Điều tra

Long An: Dân khổ vì chính quyền tùy tiện dựng barie

02/04/2015, 14:54

Đường làm tốt nhưng chính quyền địa phương cho dựng cổng hạn chế chiều cao chỉ có 2,2m ở cả hai đầu...

121

Nhiều xe tải có thùng cao hơn 2,5m, không qua cổng được phải nằm chờ hàng từ phía trong đưa ra

Năm 2009, sau khi tuyến đường Cầu Trắng (nay là đường Cao Thị Mai, nối thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ đi xã Nhựt Chánh, Bến Lức, Long An) được trải nhựa phẳng lì, người dân địa phương vui mừng, phấn khởi bởi việc vận chuyển hàng hóa thuận tiện, tiết kiệm được nhiều chi phí… Tuy nhiên, niềm vui ấy chẳng kéo dài được bao lâu.

“Ngăn sông cấm chợ”

Anh Phạm Văn Cường (trú ấp Tân Bình, thị trấn Tân Trụ), chủ doanh nghiệp (DN) Phạm Cường, chuyên ngành nghề xay xát lúa gạo bức xúc: “Đường làm tốt nhưng chính quyền địa phương cho dựng cổng hạn chế chiều cao chỉ có 2,2m ở cả hai đầu (hướng thị trấn Tân Trụ và Bình Trinh Đông vào) khiến nhà máy của tôi khốn đốn bởi vì xe chở lúa vào nhà máy đều có thùng cao trên 2,2m. Việc này không khác gì “ngăn sông, cấm chợ”.

"Tỉnh không có chủ trương dựng cổng hạn chế chiều cao, việc địa phương làm như vậy là khó cho người dân. Tôi đi kiểm tra đã thấy nhiều tuyến đường ở huyện Tân Trụ dựng cổng sắt hạn chế chiều cao. Sở sẽ chỉ đạo các phòng liên quan xác minh vấn đề trên và có hướng dẫn cho phù hợp”.

Ông Nguyễn Văn Cảnh
Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An

Sau đó, gia đình anh Cường lên gặp các cơ quan chức năng và Sở GTVT tỉnh Long An nhờ can thiệp. Kể cả Bí thư Tỉnh ủy hồi đó là ông Trương Văn Tiếp cũng cho rằng: “Làm như vậy bất hợp lý với dân”. Đồng thời, làm đơn đến lãnh đạo huyện Tân Trụ, xin di dời cổng vào sâu phía trong, qua khỏi nhà máy để cho xe chở lúa thuận tiện ra vào. Lãnh đạo huyện đồng ý, nhưng gia đình phải bỏ hơn... 400 triệu để làm lại con đường nhựa gần 600m theo thiết kế của Sở GTVT Long An, nâng chiều cao được 2,5m. Thực tế, hiện nay dù cổng có thuận tiện hơn nhưng lượng xe chở lúa vào nhà máy của anh Cường (đúng tải trọng cho phép: Đường 10 tấn, cầu 18 tấn) vẫn bị giảm khoảng 50%, do khách hàng ngại cho xe vào.

Theo tìm hiểu của PV, nhiều DN, đơn vị kinh doanh nằm trong địa bàn xã Bình Trinh Đông cũng bị ảnh hưởng. Nhất là những anh chị em công nhân, làm việc cho các DN ở khu vực Bến Lức, khi đi xe buýt đến công ty phải vòng xa hơn 10-15km, đã vậy còn phải đi thêm một chặng xe ôm, tốn thêm khoảng 15-20 nghìn đồng mới đến điểm tập trung xe buýt. “Khổ nhất là người dân ở giữa đoạn đường, khi vận chuyển hàng hóa hay có đám cưới, ma chay đi bằng xe khách, xe tải có thùng cao hơn 2,5m, chạy đến cổng phải sang xe hoặc xuống đi bộ…

Lãnh đạo huyện thừa nhận bất hợp lý

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Văn Đốc, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ cho biết, hiện toàn huyện có khoảng 7 tuyến đường (hương lộ) liên xã được trải nhựa hoàn chỉnh. Các tuyến đường này được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách của huyện, người dân chỉ hiến đất làm đường. Sau khi đường làm xong, tất cả được dựng cổng gác barie, hạn chế chiều cao từ 2,2-2,5m tùy theo đường. “Riêng đường Kỳ Sơn, có nhiều DN nên “ưu ái”, không dựng cổng gác barie để lưu thông bình thường, khi đường xuống cấp, hư hỏng thì các DN ở đây bỏ tiền sửa chữa”, ông Đốc cho biết.

Theo ông Đốc, chìa khóa các cổng đều giao cho trưởng ấp hoặc một người dân ở gần cổng giữ, khi có việc thì mở cho phương tiện lưu thông rồi đóng lại. Tuy nhiên, theo quan sát của PV Báo Giao thông, hiện tại có nhiều cổng gác barie được khóa chết hai đầu. Giải thích vấn đề này, ông Đốc cho rằng: “Do một số tuyến đường bị xe tải chạy đâm vào gãy barie, hay cắt bỏ ổ khóa barie để xe qua lại dễ dàng nên nhiều cổng bị khóa chết”. Ông Đốc cũng thừa nhận việc dựng cổng, đặt barie hạn chế chiều cao là bất hợp lý, nhưng vì huyện nghèo không có tiền sửa chữa khi đường hư hỏng, xuống cấp nên… “đành phải vậy cho đường khỏi hư”! Cũng theo ông Đốc, việc dựng cổng đặt barie ở các tuyến đường liên xã, huyện không căn cứ vào quy định nào, chỉ vận dụng thực tế rồi đưa ra quyết định nêu trên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.