Thiếu kiến thức, học sinh dân tộc ném đá lên tàu
Cuối tháng 11/2022 vừa qua, Công ty CP Đường sắt Quảng Bình đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Quảng Bình tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường sắt cho học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Quảng Ninh.
Đại diện Công ty CP Đường sắt Quảng Bình cho biết, trường đóng tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh. Đây là địa bàn trọng điểm có tuyến đường sắt đi qua. Tình hình TTATGT đường sắt nơi đây tương đối phức tạp, có nhiều đường ngang và lối đi tự mở, dễ xảy ra tai nạn giao thông.
Đại diện đường sắt, CSGT, nhà trường và học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) ký cam kết bảo vệ ATGT đường sắt
Trường có gần 200 học sinh, chủ yếu là thuộc dân tộc Vân Kiều từ các xã miền núi trong huyện, ý thức về bảo đảm ATGT nói chung, ATGT đường sắt nói riêng chưa cao. Điển hình vụ việc vừa qua, 10 em học sinh của trường ném đá lên tàu khách SE7 đang chạy trong khu gian Lệ Kỳ - Long Đại, làm vỡ 4 cửa kính toa tàu, gây thiệt hại cho ngành đường sắt. Rất may không hành khách nào bị thương.
Vì vậy, tại hội nghị, các giáo viên, học sinh đã được cán bộ phòng CSGT tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật về TTATGT đường sắt, các hành vi bị nghiêm cấm cũng như quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc bảo vệ hành lang ATGT đường sắt, các kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi đi qua đường ngang. Đại diện nhà trường và học sinh cũng đã ký cam kết chấp hành pháp luật về bảo đảm TTATGT đường sắt.
Còn tại khu vực đèo Khe Nét (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), một nhân viên tuần đường cho biết, đường sắt Bắc - Nam chạy bám theo sườn đèo, độ dốc cao, nhiều đường cong, rất nguy hiểm. Nhưng khu vực này cũng là nơi người dân “bám” rừng, trồng cây keo hai bên đường sắt sinh sống.
Do thiếu hiểu biết về ATGT đường sắt, họ tự mở lối đi qua đường sắt để vận chuyển cây keo sau thu hoạch hoặc phạt cây đổ vào cả đường sắt, đe dọa an toàn chạy tàu. Vì vậy, đơn vị thường xuyên làm việc với địa phương để nhắc nhở người dân, đồng thời nhân viên tuần đường trên đường đi tuần hàng ngày dọc đường sắt, khi phát hiện các vi phạm, kịp thời nhắc nhở, giải thích để người dân hiểu, tự giác tuân thủ, đảm bảo an toàn.
Tăng cường tuyên truyền đến tận người dân
Công ty CP Đường sắt Quảng Bình cho biết, đơn vị được Tổng công ty Đường sắt VN đặt hàng bảo trì, quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt trên phạm vi tỉnh Quảng Bình có chiều dài 174,5km. Tuyến đường đi qua 4 huyện, 1 thành phố, 1 thị xã với 42 xã, phường, thị trấn.
Các lực lượng rào lối đi tự mở qua đường sắt, đảm bảo an toàn
Đây là tuyến đường sắt có bình diện phức tạp, nhiều đường cong bán kính nhỏ trái chiều, gần 2/3 tuyến đường đi qua các vùng rừng núi đèo dốc nguy hiểm. Hơn nữa, lại là tuyến đường sắt độc đạo, không có đường bộ song song bên cạnh, nên hầu hết người dân sống dọc hai theo đường sắt hàng ngày phải qua lại đường sắt để sinh hoạt, sản xuất. Vì vậy số lượng lối đi tự mở qua đường sắt lên tới 154 lối, một số lối đi vừa rào chắn xong là người dân phá dỡ để qua lại.
Hiện tượng người dân vi phạm chỉ giới và hành lang ATGT đường sắt, tệ nạn lấy cắp vật tư và phụ kiện đường sắt vẫn còn xảy ra, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đường sắt của nhân dân địa phương còn hạn chế.
Do vậy nhằm nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATGT đường sắt, cũng là bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, thời gian qua Công ty CP Đường sắt Quảng Bình đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là tăng cường tuyên truyền các quy định về ATGT đường sắt đến tận người dân.
Cụ thể, năm 2022 đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức các hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự ATGT đường sắt tại 4 trường học: Trường THCS xã Châu Hóa (huyện Tuyên Hóa), Trường THCS Mỹ Thủy (xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy), Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Quảng Ninh (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh) với hơn 1.100 em học sinh và phát 1.800 tờ rơi.
Cùng đó tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự ATGTĐS tại các địa bàn thuộc 3 xã: Xã Sơn Hóa (huyện Tuyên Hóa), xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh), xã Phú Thủy (huyện Lệ Thủy) với hơn 300 hộ dân tham gia; phát 1.000 quyển tài liệu tuyên truyền Luật Đường sắt.
Đơn vị cũng đã phối hợp địa phương thu hẹp lại 23 lối đi tự mở bị người dân tháo dỡ nhằm đảm bảo an toàn; Đóng 10 lối đi tự mở qua đường sắt; Xử lý kịp thời 5 vụ vi phạm hành lang ATGT đường sắt. Phát cây che khuất tầm nhìn tại khu vực 35 đường ngang. Sửa chữa, kê lót các tấm đan bị cập kênh, trám vá bằng nhựa đường trong phạm vi đường bộ tại các đường ngang, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện giao thông qua lại được an toàn và êm thuận...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận