Cổ phiếu ngân hàng đua nhau lao dốc
Tại đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) mới đây, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB cho biết, lợi nhuận hợp nhất quý I/2022 khoảng 4.200 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Biên độ lợi nhuận của ngân hàng này tiếp tục được cải thiện lên 3,9% nhờ tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tăng mạnh lên 24%. ACB cũng là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp trong hệ thống với chỉ 0,74%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao 200%. ACB cũng đã trích lập dự phòng khoảng 2.300 tỷ đồng do ảnh hưởng của Covid-19...
Ngân hàng đạt lợi nhuận “khủng” nhưng giá cổ phiếu vẫn giảm mạnh
Bức tranh tài chính đẹp là thế song giá cổ phiếu ACB sụt giảm 10,7% trong vòng 3 tháng qua, về còn 24.000 đồng/cổ phiếu khi tuần giao dịch đầu tiên của tháng 7 kết thúc.
Một ngân hàng khác có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao là Techcombank (TCB). Quý I vừa qua, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước lên 10.100 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập từ lãi đạt 8.100 tỷ đồng, tăng 32,5%, thu nhập từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 24,1% lên đạt 2.000 tỷ đồng.
TCB cũng là ngân hàng có cân đối tài chính đẹp khi chi phí dự phòng giảm 74,3% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận tăng 23%, lên 6.785 tỷ đồng, đứng thứ 3 trong hệ thống.
Tuy nhiên, thị giá TCB cũng giảm mạnh trong 3 tháng qua, từ gần 50.000 đồng/cổ phiếu về còn 37.500 đồng sau khi chốt tuần đầu tiên của tháng 7. TCB cũng nằm trong top các ngân hàng có mức giảm giá cổ phiếu lớn trên thị trường với gần 30% trong quý II.
Không riêng ACB, TCB, một số ngân hàng cũng tăng trưởng mạnh lợi nhuận nhưng giá cổ phiếu lại đi đầu xu hướng giảm, chẳng hạn như VIB, lợi nhuận tăng 26% lên gần 2.300 tỷ đồng quý I song giá cổ phiếu giảm 28% trong 3 tháng qua. Xét riêng trong 3 tháng quý II, thị giá VIB giảm tới 42%, là mã ngân hàng giảm mạnh nhất. Nhiều mã cổ phiếu khác cũng gặp diễn biến tương tự, như SHB giảm 39%; TPB giảm 35%; CTG giảm 26%...
Tính chung trong quý II, hầu hết cổ phiếu ngân hàng đều giảm giá trên 30% và không có một cổ phiếu ngân hàng nào tăng trưởng dương. Với tỷ trọng 30% tổng vốn hóa và hơn 40% tổng lợi nhuận toàn thị trường, giá cổ phiếu các ngân hàng có tác động lớn đến chỉ số chung.
Mất ngôi “vua” vì cổ tức?
Cổ phiếu ngân hàng giảm giá có một phần nguyên nhân từ diễn biến ảm đạm chung của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, mức suy giảm này kéo dài và sâu so với chỉ số chung, trái ngược với vị trí ngôi “vua” thường lệ của cổ phiếu nhóm ngành này.
Trong 3 tháng qua, VN-Index giảm trung bình 20%, trong đó có nhiều mã cổ phiếu nhóm ngành: Nước, khí đốt, bán lẻ, công nghệ thông tin, thủy sản và đồ uống đều tăng trưởng dương; riêng nước và khí đốt tăng gần 16%.
Một số mã trong các nhóm này tăng rất mạnh như: ANV tăng 71% so với cùng kỳ 2021, DGC tăng 63%, VSH tăng 56%... Tính chung 6 tháng đầu năm, khí đốt là ngành hỗ trợ nhiều nhất cho VN-Index khi cổ phiếu nhóm này có mức tăng 21%.
Thanh khoản nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng giảm mạnh. 6 tháng đầu năm, nhà đầu tư rót mạnh tiền vào các cổ phiếu các nhóm ngành: Hóa chất (tăng 134% so với cùng kỳ 2021), xây dựng (tăng 99%), bán lẻ (89%), điện (tăng 74%), khí đốt (tăng 59%), vận tải (tăng 56%). Riêng hai nhóm ngành là ngân hàng và thép dòng tiền lại giảm lần lượt 37% và 18%...
Ngoài xu hướng chung của thị trường, giá cổ phiếu ngân hàng suy giảm dù kết quả kinh doanh tốt được cho là xuất phát từ những e ngại của các nhà đầu tư đối với chính sách giám sát chặt dòng vốn vào bất động sản (gồm cả vốn vào trái phiếu doanh nghiệp bất động sản) và hoạt động phát hành trái phiếu.
“Đây là một phần của hệ quả khi ngân hàng không chia cổ tức, như Techcombank cả chục năm không chia cổ tức nên cổ phiếu kém hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư dài hạn muốn hưởng cổ tức bằng tiền thay vì gửi ngân hàng lấy lãi.
Hay nhiều ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành tăng vốn khiến cổ phiếu bị pha loãng”, anh Phan Đình Ân, nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội phân tích.
Là nhà đầu tư ưa thích cổ phiếu ngân hàng nhưng anh Ân cho biết, năm 2022 trước áp lực tăng vốn, quá nửa số ngân hàng trên sàn có kế hoạch phát hành cổ phiếu để chia cổ tức và phát hành thêm cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động.
“Nếu ngân hàng quan tâm đến nhà đầu tư, chỉ cần chia cổ tức bằng tiền là giá cổ phiếu lên ngay”, nhà đầu tư này nói.
Dưới góc nhìn của công ty xếp hạng tín nhiệm FiinGroup, mặc dù các ngân hàng vẫn lạc quan về kết quả kinh doanh khi có 26/27 ngân hàng niêm yết đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế khoảng 33% nhưng mục tiêu này sẽ gặp nhiều thách thức.
Trong đó, thu nhập lãi thuần khó tăng mạnh bởi yếu tố hỗ trợ tăng biên lợi nhuận là cắt giảm hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, cắt giảm chi phí hoạt động không còn nhiều dư địa cải thiện.
Bên cạnh đó, FiinGroup cũng cho rằng tín dụng các quý sau không còn được như quý I và II do khả năng hạn chế chỉ tiêu tín dụng.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý III/2022 do Vụ Dự báo, thống kê Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cho thấy, 54,6% TCTD kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh tiếp tục tăng nhẹ so với quý II/2022, 38,9% TCTD kỳ vọng không đổi và 6,5% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm nhẹ.
Trong cả năm 2022, có 87,7% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2021, bên cạnh đó, vẫn có 8,5% TCTD dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận