Đường sắt

Luật “vênh” nhau, đầu tư PPP đường sắt gặp khó

17/12/2017, 07:05

Ngoài việc khó thu hút đầu tư do khả năng thu hồi vốn, sinh lời thấp, hạ tầng đường sắt lại vướng hàng loạt...

8

Dự án di dời ga Đà Nẵng không thể triển khai do không có vốn ngân sách nhà nước, vướng Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công

Vướng nhiều quy định

Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) là giải pháp hàng đầu được Nhà nước chủ trương thực hiện nhằm thúc đẩy đầu tư, cải thiện hạ tầng đường sắt vốn đã quá cũ kĩ, lạc hậu. Ông Vũ Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT) cho biết: “Chủ trương hút vốn PPP vào đường sắt đã có từ lâu, nhưng khi triển khai, đụng đâu cũng vướng vì có sự xung đột giữa các luật hiện hành”.

Cụ thể, theo ông Tuấn Anh, cuối năm 2014, Bộ GTVT đã phê duyệt đề án “Huy động vốn xã hội hóa (XHH) để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt” với danh mục 16 dự án đề xuất kêu gọi XHH đầu tư. Trong đó, 12 dự án trên mạng lưới đường sắt hiện có, còn lại là dự án đường sắt xây dựng mới. Ngay sau khi danh mục dự án được công bố, có khá nhiều nhà đầu tư ngoài ngành quan tâm, nhưng hiện Bộ GTVT chỉ đang nghiên cứu 3 dự án thí điểm vì vướng mắc rất nhiều quy định pháp lý.

Hiện, có hai dự án đường sắt được Bộ GTVT trình Chính phủ xin chủ trương đầu tư theo hình thức PPP. Trong đó, Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc đầu tư cải tạo, quản lý, vận hành tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát và cơ sở hạ tầng liên quan (tỉnh Lâm Đồng) theo hình thức PPP. Trước đó, Cục Đường sắt VN đã đề xuất hình thức hợp đồng BOOT (xây dựng - sở hữu - kinh doanh - chuyển giao) cho dự án này. Còn tuyến Yên Viên - Lào Cai - Hà Khẩu được Ban Quản lý dự án đường sắt đề xuất hình thức đầu tư BLT và đang chờ ý kiến chính thức của Thủ tướng Chính phủ.

Đơn cử, dự án di dời ga Đà Nẵng gồm hai giai đoạn: Di dời ga Đà Nẵng, xây dựng ga phụ và công trình giao thông đô thị với tổng mức đầu tư khoảng 5.764 tỷ đồng. Dự án này nếu được hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách tuyến đường sắt Thống Nhất; phát triển đô thị khu vực trung tâm Đà Nẵng. Tuy nhiên, hiện vẫn thiếu khoảng 2.500 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương để triển khai dự án do vướng Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách.

Các ga dọc tuyến đường sắt đô thị Hà Nội như: Ngọc Hồi, Giáp Bát, Hà Nội, Yên Viên… cũng gặp cảnh tương tự. Chính phủ đã có chủ trương dành quỹ đất để kêu gọi đầu tư PPP, nhưng lại vướng các thủ tục pháp lý về đất đai.

Ông Trần Thiện Cảnh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, đơn vị đang hợp tác với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đầu tư các cảng cạn ICD tại một số ga, nhưng thời gian qua vẫn chỉ dừng ở giai đoạn trình báo cáo hợp tác đầu tư. Các bên muốn kéo dài đường ga, nâng cấp bãi hàng nhưng chưa có quy định pháp lý về đầu tư phát triển thêm kết cấu hạ tầng hiện có.

“Gần đây, một số nhà đầu tư quan tâm thuê mặt bằng ga Hà Nội, Sài Gòn. Tổng công ty rất muốn hợp tác để cải tạo, cải thiện bộ mặt nhà ga, nhưng chưa định hình được hình thức phù hợp. Nếu theo hình thức BCC (hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế - PV) thì ga là tài sản của Nhà nước, không phải tài sản của tổng công ty nên tổng công ty không thể góp tài sản đó để đầu tư được”, ông Cảnh cho biết thêm.

Xây dựng Luật Đầu tư PPP để hút vốn

Ông Vũ Tuấn Anh cho biết, hiện lĩnh vực đầu tư có Luật Đầu tư, Luật Xây dựng…; riêng lĩnh vực PPP có Nghị định 15 về triển khai dự án PPP và Nghị định 30 về đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, vẫn chưa có luật về PPP.

“PPP là hình thức đầu tư mới nên cơ quan quản lý nhà nước chưa có kinh nghiệm, các nhà đầu tư càng không có kinh nghiệm đầu tư. Từ năm 2008 đến nay, có đến 5 lần sửa đổi, thay đổi Nghị định về đầu tư. Vì vậy, cần xây dựng Luật Đầu tư đối tác công - tư để có tính ổn định hơn, tránh xung đột về luật như hiện nay”, ông Tuấn Anh nói và cho rằng, trong khi chờ ban hành luật, nên sửa Nghị định 15 và Nghị định 30 theo hướng cởi mở hơn, tăng sự hỗ trợ của Nhà nước hơn.

Ông Trần Thiện Cảnh cho rằng, cần đưa nội dung này vào các văn bản pháp luật liên quan khi xây dựng mới hay sửa đổi, nhất là các văn bản dành riêng cho lĩnh vực đường sắt. “Tổng công ty Đường sắt VN đang phối hợp với Cục Đường sắt VN kiến nghị đưa các nội dung tạo thuận lợi cho đầu tư PPP lĩnh vực đường sắt vào các Nghị định, Thông tư thi hành Luật Đường sắt 2017, trong đó có Nghị định quy định quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt”, ông Cảnh cho biết.

TS. Lee Jun, Viện Nghiên cứu đường sắt Hàn Quốc (KRRI), hiện đang làm công tác tư vấn cho Bộ GTVT về đầu tư PPP lĩnh vực đường sắt cho rằng, tới đây cần thúc đẩy đưa nguồn vốn tư nhân thông qua các mô hình lợi nhuận đa dạng theo hình thức đầu tư PPP vào đường sắt. Tuy nhiên, việc đầu tiên là phải hoàn thiện khung pháp lý để đầu tư theo lĩnh vực này.

Từ kinh nghiệm của đường sắt Hàn Quốc, theo TS. Lee, nên đầu tư theo hình thức BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao) đối với các dự án đường sắt quy mô lớn. Nhà nước có chế độ hỗ trợ dự án tư nhân BT hoặc BOT rồi mở rộng sự tham gia của tư nhân vào các dự án BLT. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.