Ông Hồ Huy |
Từ chiến trường bước vào thương trường, ông Hồ Huy, người lính Bộ đội Cụ Hồ năm xưa đã xây dựng nên một tập đoàn vận tải có tên tuổi và bản sắc văn hóa doanh nghiệp rất riêng. Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Hồ Huy khẳng định, Mai Linh phải là “người lính đi đầu” trên mặt trận bảo đảm ATGT.
Thắng không kiêu, bại không nản
Mai Linh đã trải qua một giai đoạn khó khăn, thậm chí đã từng ngấp nghé bờ vực sụp đổ. Để có những bước chuyển động tích cực như ngày hôm nay, đòi hỏi bản lĩnh và nghị lực của người đứng đầu. Vậy đâu là yếu tố tiên quyết để ông chèo lái con thuyền Mai Linh vượt qua sóng gió?
Tháng 5/1972, tôi nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại Quảng Trị, chiến trường ác liệt nhất thời điểm đó. Tôi cùng đồng đội đã phải chứng kiến những đợt bom B52 vô cùng tàn khốc, cả vạt rừng xanh sau phút chốc trở thành bãi chiến trường chết chóc, tang thương. Chính chiến trường khốc liệt và nghiệp vụ lính trinh sát đã tôi luyện cho tôi sự mưu trí, dũng cảm và một bản năng phải sống, tìm mọi cách để sống. Và bản năng này đã “ăn vào máu”, kể cả khi tôi rời quân ngũ.
Mai Linh là máu thịt của tôi, nơi tôi gắn bó và dành thời gian tâm sức còn nhiều hơn cho gia đình mình. Trong 23 năm xây dựng và phát triển Mai Linh, dù thuận lợi hay lúc khó khăn nhất, tôi vẫn luôn trong tâm thế, tinh thần của người lính: Thắng không kiêu, bại không nản! Tôi luôn luôn nhìn áp lực khó khăn như thử thách chứ không nản lòng bỏ cuộc.
Báo cáo tài chính 2015 của Tập đoàn cho thấy, lần đầu tiên sau 5 năm Mai Linh có lợi nhuận sau thuế. Vậy, giải pháp nào đã đưa Mai Linh thoát khỏi khủng hoảng?
Từ năm 2010, Mai Linh bắt đầu khó khăn, có lúc chúng tôi đã đứng ở bờ vực sụp đổ, tình hình tài chính liên tục “âm”. Tới năm 2014, có thể nói chúng tôi mới “ngoi lên” được và năm 2015 bắt đầu có lợi nhuận. Lần đầu tiên sau thời gian dài, Tập đoàn đã đầu tư được hơn 3.000 xe mới, thay thế toàn bộ số xe cũ. Điều này ngay lập tức thúc đẩy doanh thu vượt lên. Nhìn lại kết quả năm tài chính năm 2015, ít ai biết, Mai Linh đã phải tiến hành tái cấu trúc toàn diện và quyết liệt như thế nào.
Dù trong lúc thua lỗ, tiết kiệm chi tiêu từng đồng song tôi vẫn quyết định thuê 3 công ty lớn nước ngoài kiểm toán, tư vấn về tái cấu trúc thương hiệu và tài chính (Deloitte, PwC, KPMG). Sau khi được tư vấn, chúng tôi quyết định mời người có kinh nghiệm chuyên môn cao về làm tổng giám đốc, trao quyền lực để cải tổ bộ máy và hoạt động kinh doanh. Hiệu quả cho thấy, quyết định táo bạo của tôi là hoàn toàn đúng đắn.
Là một doanh nghiệp tư nhân, song hoạt động đoàn thể, phong trào tại Mai Linh phát triển rất mạnh, phải chăng đây cũng là yếu tố giúp Mai Linh vượt qua thời điểm khó khăn?
Đúng thế. Tổ chức đoàn thể chính trị xã hội luôn được chúng tôi chú trọng phát triển nhằm tạo môi trường sinh hoạt tư tưởng, giáo dục chính trị, đạo đức cho CBNV Mai Linh. Tới nay, Mai Linh đã có 3 Đảng bộ lớn tại Bắc, Trung, Nam bao gồm 139 chi bộ Đảng trong toàn hệ thống. Ngoài tổ chức Công đoàn, mỗi chi nhánh còn xây dựng đoàn thanh niên, hội phụ nữ, đặc biệt ở ba miền đều có hội cựu chiến binh.
Thông qua các tổ chức chính trị xã hội, chúng tôi phát triển mạnh công tác từ thiện, hỗ trợ thăm hỏi các trường hợp TNGT, hoàn cảnh gia đình lái xe khó khăn, người lao động mắc bệnh hiểm nghèo… Hiện Mai Linh đang đồng hành cùng Ủy ban ATGT Quốc gia, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và Quỹ An toàn giao thông và Phát triển cộng đồng (TCF) thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp “Kết nối cộng đồng - vì ATGT” lần lượt trên khắp 63 tỉnh, thành cả nước nhằm tuyên truyền ý thức và văn hóa giao thông, kết nối cộng đồng, giúp đỡ các nạn nhân, gia đình nạn nhân bị TNGT.
Không tuân thủ kỷ luật không thể làm lái xe Mai Linh
Lãnh đạo doanh nghiệp với tác phong, tố chất người lính, nên nhân viên cấp dưới chắc chắn cũng được thấm nhuần phẩm chất này, thưa ông?
Đặt mục tiêu an toàn của cộng đồng là trên hết, doanh nghiệp vận tải nói chung và mỗi người lái xe phải là “người lính đi đầu” trên mặt trận bảo đảm ATGT, chúng tôi luôn rèn luyện cho anh em lái xe có trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Vì thế khi cần, nhiều lái xe đã trở thành chiến sĩ bắt cướp, phòng chống tội phạm, cũng có khi trở thành hướng dẫn viên du lịch và đặc biệt là làm “bà đỡ” cho những sản phụ sinh trên xe. Mới đây em bé thứ 28 (trong năm 2016) đã được chào đời trên taxi Mai Linh. Chính những hành động này đã trở thành nét đẹp văn hóa làm nên uy tín của thương hiệu taxi Mai Linh.
Vậy ông có áp dụng kỷ luật nhà binh cho lái xe của mình?
Đối với toàn bộ CBNV Mai Linh, từ lâu tôi đặt ra khẩu hiệu cũng là nội quy để anh em tuân thủ: Đối với khách hàng phải tôn trọng lễ phép; Đối với công ty phải tuyệt đối trung thành; Đối với đồng nghiệp phải thân tình giúp đỡ; Đối với công việc phải tận tụy sáng tạo; Đối với gia đình phải thương yêu trách nhiệm. Đối với đối thủ cạnh tranh phải khôn khéo kiên quyết.
Sức mạnh lớn nhất của Mai Linh là tính kỷ luật nghiêm túc và đạo đức nghề nghiệp. Chính vì vậy, lái xe nào không thích kỷ luật thì không thể làm việc tại Mai Linh. Lái xe có hành vi gian lận cước, bài bạc trong giờ làm việc, đánh nhau với đồng nghiệp hay lái xe hãng khác… nếu phát hiện đều bị sa thải.
“Phạt nguội” trong nội bộ nếu phát hiện vi phạm ATGT
Như ông đã nói, ATGT là mục tiêu hàng đầu của lái xe Mai Linh. Vậy nếu vi phạm, lái xe sẽ bị xử lý như thế nào?
Từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, chúng tôi có 15 phút họp đầu giờ thống kê về tình hình ATGT, những trường hợp tai nạn va quệt xe của hãng trong ngày và đêm hôm trước để đưa ra hướng giải quyết cũng như tuyên truyền, nhắc nhở CBNV.
Để kiểm soát tốc độ lái xe trên đường, ngay từ năm 2011, chúng tôi đã gắn thiết bị định vị GPS trên toàn bộ phương tiện. Tới năm 2014, nhằm siết chặt kỷ luật hơn, chúng tôi quyết định thực hiện quy chế “phạt nguội” đối với lái xe vi phạm. Cụ thể, hàng tháng đội ngũ thanh, kiểm tra sẽ xem lại hành trình của từng xe, nếu phát hiện chạy quá tốc độ một lần sẽ cảnh cáo nhắc nhở, từ hai lần sẽ lập tức tổng hợp “phạt nguội”, đồng thời báo cho Sở GTVT địa phương phạt tiếp.
Mức phạt nguội của công ty căn cứ vào đâu?
Công ty dựa trên mức phạt vi phạm ATGT của cơ quan chức năng để làm căn cứ “phạt nguội”. Theo đó, lái xe vi phạm lần 1 thì nhắc nhở, lần thứ hai phạt 50% mức phạt còn từ lần thứ 3 sẽ phạt 100%.
Đề cao tiêu chí ATGT, đây có phải lý do ông chọn màu xanh cho xe Mai Linh?
Ngày đầu thành lập công ty, tôi đã lấy màu xanh áo lính làm màu thương hiệu, vì tôi yêu thích gắn bó với nó, đồng thời đó cũng là màu của đèn xanh ATGT. Sau này, màu xanh thương hiệu Mai Linh còn được mở rộng ý nghĩa trong slogan “Mai Linh - Màu xanh cuộc sống”, phù hợp với mục tiêu vì ATGT, bảo vệ môi trường. Màu xanh cũng là màu biểu trưng cho “khát vọng xanh” của Mai Linh là đưa xe điện vào chạy taxi, nhằm giảm khí thải, giữ gìn môi trường sống trong lành của con người. Hy vọng rằng, trong thời gian sớm nhất, “khát vọng xanh” của Mai Linh sẽ trở thành hiện thực.
Cảm ơn ông!
Năm 2015 là năm khởi sắc của Mai Linh, với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 162 tỷ đồng (theo báo cáo kiểm toán của Deloitte), trong đó, mảng kinh doanh taxi đóng góp gần 85%. Cùng năm, Mai Linh đã đầu tư hơn 3.000 đầu xe mới, nâng tổng số phương tiện taxi của toàn hệ thống tính đến cuối năm 2015 là gần 15.000 xe, trong đó tại miền Nam là 6.500 xe. Taxi Mai Linh đang hiện diện tại 53/63 tỉnh, thành cả nước.Lái xe Mai Linh có bề dày truyền thống cứu hộ cứu nạn, cấp cứu, đỡ đẻ cho sản phụ trên xe, hỗ trợ công an bắt cướp. Năm 2014 về trước, số ca lái xe Mai Linh cấp cứu hành khách trong trường hợp khẩn cấp là 641 ca, đỡ đẻ trên xe taxi 9 ca; năm 2015 cấp cứu 218 ca, đỡ đẻ 12 ca; năm 2016 đến thời điểm hiện tại đã cấp cứu 292 ca, đỡ đẻ 28 ca. Tổng số ca cấp cứu là 1.151 ca, đỡ đẻ 49 ca. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận