Hiện trường vụ tai nạn |
Trong thời gian qua, dư luận bức xúc về vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra vào ngày 9/7, trên dốc cầu Cần Thơ (thuộc khu vực 1, phường Hưng Phủ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) khiến 3 mẹ con thương vong, tài xế xe tải Lê Thái Châu (SN 1990, xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) sau khi gây ra vụ tai nạn đã bỏ chạy khỏi hiện trường.
Sau đó, tài xế Châu bị cơ quan công an đuổi theo và bắt giữ cùng với phụ xe. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với tài xế Châu để điều tra và làm rõ xử lý theo quy định của pháp luật. Riêng phụ xe Nguyễn Chí Linh (SN 1990, ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) đã được người nhà bảo lãnh.
Tài xế Lê Thái Châu (áo vàng) và phụ xe Nguyễn Chí Linh tại Cơ quan điều tra. (Ảnh CA cung cấp) |
Đã có nhiều ý kiến cho rằng người phụ xe này cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, Linh không có liên quan đến vụ việc. Để làm rõ hơn về vấn đề này PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Đức, Phó Trưởng văn phòng luật sư Vạn Lý, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ.
Theo luật sư Đức, đối với phụ xế Nguyễn Chí Linh, sau khi xảy ra tai nạn cần xác định, người này có hay không yêu cầu tài xế Lê Thái Châu phải dừng xe để cứu giúp ngưới bị nạn? Và có chủ động tố cáo với quan có thẩm quyền sau khi tài xế chạy trốn về Cà Mau hay không?
Trong trường hợp phụ xe Linh không có yêu cầu dừng xe mà giúp sức về mặt tinh thần để cho tài xế mặc nhiên bỏ trốn, để trốn tránh trách nhiệm thì tùy thuộc vào các căn cứ và lời khai của các bên liên quan có thể khởi tố phụ xe với vai trò “giúp sức” cho tài xế xe hoặc hành vi “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” được quy định tại Điều 132 BLHS năm 2015.
Còn đối với trường hợp ông Linh có yêu cầu tài xế phải dừng xe để cứu giúp người, nhưng do trong lúc này phụ xế là người phải lệ thuộc, khi đang ngồi trên xe ô tô tải là nguồn nguy hiểm cao độ do tài xế điều khiển, nên không thể tự thoát thân để cứu giúp người. Tuy nhiên, sau đó ông Linh bắt buộc phải tố cáo với cơ quan chức năng nhưng ông đã không thực hiện, do đó phụ xế Linh có dấu hiệu đối với hành vi “Không tố giác tội phạm” được quy định tại Điều 390 BLHS năm 2015 mức chế tài tối đa đối với loại tội phạm này là 03 năm.
Xe tải trong vụ tai nạn. Ảnh C.A cung cấp |
Riêng đối với hành vi vi phạm của tài xế Châu, luật sư Đức nhận định, trong trường hợp này cần xem xét các dấu vết thân xe ô tô tải gây đã tai nạn, biên bản sơ đồ và thực tế hiện trường, lời khai của người liên quan và người làm chứng. Đồng thời cũng cần làm rõ, khi xảy ra tai nạn thì tài xế có biết đã gây ra tai nạn cho bị hại hay không?
Trong trường hợp thỏa mãn các yếu tố thì hành vi của tài xế Lê Thái Châu có dấu hiệu “vi phạm về Giao thông đường bộ” được quy định tại Điều 260 BLHS năm 2015 với các tình tiết định khung khác là “làm chết nhiều người”, “bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn” mức chế tài tối đa đối với hành vi này có thể từ 10-15 năm, còn tùy thuộc vào hậu quả xảy ra?
Thực tế, đã có không ít vụ TNGT nghiêm trọng mà tài xế gây ra tai nạn thường bỏ chạy vì nhiều lý do như: hoảng loạn, sợ bị người dân, người nhà nạn nhân hành hung. Tuy nhiên, pháp luật chỉ cho phép lái xe khi gây tai nạn rời khỏi hiện trường để đến cơ quan chức năng trình diện, nhưng “cho phép rời khỏi hiện trường” không có nghĩa là “một đi không trở lại” mà vẫn phải chịu trách nhiệm trước những hậu quả mà mình đã gây ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận