Bè xăng dầu Kim Phượng 6 (khu vực 3, phường Cái Khế) và “bè cá”. Ảnh Lê An |
Tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT
Thời gian qua, dư luận khá bức xúc trước việc một người dân vây chà, kết bè, cất chòi (người dân hay gọi là “bè cá”) trên sông Hậu thuộc khu vực 3, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, tiềm ẩn nguy cơ TNGT đường thủy.
Sáng 27/7, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Phòng Cảnh Sát Giao thông đường thủy (PC68) Công an TP Cần Thơ, Cảng vụ Đường thủy nội địa, Thanh tra Sở GTVT, Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Đường thủy nội địa KV IV, Chi cục Thủy sản và Ban ATGT TP Cần Thơ do Trung tá Nguyễn Hoàng Sa, Phó Trưởng Phòng PC68 dẫn đầu đã có buổi kiểm tra tại “bè cá” này.
Qua khảo sát thực tế tại khu vực nói trên gồm có bè xăng dầu Kim Phượng 6 (khu vực 3, phường Cái Khế) do bà Võ Thị Kim Phượng làm chủ và “bè cá” do bà Thái Thị Bé Hai (ngụ phường Cái Khế) làm chủ.
Đoàn liên ngành đã tiến hành đo đạc vị trí thực tế của 2 “bè” này. Kết quả cho thấy, đối với “bè cá” của bà Bé Hai, khoảng cách từ đường bờ tự nhiên ra vị trí bè là 51m, bè xăng dầu của bà Phượng là 54m. Riêng khoảng cách giữa 2 bè (tính từ vị trí bè xăng dầu đến rìa đám chà “bè cá”) là 30m. So với lần kiểm tra trước, vị trí “bè cá” ghi nhận không có sự thay đổi.
"Bè cá" được cho là tiềm ẩn nguy cơ TNGT đường thủy. Ảnh Lê An |
Lúng túng trong xử lý
Tại buổi làm việc sau khi thúc kiểm tra, ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa phân tích, theo Thông tư số:75/2014/TT-BGTVT, Quy định về Đăng ký phương tiện thủy nội địa có nêu: “Phương tiện thủy nội địa của tổ chức, cá nhân đưa vào hoạt động trên đường thủy nội địa phải được đăng ký theo quy định tại Thông tư này, trừ phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 01 tấn hoặc có sức chở dưới 05 người hoặc bè”. Thông tư số:48/2015/TT-BGTVT Quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa tại điểm d, khoản 2, điều 1 lại nêu “Thông tư này không áp dụng đối với: Phương tiện thủy nội địa làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tàu cá; Phương tiện thủy nội địa không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc có sức chở đến 12 người; Phương tiện thủy nội địa có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa và có sức chở dưới 5 người; Bè.
“Kết hợp hai thông tư này với nhau thì “bè cá” nói trên không thuộc điều kiện đăng ký phương tiện thủy nội địa. Do đó nếu ghép vào phương tiện thủy nội địa là không phù hợp với thông tư”, ông Kiệt nói.
Đoàn liên ngành tiến hành đo đạc vị trí "bè cá" của bà Thái Thị Bé Hai. Ảnh Lê An |
Còn ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó chi cục trưởng Chi cục thủy sản thì cho biết, đơn vị đã có văn bản xin hướng dẫn.
Căn cứ vào văn bản số 3834/TCTS-PCTTr của Tổng Cục thủy sản Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc hướng dẫn xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản có nêu “thực tế không có quy định từng loại dụng cụ, phương tiện dùng đễ khai thác thủy sản. Việc sử dụng bất cứ một hình thức “dụng cụ hay phương tiện” nào để khai thác thủy sản trái quy định sẽ bị xử phạt hành chính. Việc sử dụng đám chà, bè có kích thước từ 12-15m2” để khai thác thủy sản trên sông là vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Vì vậy việc áp dụng Nghị định 132/2015/NĐ-CP để xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản là phù hợp. Nhưng vấn đề đặt ra là trong hướng dẫn lại không nêu rõ đích danh đây là dụng cụ hay là phương tiện.
Qua đó, đoàn thống nhất sẽ gửi thông báo hướng dẫn bà Thái Thị Bé Hai đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm thủ tục xin sử dụng mặt nước với mục đích cụ thể rõ ràng. Theo thủ tục trình tự sau khi Sở tiến hành khảo sát sẽ xin ý kiến của các ngành chức năng có liên quan xem xét, đưa trường hợp này vào diện đối tượng quản lý cụ thể và khi đó nếu xảy ra sai phạm sẽ tiến hành xử lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận