Đây là những cây cầu thuộc dự án nâng cao tĩnh không các cầu do Ban làm chủ đầu tư. Ba cầu còn lại chưa khởi công thuộc địa bàn huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) do vướng mặt bằng.
Trong số 8 cầu, có 6 cầu nằm trên địa bàn các tỉnh Long An, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long thuộc gói thầu XL01; 2 cầu còn lại thuộc gói thầu XL02.
Các cầu xây dựng bắc qua kênh cấp III, IV đường thủy nội địa có tĩnh không ngang từ 25 - 30m, cao 6m, đảm bảo hiệu quả vận tải thủy bằng container yêu cầu tĩnh không cầu phải đáp ứng cho tàu thuyền xếp được từ 3 - 4 container.
Hiện có 11 mũi thi công trên toàn bộ công trình với 30 cần cẩu, giàn khoan cọc nhồi, máy đào, sà lan… cùng 172 cán bộ kỹ sư, công nhân thi công liên tục trên công trình để bảo đảm tiến độ.
Theo đó, gói thầu XL01 thi công cầu Mộc Hóa (Long An) đã hoàn thành 40/64 cọc khoan nhồi (dưới nước và trên cạn), hoàn thành một số bệ và thân trụ, đóng 32 cọc bê tông kè bảo vệ bờ.
Nhà thầu đang phối hợp địa phương vận động một hộ dân bàn giao mặt bằng phía mố M2 để hoàn tất thi công.
Cầu Mỏ Cày (Bến Tre) đã thi công hoàn thành 16/58 cọc khoan nhồi (các móng trụ T5, T6), toàn bộ trụ T5 và thân trụ T6, đang thi công xà mũ trụ T6 và triển khai mũi thi công đường dẫn đầu cầu.
Cầu Măng Thít (Vĩnh Long) thi công hoàn thành tháo dỡ kết cấu phần trên và các mố, trụ cầu và các trụ phòng va đập. Hiện đang thanh thải, dọn dẹp mặt bằng còn lại.
Đối với cầu Giồng Găng (Đồng Tháp), nhà thầu đã huy động được một phần vật tư, thiết bị đến công trường, thi công hoàn thành 1/7 vị trí mố, trụ cầu tạm.
"Việc huy động vật tư, thiết bị ở cầu này đang chậm trễ, không đảm bảo so với tiến độ, cam kết của nhà thầu", Ban QLCDA đường thủy cho biết.
Còn cầu Hồng Ngự, đã thi công xong 16/58 cọc khoan nhồi của móng mố M1 và trụ T1, T2.
Nhà thầu đang thi công mố M1, trụ T1, T2; đã hoàn thành tháo dỡ 5/5 nhịp kết cấu phần trên của cầu cũ; chuẩn bị mặt bằng thi công cọc khoan nhồi trụ T3 đến trụ T6 sau khi thanh thải mặt bằng.
Cầu Sa Đéc, nhà thầu đã thi công hoàn thành 7/7 vị trí mố trụ cầu tạm, đang thi công đường tạm, gia công và lắp đặt dầm còn lại để hoàn thiện và thông xe cầu tạm, thi công tháo dỡ cầu cũ.
Cùng với đó, tại gói thầu XL02, nhà thầu đã thi công xong 27/64 cọc khoan nhồi của trụ T4, T5, T6 và T7 của cầu Vàm Xáng – Thị Đội; hoàn thiện khung vây, hố móng để thi công trụ T6, T7.
Đối với cầu Ô Môn, nhà thầu đã tập kết được một phần vật tư, thiết bị thi công về công trường, dầm cầu tạm đang được gia công sẵn trong nhà máy.
Đồng thời, đã bàn giao một phần mặt bằng dưới nước để triển khai thi công cầu tạm, đang chờ di dời đường điện, giải phóng mặt bằng toàn bộ phạm vi cầu tạm để thi công đồng loạt.
Cũng theo Ban quản lý các dự án đường thủy, lũy kế sản lượng đến nay được khoảng gần 97/1.102 tỷ đồng, đạt 8,8%, chậm 0,56% so với tiến độ dự án.
Ban đang phối hợp với địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật theo kế hoạch vốn đã được bố trí, đáp ứng tiến độ đề ra.
Đồng thời, Ban đang chuẩn bị lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư giai đoạn 2, ba cầu còn lại gồm: Đồng Nai, Ông Lớn, Bình Triệu nhằm đảm bảo tĩnh không cho các phương tiện vận tải đường thủy nội địa.
Dự án nâng cao tĩnh không 11 cầu đường bộ khu vực Tây Nam Bộ được Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 2.155 tỷ đồng, hoàn thành năm 2025. Bộ GTVT giao Ban quản lý các dự án đường thủy làm chủ đầu tư.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận