Hạ tầng

Lục Đầu Giang và chuyện xây cầu chạy lũ

11/03/2014, 06:39

Để hoàn thành cây cầu hiện đại, xóa bỏ vĩnh viễn hình ảnh con phà cũ kỹ, ùn tắc liên miên mỗi khi mùa nước đầy, những người thợ cầu đã phải vượt qua nhiều gian nan, thử thách khắc nghiệt...

Thi công cầu Phả Lại (ảnh tư liệu)
Thi công cầu Phả Lại (ảnh tư liệu)


Ký ức oai hùng nơi bến sông Lục Đầu


Đi qua cầu Phả Lại bây giờ từ hướng Hà Nội về Quảng Ninh, nhìn về phía tay trái, người đi đường có thể nhận ra nơi hội tụ của 6 con sông với tên gọi đã đi vào lịch sử “Lục Đầu Giang” để hợp thành dòng Thái Bình chảy ra biển. Địa danh này từng là phòng tuyến vững chắc của quân dân nhà Trần chống lại đội quân Nguyên - Mông năm xưa. Ngày ấy, trên bến sông này, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã tổ chức hội nghị Bình Than bàn cách đánh đuổi quân xâm lược hùng mạnh. 


Đến những năm kháng chiến chống Mỹ, Lục Đầu Giang cũng là huyết mạch giao thông vô cùng quan trọng và là trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ. Chứng tích của nó vẫn còn hiển hiện ngay tại bãi giữa, phía dưới chân cầu một bức phù điêu đã được dựng lên với dòng chữ “Nơi đây, quân và dân ta đã rà phá bom từ trường, đảm bảo giao thông, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ”…
 

Cầu Phả Lại bắc qua sông Thái Bình dài 1.120m, rộng 15m, được xây dựng theo tiêu chuẩn và công nghệ hiện đại. Tổng kinh phí xây dựng hơn 168 tỷ đồng. Cầu là một trong 5 hợp đồng thuộc dự án nâng cấp QL18, thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc xây dựng cầu này đã góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ khu vực phía Bắc, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của khu tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Trước khi có cầu Phả Lại, dưới chân cầu là một bến phà nhộn nhịp người qua lại. Khi ấy, để đi về vùng Đông Bắc, các phương tiện giao thông chỉ có một con đường duy nhất qua phà Phả Lại. Vì là con đường độc đạo, lưu lượng phương tiện lớn nên ùn tắc diễn ra liên miên. Hình ảnh những đoàn xe xếp hàng dài, nhích từng mét chờ xuống phà đã trở nên rất đỗi quen thuộc nơi đây. Vào những ngày nước dâng cao, phà không thể qua sông, những đoàn xe cứ phải ăn chực, nằm chờ đến mấy ngày để đợi nước rút. Người dân hai đầu bến sông ngày đó cũng rất thức thời, thi nhau xây dựng nhà nghỉ trọ, dịch vụ ăn uống sầm uất để phục vụ nhu cầu ăn nghỉ của cánh lái xe. 

Lách theo một con đường nhỏ ngay đầu đường dẫn lên cầu, chúng tôi tìm ra vị trí của bến phà năm xưa. Quang cảnh giờ đây không còn nhộn nhịp như trước nhưng dấu vết về một bến phà lớn vẫn còn vẹn nguyên. Vẫn còn đó những hàng nước, quán ăn, chỗ nghỉ chân cho khách bộ hành năm nào. 


Vào một hàng nước ngay đầu bến phà cũ, phía Bắc Ninh, bà chủ quán đang bỏm bẻm nhai trầu đon đả mời khách. Bà bảo, đã bán nước ở đây cả mấy chục năm rồi. Giờ không còn bến phà, buồn lắm. Nhưng dù ít người qua lại, ngồi đây cho khuây khỏa tuổi già thôi.


Nhìn xa xăm ra bến phà, bà cụ buột miệng: “Ngày ấy, Bến phà Phả Lại người qua, kẻ lại nhộn nhịp lắm. Từ khi có cầu nơi đây trở thành bến vắng. Nhưng có cầu rồi thì hết cảnh tắc đường”.
 

Cầu Phả Lại
Cầu Phả Lại

Giải bài toán thông cầu trước mùa mưa lũ


Nói về những ngày làm Giám đốc dự án, ông Đỗ Kim Quý - nguyên Phó Tổng giám đốc Ban QLDA18 (nay là Ban QLDA2) cho biết: “Khi đó, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đoạn làm đường dẫn lên cầu sẽ bị ngập lụt rất nặng, trong khi khâu GPMB bị chậm gần một năm. Tuy nhiên, do sự cấp thiết của dự án, Bộ GTVT đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công để thông đường trước mùa mưa năm 2002”. 


Để thực hiện mục tiêu này, Ban QLDA cũng như các nhà thầu đã phải tập trung nghiên cứu các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công như: Thử nghiệm vật liệu ngay tại đầu cầu, tăng cường thêm các mũi thi công, điều thêm một bộ đà giáo để thi công ở cả hai đầu cầu thay vì chỉ làm một đầu như phương án ban đầu. Thế nhưng, theo ông Quý có một hạng mục bất di bất dịch, không được phép rút bớt thời gian đó là… chờ lún. Thời gian bắt buộc để đảm bảo độ lún và thử lún tối thiểu phải 40 ngày. Trong thời gian ấy, những người thợ xây cầu Phả Lại như nằm trên đống lửa vì hạn về đích đã cận kề. 


Khi ấy, để tăng cường thêm hệ thống đà giáo, chủ đầu tư đã tính toán sẽ phải bù thêm chi phí khoảng 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu có thêm đà giáo để thi công cả hai đầu cầu thì sẽ rút ngắn được khoảng 6 tháng và không phải đợi mùa mưa năm 2002. Vì thế, dù chi phí phát sinh rất lớn, nhưng hiệu quả đạt được cũng không hề nhỏ.


Ông Lê Văn Chiến, khi ấy là Trưởng phòng kỹ thuật của Ban QLDA 18 còn nhớ như in những ngày gấp rút xây cầu Phả Lại. “Khi đó, anh em đã có một sáng kiến được đánh giá rất cao là thay vì làm cầu dẫn hơn 1km từ phía Bắc Ninh qua khu vực bãi sông, có nền đất yếu, các kỹ sư đã đề xuất làm hơn 10 cống hộp. Điều này vừa đảm bảo không sợ bị lún cọc, tiết kiệm chi phí lại không mất thời gian chờ lún nên có thể rút ngắn được thời gian. Nhờ có sáng kiến này, công trình không những hoàn thành đúng thời hạn mà còn rút ngắn được 3 tháng so với yêu cầu. Đây là điều đặc biệt có ý nghĩa, bởi nếu chỉ chậm vài tháng thôi là mùa mưa đến, nước sông dâng cao sẽ không thể tiếp tục thi công. Cây cầu sẽ phải kéo dài ít nhất một năm nữa mới xong” - ông Chiến kể.

  

Nối nhịp cầu duyên 


Nói về sự cấp thiết của cây cầu Phả Lại, ông Đỗ Kim Quý tâm sự: “Trước khi có cầu, đoạn đường này thường xuyên bị tê liệt từ 3 - 6 tháng mùa mưa vì phà không hoạt động được khi nước lên. Vì thế, khi cầu hoàn thành đã nối thông tuyến huyết mạch QL18 và đặc biệt đối với các tỉnh thụ hưởng trực tiếp như: Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh”.


Người dân hai bên cầu thuộc hai huyện Quế Võ (Bắc Ninh) và Chí Linh (Hải Dương) là những người thấu hiểu nhất về ý nghĩa của cầu Phả Lại. Trước đây, dù chỉ cách một bến phà nhưng người dân ở hai bên sông cứ như “mặt trăng, mặt trời”. Chuyện kể rằng ở mấy xã ven sông, phía Bắc Ninh có tục trai làng không cho con trai nơi khác đến tìm hiểu, tán tỉnh gái làng. Vì lẽ đó mà nhiều lần đám thanh niên bên Thị trấn Phả Lại (Chí Linh - Hải Dương) “vác cây si” qua phà quyết phá đổ “bức tường” kiên cố mà đám trai làng phía bên kia sông dựng lên. Thế nhưng, lần nào mon men đến đầu xóm là đám trai Phả Lại cũng bị no đòn, chạy thốc tháo ra bờ sông. Cũng vì thế, từ đó, những người lớn bên Thị trấn Phả Lại đã cấm lũ trẻ không được bén mảng sang đó nữa.


Thế nhưng, từ khi có cầu Phả Lại, mọi thứ đã đổi chiều. Nhờ có cây cầu mà trai gái hai bên sông có điều kiện qua lại giao lưu tìm hiểu. Đã có nhiều cặp đôi nên duyên vợ chồng nhờ nhịp cầu duyên nối hai bờ ngăn cách.  

Đức Thắng - Tiến Mạnh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.