Đại tá Nguyễn Đăng Giáp cùng Ban lãnh đạo Tổng công ty 36 đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác thi công tại công trường |
Tổng công ty 36, tiền thân là Xí nghiệp Xây dựng công trình 36, thành lập ngày 4/4/1996. Trải qua 22 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, từ một xí nghiệp không tên tuổi, đứng bên bờ vực phá sản với con số âm 34 tỷ đồng, sau khi mạnh dạn cổ phần hóa (CPH) đến nay tổng số tài sản Tổng công ty (TCT) trên 6.000 tỷ đồng, là doanh nghiệp (DN) xây lắp hàng đầu của quân đội và đất nước.
Cổ phần hóa là con đường tất yếu
Năm 2014, khi đang ở đỉnh cao của pa-ra-bôn phát triển, TCT đã mạnh dạn đi trước đón đầu, tiên phong CPH Công ty mẹ để công khai sức khỏe DN, qua đó từng bước chuyển đổi, nâng cao phương pháp quản trị điều hành, hoàn thiện mô hình quản lý chuyên nghiệp bảo đảm tính minh bạch, tư duy tự chủ, sáng tạo đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của thời đại.
TCT đã thi công nhiều công trình tiêu biểu, trọng điểm mang tầm cỡ quốc gia và có ý nghĩa chiến lược, có tính kỹ, mỹ thuật cao, được chủ đầu tư đánh giá tốt về tiến độ, hiệu quả và sự điều hành chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, còn mở rộng thị trường sang nước bạn Lào với một số công trình tiêu biểu như: Nhà văn hóa Kayson Phomvihane; Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Lào; Trường nghiệp vụ biên phòng QĐND Lào; Xưởng in NXB và phát hành sách quốc gia Lào; Trụ sở làm việc NXB và phát hành sách quốc gia Lào… Trong đó, công trình Nhà văn hóa Kayson Phomvihane (tỉnh Savannakhet) có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng: Đây là quà tặng của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tặng tỉnh Savannakhet nhằm xây dựng củng cố mối đoàn kết giữa Việt Nam và Lào mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã dày công vun đắp, đồng thời là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa - chính trị - kinh tế, trưng bày, kỷ niệm ngày lễ lớn của tỉnh Savannakhet nói riêng và nước bạn Lào nói chung.
Năm 2017 cũng là một năm thành công đối với người thuyền trưởng của TCT 36, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Ông là một trong 14 doanh nhân Việt Nam xuất sắc vừa được Enterprise Asia, một tổ chức phi chính phủ hàng đầu châu Á về kinh doanh bình chọn trao tặng giải thưởng Doanh nhân châu Á - Thái Bình Dương (APEA) lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Đây là một giải thưởng có uy tín nhất trong khu vực dành cho những doanh nhân xuất sắc, liên tục đổi mới và có năng lực lãnh đạo bền vững. Đồng thời giải thưởng này đã đưa thương hiệu TCT 36 trở thành một trong những thương hiệu lớn uy tín trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều đó cũng sẽ thu hút các dự án, các nguồn vốn nước ngoài, góp phần đưa TCT tăng trưởng bền vững trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. |
Ngày 22/2/2016, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án CPH của TCT 36, vốn điều lệ là 430 tỷ đồng, tương ứng với số cổ phần phát hành lần đầu là 43 triệu cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 17.200.000 cổ phần, chiếm 40% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong DN là 3.347.800 cổ phần, chiếm 7,79% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược 18.152.200 cổ phần, chiếm 42,21% vốn điều lệ; cổ phần bán đấu giá công khai 4.300.000 cổ phần, chiếm 10% vốn điều lệ.
Ngày 14/4/2016, TCT đã đấu giá IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) 4,3 triệu CP, tương đương 10% vốn điều lệ. Theo kế hoạch, 3 năm sau CPH, TCT đặt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh với lợi nhuận sau thuế từ 42 - 44 tỷ đồng mỗi năm. Tỷ lệ chi trả cổ tức từ 8,5 - 9,2%/năm.
Trao đổi với ông Nguyễn Hồng Lợi, Phó tổng giám đốc TCT 36, chúng tôi được biết, thời điểm chưa CPH, các DN xây dựng nói chung và TCT 36 nói riêng đang gặp nhiều khó khăn vì là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thắt chặt đầu tư công và nợ xấu ngân hàng. Do vậy, TCT 36 không có con đường nào khác là CPH. Sau hơn 1 năm CPH, TCT 36 hoạt động như một nhà thầu đa năng trong các lĩnh vực xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, lao động, thủy lợi, thủy điện, đầu tư kinh doanh bất động sản.
Thực hiện lộ trình tăng vốn phục vụ cho các kế hoạch đầu tư phát triển đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 430 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, TCT 36 đã chào bán 57 triệu cổ phiếu theo phương thức thực hiện quyền mua với tỷ lệ 1:1,3256 với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 570 tỷ đồng. Theo đó, khi hoàn tất tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng, tỷ lệ vốn Nhà nước tại TCT 36 chỉ còn 17,2% bởi Bộ Quốc phòng sẽ chuyển nhượng toàn bộ 17,2 triệu quyền mua (tương đương khoảng 22,8 triệu cổ phiếu) ra bên ngoài theo hình thức đấu giá công khai.
Những khởi đầu thành công
Qua hơn một năm hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, do chủ động trong xây dựng tầm nhìn chiến lược nên TCT 36 không bị hẫng hụt trước khó khăn chung mà còn sớm triển khai tiếp cận với các nguồn vốn nước ngoài, như: ODA, FDI… để nâng cao tính tự chủ trong sản xuất kinh doanh. Từ đầu năm 2017 đến nay, đã có nhiều đối tác nước ngoài tiếp xúc, hợp tác với TCT 36, như: Công ty SINO GREAT WALL, Công ty Taisei, Công ty GIKEN (chuyên về máy móc và công nghệ thi công cọc thép), Công ty Xây dựng OZAWA, Công ty Xây dựng Hashimotogumi (Nhật Bản), Công ty Tư vấn thiết kế kiến trúc Codinarchs Architects (Tây Ban Nha) và Tập đoàn Lotte EC (Hàn Quốc).
Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn, các Tập đoàn kinh kế Nhà nước có nhiều biến động, các thể chế kinh tế còn nhiều hạn chế, bất cập, không theo kịp sự phát triển và có khi còn là rào cản cho DN lại càng cho thấy, triết lý “đường dài mới hay sức ngựa” của Đại tá Nguyễn Đăng Giáp một lần nữa làm sáng tỏ nhiều điều. CPH cũng là con đường tất yếu sau một thời kỳ tăng trưởng nóng, điều này một lần nữa khẳng định tầm nhìn vĩ mô của Đại tá Nguyễn Đăng Giáp và ban lãnh đạo TCT 36 khi quyết định CPH DN. Những bước đi CPH đã minh bạch hóa tất cả, giúp DN tự tin bước vào thời kỳ mới.
Xây dựng thương hiệu và củng cố niềm tin
Anh hùng Lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TCT 36 cho rằng, để tiếp tục gặt hái thành công, phải xây dựng thương hiệu bằng chính chất lượng công trình. Bởi chất lượng công trình chính là giá trị cốt lõi của sự phát triển. Một doanh nhân thành công cần phải có tầm nhìn chiến lược, kỹ năng tư duy độc lập. Bên cạnh đó, phải nắm vững luật và quy luật kinh doanh trên thị trường, nhất là thị trường quốc tế. Phải có kỹ năng tiếp thị tìm kiếm việc làm, xây dựng thương hiệu và giữ gìn, phát triển thương hiệu. Trong kinh doanh thì luôn coi đối tác là bạn để cùng tồn tại trong cơ chế thị trường. Với ông, việc xây dựng niềm tin với khách hàng và đối tác là hết sức quan trọng. Không những thế, phải tìm những người bạn đồng hành thực sự tốt, cùng ý chí, đồng lòng, quyết tâm và tạo dựng đồng thời biết sống chung với áp lực và cạnh tranh. Ông cũng cho rằng, vai trò của người lãnh đạo DN rất quan trọng - người đứng đầu cần phải có Tài, có Tâm, có Tầm, có Trí thì mới chèo lái DN thành công và phát triển bền vững.
Để tiếp tục đưa TCT 36 lên một tầm cao mới, Ban điều hành TCT 36 đã xây dựng và thực thi một Chiến lược Đổi mới DN để thay đổi phương pháp điều hành và quản trị truyền thống. Cụ thể xây dựng và vận hành hệ thống quản trị mục tiêu KPI, chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 sang tiêu chuẩn mới ISO 9001:2015 tích hợp các quy trình quản trị như quản trị tài năng quản trị hiệu suất, quản lý dự án, quản trị rủi ro. Trong năm 2018 TCT cũng xác định sẽ đưa các phương pháp quản trị ứng dụng công nghệ như hệ thống BIM (quản trị mô hình thông tin công trình) và hệ thống quản trị nguồn lực ERP vào áp dụng thực tế.
Hy vọng, với tầm nhìn và bước đi linh hoạt sau khi CPH, thương hiệu 36 từ chỗ “chói ngời sắc đỏ” trên công trường trở nên “xanh tươi” trên sàn giao dịch chứng khoán. Lúc đó, màu xanh của cổ phiếu blue-chip sẽ là cách tốt nhất củng cố, phát triển thương hiệu 36 bền vững với thời gian.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận