Ngân hàng Trung ương Nga gia tăng dự trữ vàng đáng kể trong vài nămtrở lại đây |
Theo số liệu thống kê năm vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nga đã mạnh tay mua hàng trăm tấn vàng dự trữ. Tuy nhiên, khi các mỏ khai thác trong nước không đủ khả năng cung cấp, Ngân hàng Trung ương Nga đã buộc phải tìm đến nguồn cung từ bên ngoài. Đây được xem là một trong những biện pháp đảm bảo cho những năm tháng có thể bất ổn, ẩn chứa nhiều thách thức đang chờ nước Nga ở phía trước.
Gia tăng dự trữ đáng kể
Theo báo cáo được trang Russia Beyond the Headlines đăng tải hôm 8/1, vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong năm 2018, dự trữ vàng của Nga đã tăng đáng kể, khiến quốc gia này trở thành một trong những nơi mua vàng nhiều nhất thế giới.
Trong 11 tháng của năm 2018, Ngân hàng Trung ương Nga đã mua 264,3 tấn vàng, riêng tháng 11 mua 37,3 tấn. Tính đến thời điểm cuối năm 2018, tổng số vàng mà nước này dự trữ lên tới 2.103 tấn.
Tại Nga, Ngân hàng Trung ương mua vàng từ các công ty khai thác trong nước, thông qua trung gian là các ngân hàng thương mại, bao gồm VTB, Sberbank, Otkritie và Gazprom. Các ngân hàng này hầu hết đều thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ và được cấp giấy phép để họ giao dịch vàng với Ngân hàng Trung ương Nga.
Cụ thể, các ngân hàng thương mại sẽ cung cấp các khoản vay và tín dụng, hỗ trợ các công ty khai thác vàng mở rộng và phát triển. Các mỏ vàng của Nga chủ yếu nằm ở khu vực Magadan ở Viễn Đông. Chúng cũng được khai thác tại Chukotka, Yakutia, Irkutsk và khu vực Amur, Zabaykalsky Krai, các khu vực Sverdlovsk, Chelyabinsk, Buryatia và Bashkortostan.
Sau khi nhận được khoản hỗ trợ, những doanh nghiệp khai thác sẽ dùng vàng để trả nợ. Từ dạng thô, vàng tinh chế thành dạng thỏi rồi được ngân hàng thương mại bán cho Ngân hàng Trung ương Nga.
Số vàng trên sẽ được chuyển về tích trữ trong kho của Ngân hàng Trung ương. Gần 2/3 lượng vàng của Nga được cho là cất ở Moscow, phần còn lại được bảo quản ở TP St. Petersburg.
Tuy nhiên, mô hình này chỉ hoạt động trơn tru khi nhu cầu mua vàng của Ngân hàng Trung ương ít hơn số lượng vàng khai thác được trong nước. Đến thời điểm này, khi nhu cầu quá lớn, Nga đã phải mua vàng từ bên ngoài để bổ sung vào nguồn dự trữ khổng lồ của mình.
Dự trữ đề phòng rủi ro
Tổng thống Nga Putin đang xem thử một thỏi vàng (ảnh tư liệu) |
Các ngân hàng thương mại Nga cũng hoạt động trên thị trường vàng quốc tế, giao dịch với các nước như Trung Quốc, Thuỵ Sĩ, Anh, Ấn Độ. Không chỉ bán cho các thị trường bên ngoài, các ngân hàng thương mại Nga có thể thay mặt Ngân hàng Trung ương, mua vàng từ các nước khác và chuyển về trong nước.
Theo hãng thông tấn Reuters, trong năm 2018, Sberbank đã lên kế hoạch bán 25 - 30 tấn vàng cho Ấn Độ, 20 tấn cho Trung Quốc và cung cấp 100 tấn cho Ngân hàng Trung ương Nga. VTB Capital cũng đã thực hiện việc bán 70 đến 80 tấn vàng trên thị trường Nga, 35 tấn cho Ấn Độ và hơn 20 tấn cho Trung Quốc vào năm ngoái.
Tuy nhiên, do nhu cầu vàng từ Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng mạnh trong năm 2018, VTB đã phải điều chỉnh lại kế hoạch bán hàng quốc tế và chuyển hướng bán nhiều hơn cho Moscow, để đáp ứng nhu cầu của Ngân hàng Trung ương.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters gần đây, người đứng đầu VTB Capital, ông Atanas Djumaliev cho biết: “Doanh số bán vàng ra nước ngoài trong năm 2018 thấp hơn so với năm trước. Đó là do các hoạt động của Ngân hàng Trung ương Nga, khách hàng lớn nhất của chúng tôi đã tích cực gia tăng nguồn dự trữ của mình”.
Hoạt động thu mua vàng với số lượng lớn của Nga được xem là một trong những biện pháp đảm bảo cho những năm tháng có thể bất ổn, ẩn chứa nhiều thách thức đang chờ nước Nga ở phía trước.
Khi tốc độ tích luỹ vàng của Ngân hàng Trung ương Nga ngày một lớn, điều đó cũng đồng nghĩa với việc nó sẽ tác động rất lớn đến thị trường vàng thế giới. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, nó sẽ ảnh hưởng giá vàng chung trên toàn cầu.
Nhà phân tích Eugene Chausovsky thuộc Công ty Tư vấn địa chính trị Stratfor nhận định, việc Moscow gom vàng là nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD, khi mà mối quan hệ giữa nước này với Mỹ vẫn còn căng thẳng.
Ngoài ra, Nga có thể lo ngại rằng lệnh trừng phạt của Mỹ có thể khiến họ khó bán trái phiếu kho bạc Mỹ trong tương lai, hay khiến các ngân hàng của Nga không thể sử dụng đồng USD cho các giao dịch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận