Xã hội

Lý do TP.HCM ngày càng ngập nặng

24/05/2018, 08:00

Hàng trăm nghìn tỷ đồng được TP.HCM đầu tư chống ngập, thế nhưng chỉ cần một trận mưa lớn hầu hết các đường...

6

Mưa lớn nhiều tuyến đường ở TP.HCM biến thành sông - Ảnh: Sỹ Đồng

Hàng loạt tuyến đường hễ mưa là ngập

Đã 5 ngày trôi qua, người dân TP.HCM vẫn còn ám ảnh bởi trận mưa đầu mùa tối 19/5 khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM bị ngập nặng. Khi đó, khoảng 17h, khu vực quận Gò Vấp mưa tầm tã. Chỉ sau một giờ, đường Phan Huy Ích ngập sâu kéo dài 4km.

Nước ngập nặng tràn lên cả lề đường khiến nhiều người không có chỗ đậu xe, đành dựng ngay giữa đường chờ nước rút. Một quán cà phê trên đường Phan Huy Ích nước ngập gần tới đầu gối khiến khách ngồi uống cà phê phải co cả chân lên ghế. 

“Năm nào cũng vậy, cứ mưa lớn là ngập từ đường vào quán. Người ta nói đã làm cống để chống thoát nước nhưng cứ mưa là ngập, buôn bán rất khó khăn”, anh Chiến, chủ quán cà phê nói.

Những tuyến đường như: Quốc Hương, Tống Hữu Định, đường số 4, đường số 46 trên địa bàn quận 2 bình thường trước kia rất ít khi bị ngập nay cũng chìm trong nước. Ngập sâu nhất tại đường Quốc Hương dài hàng trăm mét. Nhưng nặng nhất là đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) bị ngập sâu gần 1m khiến nhiều xe bị chết máy phải dắt bộ, xe ô tô hoạt động cũng vô cùng khó khăn. Ở khu vực trên cao nhưng đường Lê Văn Việt (đoạn từ Xa lộ Hà Nội đến đường Lê Lợi, quận 9) tối 19/5 cũng ngập sâu gần 30cm. Tương tự, đường Lã Xuân Oai đoạn từ đường Man Thiện đến đường 379 bị ngập nặng gần 50cm, xe máy không thể qua lại.

Thông qua ứng dụng cảnh báo ngập UDI, Công ty Thoát nước đô thị thông báo có hơn 30 điểm ngập trên toàn thành phố, cảnh báo để người dân né tránh. Đó là những điểm ngập 40cm khiến xe cộ không đi lại được, còn tình trạng ngập 20 - 30cm thì hầu như tuyến đường nào cũng xảy ra.

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, trận mưa chiều tối 19/5 trên địa bàn thành phố chỉ xảy ra ngập trên 10 tuyến đường kéo dài 30 phút đến 3 giờ. Cá biệt các tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, An Dương Vương, Phan Anh… phải 5 giờ sau khi tạnh mưa nước mới rút hết. 

Chống ngập sai từ quy hoạch

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM cho biết, trên địa bàn thành phố hiện còn 40 tuyến đường trục chính thường xuyên xảy ra ngập nước mỗi khi có mưa lớn. Trung tâm đang thực hiện các giải pháp giảm ngập ở 37 tuyến đường trục chính, đồng thời phối hợp với các địa phương thực hiện giảm ngập ở hơn 1.000 tuyến hẻm kết nối với các đường trục chính nhằm hạn chế ngập nước mỗi khi xảy ra mưa lớn. 

Vì sao nhiều tuyến đường không có cống thoát nước?

Liên quan đến thông tin cho rằng, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP HCM không có cống thoát nước, trao đổi với PV, một cán bộ Sở GTVT TP HCM cho biết, phần lớn các dự án chống ngập của thành phố do Trung tâm Chống ngập thực hiện, một số dự án thuộc công trình cải tạo nâng cấp đường có kèm theo cải tạo hệ thống thoát nước Sở GTVT mới thực hiện. Chẳng hạn dự án cải tạo một đoạn đường Lương Định Của (Q.2), đường Đỗ Xuân Hợp (đoạn từ cầu Nam Lý đến Nguyễn Duy Trinh, đường Liên Phường (Q.9)… Đối với những tuyến đường cần cải tạo, nâng cấp mở rộng, phần lớn đã xây dựng từ lâu, không có hệ thống cống thoát nước, do vậy hễ mưa là ngập. Hiện, Sở GTVT đang tiếp tục triển khai một số dự án nâng cấp mở rộng đường trong đó có việc đấu nối hệ thống ống cống để thoát nước chống ngập như đường Huỳnh Tấn Phát, An Dương Vương, Ung Văn Khiêm… 

Đỗ Loan

Đánh giá về các giải pháp chống ngập của thành phố hiện nay, GS.TSKH. Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường - Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cho rằng, nếu thành phố vẫn thực hiện các giải pháp chống ngập như hiện nay, vẫn còn ngập nặng kéo dài. Bởi, hiện nay cứ đường nào bị ngập là lên kế hoạch thay cống, nâng đường cục bộ cho riêng tuyến đó theo kiểu chữa cháy, không có chiến lược rõ ràng.

“Việc chống ngập phải xét theo từng lưu vực và đặt mốc về cốt nền cho phù hợp mới xác định được nơi nào nên nâng, nơi nào không. Người dân cũng dựa theo tiêu chuẩn đó làm nhà, để không còn kiểu nâng đường làm ngập nhà dân. Kiểu quy hoạch lộn xộn hiện nay thì ngập vẫn còn kéo dài”, ông Bá nói.

Là người có nhiều năm nghiên cứu về các giải pháp chống ngập cho nhiều tuyến đường tại TP.HCM, TS. Vũ Văn Ái (Đại học Bách Khoa TP HCM) cho rằng, xét trên bình diện cục bộ tình trạng thoát nước mưa kém là nguyên nhân chính khiến nhiều tuyến đường bị ngập mỗi khi có mưa lớn. Các miệng hố ga thiết kế không hợp lý, nhỏ, rác che lấp khiến nhiều tuyến đường chỉ cần một trận mưa lũ lượng 100ml kéo dài một giờ đồng hồ là bị ngập sâu 20cm.

Ở góc độ vĩ mô, TS. Vũ Văn Ái cho rằng, quá trình đô thị hóa khiến nhiều tuyến kênh, rạch bị lấp, những vùng đất trũng thấp lại xây đô thị khiến tình trạng ngập càng thêm nặng. Nói về dự án chống ngập do triều của Tập đoàn Trung Nam đang thực hiện với tổng mức đầu tư trên 10 nghìn tỷ đồng, TS. Ái cho rằng, nếu không thực hiện các giải pháp đồng bộ, sau khi dự án hoàn thành cũng không giải quyết được bài toán chống ngập mà còn ngập nặng nếu mưa kết hợp triều cường. “Lúc đó toàn thành phố sẽ trở thành hồ chứa nước và chắc chắn 100% thành phố sẽ bị ngập nặng”, TS. Ái nói.

Theo ông Đỗ Tấn Long, các dự án thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM để hỗ trợ thoát nước trong điều kiện ảnh hưởng biến đổi khí hậu đang triển khai thi công chưa hoàn thành nên chưa phát huy được hiệu quả trong công tác chống ngập. Giải pháp cấp bách để chống ngập là mở thêm hướng thoát nước mới, cải tạo miệng thu... trong khi chờ các dự án lớn triển khai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.