới, việc hỗ trợ tương tự rất phổ biến còn ở Việt Nam chưa nhiều. Các địa phương chủ yếu hỗ trợ bằng giải pháp, hỗ trợ tuyên truyền”, vị này nói và cho biết: Như tại Trung Quốc, việc hỗ trợ kinh phí kiểu này rất phổ biến. Thậm chí, có đường bay được hỗ trợ tới 20.000 USD/chuyến.
“Việc mở đường bay là rất tốt cho địa phương, cho doanh nghiệp trên địa bàn và cả người dân. Bình thường chờ đủ cầu mới mở đường bay. Nay địa phương hỗ trợ mở đường bay cũng là để kích cầu. Như Cần Thơ, có thêm đường bay, cơ hội phát triển kinh tế, du lịch, đầu tư sẽ tăng lên. Người dân tại đây cũng không cần phải đi hơn trăm cây số về Tân Sơn Nhất để bay nữa”, vị này nói.
Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV), nguyên Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho rằng, khi mở đường bay, các hãng cũng tính toán trong thời gian ban đầu bao nhiêu năm mới hòa vốn rồi đến có lãi. Đối với đường bay mà thị trường chưa đủ lớn chúng ta không thể ngồi chờ. Bởi, nếu chúng ta cứ ngồi chờ thị trường lớn mạnh không biết bao giờ mới mở được đường bay. Hơn nữa, khi hãng mở đường bay cũng sẽ giúp kích thích thị trường ở đó phát triển. “Nhiều trường hợp một tuần bay 3 chuyến thì lượng lượng khách ít, nhưng khi tăng tần suất, ngày nào cũng có một hai chuyến có khi lượng khách lại tăng lên”, ông Thanh phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận