Cho vay 290.000 tỷ đồng trong 10 ngày
Sáng nay 3/1, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo thông tin về triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024.
Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tính đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt khoảng 13,5%. Mức tăng trưởng tín dụng này vẫn chưa đạt định hướng 14-15% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra từ đầu năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh cầu tín dụng thấp của cả năm 2023, đây vẫn là mức tăng trưởng khả quan.
Mức tăng trưởng tín dụng kể trên cũng đóng góp vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khoảng 5% (thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức tăng cao trên thế giới). Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đáng chú ý, lượng tín dụng tăng "phi mã" những ngày cuối năm. Thống kê đến ngày 21/12/2023, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế mới đạt 11,09%. Nhưng chỉ trong khoảng 10 ngày cuối cùng của năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đã tăng thêm 2,41%, tương ứng 290.000 tỷ đồng.
Trước những thắc mắc liên quan chất lượng tín dụng khi giải ngân cho vay quá nhanh trong những ngày cuối năm, ông Tú cho rằng người cho vay phải đảm bảo chất lượng tín dụng. Còn tín dụng tăng nhanh cuối năm là quy luật khi các dự án mới được giải ngân. Đây là việc khách quan.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), cho biết việc giải ngân cuối năm tăng bởi sự vào cuộc Ngân hàng Nhà nước cũng như ngân hàng thương mại cố gắng giảm lãi suất nhằm hỗ trợ khách hàng. Lãi suất huy động các ngân hàng mới phát sinh 3,9%/năm; cho vay 6,7%/năm, giảm trên 2% cuối năm 2022.
Rót vốn khoảng 2 triệu tỷ đồng năm 2024
Về phương hướng, nhiệm vụ hoạt động ngân hàng năm 2024, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%. Phó thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng ở mức 15% ngay từ đầu năm.
Với mức tăng trưởng tín dụng này, tương đương sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng được cung ứng ra nền kinh tế qua kênh cho vay của hệ thống ngân hàng. Đây là mức tăng trưởng định hướng và sẽ có điều chỉnh theo tình hình thực tế thị trường. "Nếu cầu tín dụng tốt, nhu cầu vốn nền kinh tế cao, mức tăng trưởng tín dụng có thể là 16%".
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho rằng để hấp thụ vốn trong năm 2024, yếu tố chủ quan là ngân hàng và doanh nghiệp, còn khách quan là môi trường đầu tư. Nghĩa là nền kinh tế sôi động thì tín dụng mới tăng.
Đồng thời, doanh nghiệp muốn cấp tín dụng phải tự nâng cao năng lực, ngân hàng phải có cơ chế cởi mở, giảm bớt thủ tục và mạnh dạn cho vay. Ông Tú cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành thông tư giảm hệ số rủi ro tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận