Chuyển lợn ở tạm trên nhà
Trưa 30/9, đã một buổi sáng trời không còn mưa nhưng nhiều địa phương ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vẫn ngập sâu trong nước.
Nước lũ lên quá nhanh, bà Phạm Thuỷ (ở Quỳnh Giang) chỉ kịp chuyển lợn lên nhà để bảo đảm an toàn
Điển hình như ở Quỳnh Giang, có mặt tại xóm 8, PV Báo Giao thông ghi nhận nhiều khu dân cư ngập sâu tới ngang ngực người lớn (hơn 1m). Thậm chí, theo người dân có nơi còn ngập sâu từ 2 - 2,5m.
Đang dọn mâm cơm giữa biển nước trước sân nhà, bà Lê Thị Đường thở dài: "Chưa năm mô mà nước nhiều như năm ni. Lũ năm ngoái đã lớn rồi, vậy mà năm ni còn lớn hơn.
Nước ngập từ tờ mờ sáng ngày hôm qua (29/9) tới giờ. Mà nước lên nhanh lắm, gia đình vội vội vàng vàng đưa con bò đi gửi thì bò bị vấp, ngã gãy chân. Còn lại hơn 10 con gà, 3 con ngan thì bị chết chìm cả. Đồ đạc trong nhà cũng chìm trong nước”, bà Đường nói.
Ở nhà phía đối diện, chị Phạm Thuỷ buồn rười rượi, không muốn nói năng gì. Sau một lúc thăm hỏi, chị dẫn chúng tôi ra phía sau nhà rồi kể: Khoảng 3h30 sáng ngày 29/9, tôi thấy mưa liên tục nên gọi chồng dậy thì thấy nước mới mấp mé đường.
Hai vợ chồng lục đục chuyển được con bê đưa đi gửi, đàn lợn chưa kịp chuyển đi thì nước đã ngập vào trong nhà. Vội vàng chạy ra quán xay xát phía trước thì nước đã ngập băng. Hai vợ chồng đành phải chuyển lợn vào ở trong nhà với người, rồi tranh thủ dựng cái máy xay xát lên…
“Nếu 2 cái máy mà bị chập điện hư hỏng thì thiệt hại không biết là bao nhiêu nữa”, chị Thuỷ thở dài.
Đi quanh một vòng xóm 8, xã Quỳnh Giang và khu vực lân cận, khắp nơi vẫn mênh mông sóng nước. Nhiều gia đình nước ngập sâu trong nhà, đồ đạc nổi lềnh bềnh trên nước, có nguy cơ bị hư hỏng.
Câu chuyện nước lũ lớn và lên nhanh cũng được nhiều người dân nơi đây xác nhận. Dù chưa có thống kê cuối cùng, nhưng theo người dân có nhiều người bị thiệt hại nặng nề, điển hình như hộ ông Đàm Minh Báu (ở xóm 8, xã Quỳnh Giang). Người dân kể, đêm ngày 28/9, dù trời có mưa to nhưng ở trại gà của ông Báu không có hiện tượng ngập nước.
Khoảng 5h sáng hôm sau (29/9), ông đi xuống trại thì thấy dọc đường đã ngập băng, vội vàng chạy xuống trại thì khoảng 300 con gà đẻ trứng đã chết trong nước. Con cháu, hàng xóm phải hỗ trợ đưa xác gà đi tiêu huỷ.
Hiện nhiều thuỷ điện và hồ thuỷ lợi ở Nghệ An vẫn đang xả lũ.
Chưa hết lo lắng
Tương tự Quỳnh Lưu, đến đầu giờ chiều ngày 30/9, trên địa bàn TX Hoàng Mai cũng đã ngớt mưa. Thế nhưng, nước từ sông Hoàng Mai vẫn tiếp tục dâng cao, tràn qua bờ đê vào khu vực dân cư bên trong.
Chính quyền địa phương huy động các lực lượng Quân đội, Công an, Đoàn thanh niên khẩn trương hỗ trợ bà con di dời đồ đạc lên khu vực cao hơn.
Tại xã Quỳnh Lập, dù ở khu vực sát biển, tuy nhiên địa phương này cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi mưa lũ, nhiều hộ gia đình ở địa phương này đã bị sập nhà.
Theo thống kê ban đầu của TX Hoàng Mai, mưa lũ đã khiến 4 ngôi nhà bị sạt lở, sụt móng; khiến 2 phòng học ở Trường Tiểu học Quỳnh Phương B bị tốc mái; ngoài ra còn có hơn 200m đê tường bao tại các phường Mai Hùng và xã Quỳnh Vinh bị sạt lở.
Tương tự, nước lũ cũng đang tiếp tục dâng cao trên các địa bàn vùng hạ của huyện Thanh Chương.
Tại các xã như: Thanh Tùng, Thanh Hà, Thanh Mai, Thanh Xuân… nước lũ dâng cao, người dân phải di chuyển bằng thuyền.
Chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng vẫn đang có mặt tại các vị trí xung yếu để hỗ trợ người dân di dời đồ đạc, vật nuôi.
Một lãnh đạo huyện Thanh Chương cho biết: Hiện nay do nước lũ đang ngập sâu, các địa phương chưa có số liệu thống kê chính xác về thiệt hại tài sản của người dân, các công trình thủy lợi, cầu cống. Thế nhưng, theo nhận định là thiệt hại sau đợt mưa lũ này là rất lớn.
Đáng lo ngại là, với tình hình các hồ chứa nước thủy điện đang xả lũ thì tình trạng ngập nước ở Thanh Chương sẽ còn kéo dài nhiều ngày nữa.
Để hạn chế thiệt hại cho người dân, cả hệ thống chính trị từ huyện xuống xã tăng cường xuống cơ sở để nắm bắt tình hình và hướng dẫn người dân phòng tránh rủi ro.
Được biết, đến 9h sáng nay (30/9), có 8 nhà máy thủy điện, 2 hồ thủy lợi vận hành xả lũ.
Cụ thể, các thuỷ điện xả lũ gồm: Khe Bố, Chi Khê, Bản Ang, Châu Thắng, Sông Quang, Hủa Na, Bản Cốc, Nhạn Hạc; 2 hồ thuỷ lợi gồm: hồ thủy lợi Sông Sào và hồ thủy lợi Vực Mấu.
>>> Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi lại:
Đến đầu giờ chiều 30/9, nhiều khu vực ở huyện Quỳnh Lưu vẫn chìm sâu trong nước
Nhiều nhà bị nước vào sâu trong nhà
Dù đã cố gắng kê dọn, nhưng nhiều đồ đạc vẫn bị nước lũ làm lư hỏng
Hàng trăm con gà trong trại gà của ông Đàm Minh Báu chết chìm trong nước
Bữa cơm của gia đình bà Lê Thị Đường giữa mênh mông nước
Người dân Quỳnh Giang sinh hoạt như đã quá quen với mưa lũ
Để tiếp tế vào những khu vực sâu, nước chảy xiết, người dân Quỳnh Giang đã dùng một sợi dây để đu vào và đi theo
Theo bà Trần Thị Báu, năm ngoái nước chỉ mấp mé nền nhà, vậy mà năm ni nước đã tràn vào nhà và nước lũ lên rất nhanh
2 máy xay xát của nhà bà Phạm Thuỷ chìm trong nước lũ
Nghe tin bà con ngập sâu, chủ nhà hàng Quy Thuỷ (ở Quỳnh Lưu) đã mua nhu yếu phẩm, gói thành hàng trăm suất quà rồi trực tiếp đi tiếp tế cho bà con.
Nhà hàng còn dùng xe để chuyển đồ đạc, vật nuôi cho người dân vùng ngập sâu
Tại các vùng hạ Thanh Chương vẫn đang ngập sâu, lực lượng chức năng đang khẩn trương chuyển đồ đạc cho bà con đến nơi cao ráo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận