Thế giới giao thông

Lý do nào khiến Nhật Bản rời bỏ Trung Quốc, hướng đến Đông Nam Á?

20/07/2020, 06:39

57 công ty Nhật Bản sẽ được nhận một khoản hỗ trợ để chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc tới các nước Đông Nam Á.

img
Đã có hàng chục công ty Nhật chuẩn bị nhận tiền để chuyển khỏi Trung Quốc.

57,4 tỷ yên (tương đương 536 triệu USD) là tổng số tiền trợ cấp mà 57 công ty Nhật Bản sẽ cùng nhau được nhận như một khoản hỗ trợ để chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc, về Nhật Bản hoặc tới các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Quá phụ thuộc vào đối tác lớn nhất thế giới

Đây là một phần trong chương trình mới của Chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng liền mạch, giảm phụ thuộc vào hoạt động sản xuất tại Trung Quốc - những vấn đề rất lớn đã được bộc lộ từ đại dịch Covid-19. Nhưng, đây có phải là lý do duy nhất khiến Nhật không ngại chi mạnh tay và “dứt tình” với Bắc Kinh như vậy? Vì sao điểm đến mới lại là các nước Đông Nam Á?

Tờ Bloomberg ngày 19/7 dẫn thông tin từ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật cho biết, ngoài 57 công ty (bao gồm nhà sản xuất khẩu trang tư nhân Iris Ohyama và Tập đoàn điện tử Sharp) sẽ nhận tổng cộng 57,4 tỷ yên từ trợ cấp Chính phủ để đưa nhà máy của họ rời Trung Quốc, còn có 30 công ty nữa nhận được tiền để chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam, Myanamar, Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác.

Tổng số tiền trợ cấp mà Chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe dự định chi cho đợt trợ cấp lần này là 70 tỷ yên, theo tờ the Nikkei. Số tiền này nằm trong gói hỗ trợ trị giá 243,5 tỷ yên mà Chính phủ Nhật thông qua hồi tháng 4 để giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc.

Nhận định về sự dứt khoát trong chính sách mới của Nhật khi quyết định “chia tay” với Trung Quốc bất chấp nước này là đối tác thương mại lớn nhất của Tokyo, Tờ Bưu điện Hoa Nam dẫn lời nhiều chuyên gia cho biết, động thái này được thực hiện sau khi hàng loạt doanh nghiệp Nhật “chết đứng” vì tắc nguồn cung phụ tùng sản xuất từ các nhà máy đặt tại Trung Quốc, do hoạt động sản xuất tại đây buộc phải tạm dừng hồi đầu năm để phòng chống dịch Covid-19.

Phụ tùng do các đối tác tại Trung Quốc hoặc chi nhánh của Nhật ở nước này sản xuất hiện được dùng để chế tạo động cơ, hệ thống điện, nội thất cho ngành ô tô. Ngoài được xuất khẩu sang Nhật, số hàng hóa này cũng được sử dụng cho các nhà máy sản xuất ô tô của nước này tại Trung Quốc. Chính tình hình dịch bệnh đã bộc lộ thực tế rằng Nhật đang quá phụ thuộc vào Trung Quốc.

Nhưng, đây không phải lý do duy nhất khiến chính quyền của ông Abe và các công ty Nhật lo lắng. Theo nhiều chuyên gia, còn lý do khác đó là họ lo ngại cuộc chiến thương mại gay gắt giữa Bắc Kinh và Washington hiện nay sẽ làm tăng hoặc phát sinh thuế mới và Tokyo - đồng minh thân cận của Mỹ sẽ phải chịu trận.

Lý do quan trọng khác nữa là có thể Nhật lo ngại bị rò rỉ tài sản trí tuệ, tương tự như Mỹ đang rất quan ngại trước việc hợp tác với các công ty Trung Quốc, nguy cơ tổn hại tới an ninh quốc gia.

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề như chi phí lao động tại Trung Quốc không ngừng tăng; khả năng nổ ra các cuộc biểu tình chống Nhật như đã từng xảy ra trong quá khứ về tranh chấp chủ quyền liên quan tới chuỗi đảo mà Nhật gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Tại sao lại chọn Đông Nam Á?

Theo các chuyên gia về quan hệ quốc tế, sở dĩ Nhật chọn Đông Nam Á trước hết chính là vì khoảng cách gần. Trung Quốc gần sát các quốc gia Đông Nam Á nên việc chuyển đổi từ Trung Quốc sang Đông Nam Á sẽ không gây tổn thất chi phí sản xuất và vận chuyển quá nhiều. Thứ hai, tuyến đường vận tải biển quốc tế trên Biển Đông có hàng nghìn tàu, thuyền qua lại mỗi ngày, nằm ngay giữa Đông Nam Á. Khoảng 42% thương mại hàng hải của Nhật đã và đang đi qua vùng biển này.

Lý do khác là Nhật tính đến việc giảm chi phí vận hành trong tương lai. Các nước Đông Nam Á không chỉ có chi phí lao động, mặt bằng rẻ mà còn có thuế suất thấp, từ đây, chi phí vận hành tại khu vực này có thể được tiết kiệm khá nhiều.

Thực tế, Đông Nam Á cũng không xa lạ gì với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản. Rất nhiều công ty từ “đất nước Phù tang” đã có nhà máy sản xuất trên khắp 10 nước trong khu vực Đông Nam Á, tập trung tại Thái Lan, Indonesia, Việt Nam. Năm 2017, các công ty này đầu tư 22 tỷ USD vào khu vực Đông Nam Á, tăng gấp đôi so với năm 2012 trong đó các công ty trong ngành ô tô tập trung ở Thái Lan, Indonesia; ngành bán lẻ và máy móc chủ yếu ở Việt Nam…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.