Doanh nghiệp bảo hiểm phải trực tiếp hoặc ủy quyền cho người đại diện đến hiện trường
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã bổ sung một số nội dung quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện, tiếp nhận, xử lý tin báo tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ.
Theo đó, bên cạnh việc quy định cơ quan công an nơi gần nhất khi nhận được tin báo TNGT phải tổ chức ngay lực lượng đến hiện trường giải quyết vụ tai nạn theo quy định giống như dự thảo Luật Giao thông đường bộ 2008; dự thảo còn bổ sung quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện vụ TNGT phải báo ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc UBND nơi gần nhất.
Cơ sở y tế cấp cứu ban đầu người bị nạn do TNGT đường bộ có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Đáng chú ý, theo dự thảo Luật, doanh nghiệp bảo hiểm khi nhận được tin báo về vụ TNGT phải trực tiếp hoặc ủy quyền cho người đại diện của doanh nghiệp đến hiện trường phối hợp với đơn vị giải quyết vụ TNGT.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật cho biết, khi xảy ra va chạm, TNGT, trường hợp chủ xe đã có hợp đồng bảo hiểm, chi phí giám định tổn thất, bồi thường thiệt hại, phí sửa chữa, thay thế phương tiện (nếu có) sẽ do doanh nghiệp bảo hiểm đứng ra chi trả cho chủ xe và người bị hại.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bảo hiểm không nhất thiết phải có mặt tại hiện trường nơi xảy ra tai nạn. Trong quá trình thực hiện giám định, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền sẽ phối hợp với các bên có liên quan, sau đó đưa ra mức bồi thường bảo hiểm phù hợp.
Song, theo chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Khắc Xuân (Công ty TNHH dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm InFair), thực tế, khi nhận tin báo về vụ TNGT, đối với những vụ có thiệt hại nghiêm trọng, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ cử giám định viên trực tiếp đến hiện trường để ghi nhận, phối hợp với các bên liên quan giải quyết vấn đề bồi thường bảo hiểm cho chủ xe.
Tuy nhiên, với các vụ thiệt hại không lớn, thường các khách hàng sẽ được giám định viên hướng dẫn chụp lại hình ảnh hiện trường gửi về để làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm.
Hiện nay, Nghị định 03/2021 cũng quy định doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ chủ động thu thập các tài liệu quy định trong hồ sơ bồi thường bảo hiểm thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, bao gồm các biên bản, kết luận của các cơ quan chức năng có thẩm quyền và các tài liệu liên quan để xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại.
Đề xuất tại dự thảo Luật TTATGT đã tăng trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thực hiện quy định về giám định thiệt hại của vụ TNGT.
Rõ trách nhiệm của người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn giao thông
Dự thảo cũng quy định rõ trách nhiệm của người điều khiển phương tiện, người liên quan và người có mặt tại hiện trường vụ TNGT đường bộ.
Theo đó, người điều khiển phương tiện, người liên quan đến vụ TNGT phải dừng ngay phương tiện, cảnh báo nguy hiểm, giữ nguyên hiện trường, trợ giúp người bị nạn và báo tin cho cơ quan công an, y tế hoặc UBND dân nơi gần nhất.
Ở lại hiện trường vụ cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp phải đi cấp cứu, đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc xét thấy bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe nhưng phải đến trình báo ngay cơ quan công an, UBND nơi gần nhất.
Cung cấp thông tin xác định danh tính về bản thân, người liên quan đến vụ TNGT và thông tin liên quan của vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
Đối với người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm: Bảo vệ hiện trường; Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; Báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc UBNDnơi gần nhất; Bảo vệ tài sản của người bị nạn; Cung cấp thông tin liên quan về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp người điều khiển phương tiện, người liên quan và người có mặt tại hiện trường vụ TNGT nếu sử dụng phương tiện liên quan đến vụ tai nạn trong trường hợp không có phương tiện nào khác để đưa nạn nhân đi cấp cứu phải đánh dấu vị trí phương tiện, vị trí nạn nhân trên hiện trường không được làm thay đổi, mất dấu vết liên quan đến vụ TNGT. Trường hợp có người chết phải giữ nguyên hiện trường và che đậy thi thể.
Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ TNGT có trách nhiệm chở người bị thương đi cấp cứu. Các xe ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận