Chỉ trong 10 năm, từ 2008 - 2018, đường sắt tốc độ cao của Italy đã vươn lên chiếm lĩnh thị phần vận tải nội địa còn hãng hàng không quốc gia Alitalia ngậm ngùi “dừng cuộc chơi”.
Theo hãng tin CNN, sự phát triển vượt bậc của đường sắt ở Italy được đánh giá đã góp một phần không nhỏ dẫn tới kết cục thảm hại của hãng bay Alitalia.
Một sân ga tàu cao tốc tại Italy. Ảnh: CNN
“Nuốt chửng” thị phần của hàng không
Hơn một thập kỷ qua, ông Francesco Galietti, Giám đốc điều hành công ty tư vấn rủi ro chính trị Policy Sonar, là khách VIP của Alitalia khi thường xuyên đi công tác từ Rome đến Milan bằng máy bay. Nhưng nay thì không, phương tiện ông chọn là tàu cao tốc.
Ông Galietti không phải là trường hợp duy nhất. Số liệu thống kê năm 2019 do Công ty Đường sắt quốc gia Italy Ferrovie dello Stato thực hiện, cho thấy số lượng khách sử dụng tàu làm phương tiện đi làm chính trên tuyến Rome - Milan đã tăng gần gấp 4 trong vòng 10 năm, từ 1 triệu lượt trong năm 2008 lên 3,6 triệu lượt vào năm 2018.
Hơn 2/3 lượt di chuyển giữa 2 thành phố trên là bằng tàu. Đây là kết quả đáng ngưỡng mộ với hệ thống tàu cao tốc của Italy sau 1 thập kỷ đi vào hoạt động.
Số lượng khách du lịch sử dụng tàu (trên tất cả các tuyến) tăng gấp 6 lần từ 1,8 triệu lượt lên 7,3 triệu lượt trong giai đoạn từ 2008 - 2018.
Trong đó, các tuyến từ Rome đến Florence và Venice là hút khách nhất. Trong khi trước đây, khách du lịch tuyến từ Rome - Venice chủ yếu đi máy bay.
Không khó để lý giải vì sao nhiều người như ông Galietti lại chuyển sang tàu cao tốc. Trên tuyến Rome - Milan dài gần 650km, nếu đi tàu sẽ mất 2 giờ 59 phút.
Trong khi đó, nếu đi máy bay, ông Galietti mất nửa tiếng lái xe tới sân bay, phải làm thủ tục trước 90 phút, mất 30 phút đi máy bay và thêm 20 phút nữa để di chuyển từ sân bay vào trong trung tâm Milan, tổng cộng 2 tiếng 50 phút.
Thời gian di chuyển là ngang bằng nhưng nếu xét về mức độ thoải mái, thuận tiện, đa phần người dân, du khách đều chọn tàu.
Do sân ga nằm ngay giữa trung tâm thành phố Rome và Millan, hành khách không cần phải mất thời gian đến trước làm thủ tục, cửa tàu đóng lại 2 phút trước khi khởi hành. Trong quá trình tàu chạy, hành khách có thể nghỉ ngơi hoặc làm việc.
Kể từ khi đường sắt phát triển, giá bất động sản tại Milan cũng tăng vọt 20,5% trong giai đoạn từ năm 2008 - 2018, giá mặt bằng văn phòng xung quanh 2 nhà ga tàu cao tốc là Rogoredo và Porta Garibaldi cũng tăng 10%.
Vậy nên, không ngoa khi hãng CNN cho rằng, sự phát triển vượt bậc của đường sắt cao tốc đã góp phần triệt tiêu hãng hàng không quốc gia Alitalia.
Cách mạng đường sắt Italy
Hãng Alitalia vừa thực hiện chuyến bay cuối cùng vào ngày 14/10. Ảnh: CNN
Để thu hút khách nội địa bỏ máy bay và chuyển sang tàu, tất nhiên không thể dựa vào những hệ thống đường sắt chậm chạp, lỗi thời và thường xuyên trễ giờ như Italy từng có trong quá khứ.
Hệ thống đường sắt tốc độ cao của Italy hiện nay rất hiện đại. Italy là quốc gia duy nhất trên thế giới có 2 nhà vận hành tàu cao tốc.
Đây cũng là nơi có dịch vụ tàu chở hàng tốc độ cao đầu tiên trên toàn cầu, vận hành từ Bologna đến Maddaloni (555km) chỉ trog 3,5 giờ.
Hành khách có 2 lựa chọn. Một là hãng Trenitalia - doanh nghiệp do Nhà nước vận hành, đang sở hữu các tàu Frecce (có nghĩa là Mũi tên), Frecciarossa, Frecciabianca và Frecciargento (có nghĩa tương ứng là mũi tên đỏ, trắng, bạc).
Mỗi loại tàu chịu trách nhiệm một khu vực vận tải, chạy theo hình chữ T dọc khu vực phía Bắc của nước này, sau đó chạy thẳng xuống bán đảo Italy. Tàu Frecciarossa có tốc độ nhanh nhất, đạt tới 360km/h.
Theo báo cáo năm 2019, Trenitalia cho biết, số lượng tàu cao tốc của doanh nghiệp này đã tăng gấp đôi, lên 144 chiếc trong giai đoạn 2008 - 2018.
Lựa chọn thứ 2 là hãng tàu tư nhân Nuovo Trasporto Viaggiatori, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2012, có các tuyến tàu bao phủ 54 thành phố/ngày.
Bên cạnh đó, giá vé tàu vừa phải, không cao bằng vé tàu tại Pháp, Đức hay Thụy Sĩ và rẻ hơn vé máy bay của Alitalia. Vé tàu từ Rome đến Venice mất 3,45 giờ có giá 29.90 euros (34,6 USD) trong khi giá vé máy bay cùng tuyến của Alitalia là 51 USD.
Để mua vé, hành khách phải chọn và đặt chỗ trước. Cả hai hãng Trenitalia and Italo đều có phòng đợi trong các nhà ga chính, dành cho khách VIP.
Đi tàu để giảm khí thải
Một điểm đặc biệt nữa thu hút nhiều người đi tàu cao tốc đó là để bảo vệ môi trường. Ông Carlo Barbante, Giám đốc Viện Khoa học địa cực tại Đại học Ca’ Foscari của Venice, rất yêu thích đi tàu, thậm chí còn coi đây là trách nhiệm quan trọng.
“Trước hết tôi có thể góp phần giảm khí thải, ngoài ra tôi có thể làm thủ tục lên tàu nhanh gọn, đi lại dễ dàng và cảm thấy an toàn, thoải mái. Một nhà khoa học như tôi, nếu muốn thuyết phục mọi người chung tay giảm khí thải thì nhất định phải đi trước làm gương”, ông Barbante nói.
Vị chuyên gia này khẳng định, tàu là một trong những cách để giảm khí thải tốt nhất!
Trước đây, khi chưa có tàu cao tốc, để đi từ Venice đến Rome phải mất gần cả ngày nên ông buộc phải đi tàu đêm để tiết kiệm thời gian. Còn bây giờ, Barbante có thể đi và về bằng tàu, vừa đi vừa làm và thư giãn.
Alitalia được thành lập từ năm 1947, từng có thời kỳ hoàng kim, là niềm tự hào của hàng không Italy, mang đậm chất riêng của Italy từ trang phục, thực phẩm, dịch vụ... Alitalia cũng là hãng hàng không chuyên chở Đức Giáo hoàng từ năm 1964.
Tuy nhiên, Alitalia gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với nhiều hãng hàng không giá rẻ như Ryanair hay Easyjet, sự phát triển của tàu cao tốc...
Hãng đã hai lần nộp đơn phá sản và được bảo lãnh. Đến lần thứ ba vào tháng 9/2021, Chính phủ Italy đã không thể cứu trợ. Alitalia vừa kết thúc chuyến bay cuối cùng vào ngày 14/10 và nhường sân cho một hãng hàng không mới thành lập là Italia Trasporto Aereo (ITA).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận