Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kết luận Hội nghị - Ảnh: Duy Trần |
Địa phương “than khó” xử lý lối đi dân sinh trái phép
Phát biểu chỉ đạo tại buổi sơ kết công tác đảm bảo TTATGT quý I diễn ra chiều qua (16/3), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình khẳng định: Trong quý I, mặc dù TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, tuy nhiên, tình hình TTATGT còn diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng cả trên đường bộ, đường sắt và đường thủy.
“Chúng ta cứ nói TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí nhưng các vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn xảy ra, gây bức xúc trong nhân dân. Người dân sẽ đặt câu hỏi tại sao TNGT ngày càng diễn biến phức tạp”, Phó Thủ tướng nói.
2 tháng đầu năm 2017 (tính từ ngày 16/12/2016 đến 15/2/2017), toàn quốc xảy ra 3.465 vụ TNGT, làm chết 1.570 người, bị thương 2.660 người. So với cùng kỳ năm 2016, giảm 153 vụ, giảm 20 người chết và giảm 707 người bị thương. Bên cạnh những địa phương có số người chết vì TNGT giảm vẫn còn 26 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ năm 2016, trong đó 10 tỉnh tăng trên 40% là: Đắk Nông, Bắc Giang, Lâm Đồng, Phú Yên, Bạc Liêu, Thái Bình, Quảng Trị, Lạng Sơn, An Giang, Yên Bái. Đặc biệt, 3 tỉnh có số người chết tăng trên 100% là: Lạng Sơn, An Giang, Yên Bái. |
Về nguyên nhân của tình trạng này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, hiện vẫn còn tồn tại nhiều điểm đen TNGT chưa được xử lý dứt điểm, đặc biệt là tình trạng đường ngang, lối đi dân sinh trái phép trên hệ thống đường sắt với 4.268 lối đi dân sinh bất hợp pháp. Bên cạnh đó, hệ thống tín hiệu, biển báo giao thông còn bất cập trên nhiều tuyến đường bộ, không có gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính.
Cho rằng, đường ngang giao cắt với đường sắt là do tồn tại của lịch sử, ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch UBND, Trưởng ban ATGT tỉnh Hà Nam nêu vấn đề, khó khăn lớn nhất của tỉnh là đường sắt cắt ngang trung tâm thành phố nên việc làm đường gom để giải quyết tình trạng đường ngang giao cắt với đường sắt thì một mình tỉnh không đủ sức làm. Từ đây, ông Đông đề nghị Chính phủ cấp kinh phí để tỉnh làm đường gom, giúp tỉnh có nguồn lực để kéo giảm TNGT đường sắt.
Nhận trách nhiệm về 2 vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn thời gian qua, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị: Trong khi chưa làm được đường gom, cần tăng cường làm hàng rào đường sắt ngăn với khu dân cư. Cùng đó, phải quy trách nhiệm cụ thể của lãnh đạo địa phương trong đảm bảo ATGT, đặc biệt là đối với đường sắt.
Cũng về vấn đề này, theo ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc TCT Đường sắt VN: Hiện có trên 4.000 lối đi dân sinh trái phép nên việc thu hẹp các lối đi này xuống dưới 3m để hạn chế xe ô tô gặp nhiều khó khăn do vướng mặt bằng và kinh phí. Tại các lối đi trên 3m có phương tiện cơ giới đi qua, yêu cầu địa phương cảnh giới chốt gác nhưng do khó khăn về kinh phí, nhiều địa phương không bố trí được người.
Không đồng tình, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, các địa phương cần tích cực tìm giải pháp để xử lý chứ không nên dựa hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Trung ương. “Cứ trông chờ hỗ trợ, khi nào mới xong và chúng ta sẽ tiếp tục phải chứng kiến những vụ tai nạn nghiêm trọng thương tâm”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh: Nếu còn để tiếp tục xảy ra TNGT nghiêm trọng, sẽ xem xét kỷ luật người đứng đầu.
Quy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ
Liên quan đến việc quy trách nhiệm người đứng đầu, theo ông Khuất Việt Hùng, hiện chưa có quy định pháp lý về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ trong bảo đảm TTATGT. Điều này khiến công tác bảo đảm ATGT phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo, nơi quyết liệt thì chuyển biến, nơi chưa quan tâm, thiếu quyết liệt thì buông lỏng trong quản lý và tuần tra, kiểm soát.
Nhất trí với việc này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, tới đây sẽ luật hóa việc quy định trách nhiệm các địa phương khi để xảy ra TNGT nghiêm trọng.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Chúng ta đề ra mục tiêu nhưng phải có kế hoạch, chương trình hành động, phải có quyết tâm, phải thúc đẩy công việc nhanh chứ không đùn đẩy trách nhiệm. TNGT nghiêm trọng đang làm phức tạp thêm tình hình, gây bức xúc trong dư luận.
Để kéo giảm số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương do TNGT từ 5-10%, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống VBQPPL liên quan đến công tác bảo đảm ATGT. “Cùng đó, cần đẩy nhanh tiến độ khắc phục các điểm đen, vị trí mất ATGT; Ưu tiên sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ để bố trí gờ giảm tốc và biển cảnh báo nguy hiểm tại tất cả các đường ngang không có người gác, không có cần chắn tự động, các lối đi dân sinh có đông phương tiện cơ giới hoạt động”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Các giải pháp khác được Phó Thủ tướng chỉ đạo triển khai là rà soát, bổ sung chương trình đào tạo và nội dung sát hạch lý thuyết và thực tế đối với lái xe ô tô kinh doanh vận tải; Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; Siết chặt việc thực hiện các quy định pháp luật về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô; Tổng điều tra phương tiện thủy nội địa trong cả nước; Tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát, chú trọng tuần tra lưu động, mô hình tổ tuần tra phối hợp CSGT với các lực lượng cảnh sát khác...
Cùng đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT tới mọi đối tượng, trong đó chú trọng xây dựng văn hóa giao thông cho thanh, thiếu niên. Xây dựng và triển khai kế hoạch lập lại TTATGT đô thị; quản lý sử dụng vỉa hè đảm bảo quyền ưu tiên dành cho người đi bộ; Xây dựng và thực hiện đề án hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; nâng cao năng lực và chất lượng vận tải công cộng. Tổ chức tháng cao điểm toàn quốc về tuyên truyền vận động và giải tỏa hành lang ATGT đường bộ, đường sắt.
Xoá đường ngang phải quyết liệt như việc giành lại vỉa hè Đánh giá về công tác đảm bảo ATGT thời gian qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nhận định, TNGT được kéo giảm là nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Bộ trưởng cũng cho rằng vừa qua, các địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ để lập lại trật tự đô thị, trả lại vỉa hè cho người đi bộ bằng các giải pháp mạnh mẽ, bài bản như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. “Cần phải chuyển tinh thần này đối với lĩnh vực đường sắt để giành lại hành lang an toàn đường sắt, cũng như phải thu hẹp lại, bỏ đi các đường dân sinh bất hợp pháp”, Bộ trưởng yêu cầu. Đề cập đến việc Hà Nội vừa thực hiện điều chỉnh luồng tuyến để tránh ùn tắc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, khó khăn là việc quản lý “xe dù, bến cóc”, nếu giải quyết tốt vấn nạn này thì các nhà xe sẽ đồng thuận với việc làm của Hà Nội. Trong xử lý xe quá tải, Bộ trưởng cho rằng, khi thực hiện kế hoạch phối hợp liên ngành giữa Bộ GTVT và Bộ Công an thì việc xử lý xe quá tải rất hiệu quả nhưng sau khi kết thúc phối hợp, việc kiểm soát tải trọng xe còn lúng túng. Liên quan đến việc nâng tốc độ lưu thông trên quốc lộ, Bộ trưởng khẳng định “đã phát huy hiệu quả kinh tế”. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng việc tăng đồng đều mà không hạn chế tốc độ tại các điểm đen TNGT dẫn tới mất ATGT. Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng thời gian tới cần nhanh chóng khắc phục điều này, cụ thể là hạn chế tốc độ tại các điểm đen để hạn chế TNGT. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận