Mảng màn hình vẫn gặp khó
Samsung Electronics vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với doanh thu khoảng 71.920 tỷ won (54 tỷ USD).
Trong đó, 4 nhà máy của hãng ở Việt Nam tiếp tục đóng góp khoảng 30%, tương đương 16,25 tỷ USD.
Đáng chú ý, dù nhiều nhà máy đã thoát lỗ so với quý IV/2023, song lợi nhuận của Samsung Display (SDV) và Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) vẫn sụt giảm mạnh.
Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2024, Samsung Display Vietnam ghi nhận doanh thu 3.580 tỷ won (2,65 tỷ USD), giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận của công ty cũng ở mức 167,8 tỷ won (123 triệu USD), giảm mạnh 63%.
Tính đến 31/3/2024, tổng tài sản của Samsung Display Vietnam là 6.074 tỷ won (4,4 tỷ USD), nợ phải trả là 1.448 tỷ won (1,05 tỷ USD).
Tại Việt Nam, Samsung Display hiện nghiên cứu và sản xuất các loại màn hình LCD, OLED với công nghệ hiện đại nhất cho điện thoại, TV, máy tính. Samsung Display bắt đầu đầu tư tại Việt Nam vào năm 2014, với quy mô 1 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, doanh nghiệp đã tăng vốn lên 4 tỷ USD và đến năm 2017 là 6,5 tỷ USD.
Hiện tại, tập đoàn Samsung đang vận hành các nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, đồng thời có Tổ hợp Thiết bị Gia dụng Hồ Chí Minh (SEHC), Samsung Display Việt Nam (SDV) và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) Hà Nội. Khoản đầu tư tích lũy cho đến nay là 22,4 tỷ USD.
Được biết, tập đoàn Samsung cũng dự kiến đầu tư thêm khoảng 1 tỷ USD mỗi năm thời gian tới tại Việt Nam.
Tương tự SDV, Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) cũng báo lãi giảm 72% so với quý I/2023, ở mức 55 tỷ won (40,7 triệu USD).
Hiện tại, SEHC cũng đang sản xuất TV và thêm một số thiết bị thiết bị điện tử gia dụng khác của Samsung.
Trái ngược với mảng màn hình, Samsung Thái Nguyên tiếp tục là nhà máy góp doanh thu và lãi nhiều nhất, với lần lượt là 8,16 tỷ USD và 707 triệu USD. Kế đến là Samsung Electronics Vietnam với 4,2 tỷ USD doanh thu và lợi nhuận 300 triệu USD.
Kết quả này được thúc đẩy do doanh số bán dòng smartphone Galaxy S24 và giá chất bán dẫn bộ nhớ tăng cao. Ngoài ra, ngành hàng bộ nhớ của Samsung cũng có lãi trở lại.
Sự cạnh tranh từ Trung Quốc
Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp Màn hình Hàn Quốc, doanh số toàn cầu của OLED và các sản phẩm màn hình khác có thể đạt 122,8 tỷ USD trong năm 2024, tăng trưởng 5,4%.
Thị trường OLED toàn cầu được dự đoán sẽ tăng 8% lên 43,4 tỷ USD nhờ nhu cầu ngày càng tăng từ các nhà sản xuất TV, điện thoại thông minh…
Bên cạnh đó, thị trường màn hình LCD toàn cầu được dự đoán sẽ tăng 4% lên 78,1 tỷ USD vào năm 2024.
Hiệp hội cho biết các sự kiện toàn cầu như EURO 2024 và Thế vận hội mùa hè Paris có thể sẽ thúc đẩy nhu cầu về sản phẩm.
Song song với tiềm năng phát triển của thị trường, Samsung Display cũng được nhận định sẽ gặp nhiều thách thức khi các nhà sản xuất màn hình OLED dẻo của Trung Quốc đã và đang nhanh chóng cải tiến công nghệ và tăng số lượng xuất xưởng.
Theo Omdia (công ty tư vấn và phân tích chuyên về lĩnh vực công nghệ thông tin tại Anh), trong nửa đầu năm 2024, số lượng xuất xưởng màn hình OLED gập của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 6,4 triệu chiếc, vượt qua mức 5,7 triệu chiếc của Samsung Display tại Hàn Quốc.
Đáng chú ý, màn hình OLED gập do Trung Quốc sản xuất dự kiến sẽ chiếm 53% tổng thị phần số lượng xuất xưởng màn hình OLED gập trong giai đoạn này.
Từ trước đến nay, Samsung Display và Samsung Galaxy Fold đều được biết đến là những công ty tiên phong trong thị trường điện thoại thông minh màn hình gập.
Tuy nhiên, các thương hiệu Trung Quốc (như Huawei, Honor, Oppo, Vivo, Xiaomi, Transsion, ZTE và Lenovo MOTO) đang nhanh chóng bắt kịp bằng cách tung ra các sản phẩm màn hình gập mới, được cải tiến và nâng cao chất lượng.
Những đổi mới này đã dẫn đến thiết kế thành công trong các mẫu màn hình gập mới của các thương hiệu điện thoại thông minh và OEM (Nhà sản xuất phụ tùng gốc) Trung Quốc như Huawei, Honor, Lenovo MOTO, Oppo, Vivo, Xiaomi, Transsion và ZTE, trong khi Samsung Galaxy Fold chủ yếu kết hợp các công nghệ màn hình gập mới nhất của Samsung Display.
Không chỉ dừng lại ở màn hình điện thoại, một tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc là TCL cũng đang tạo áp lực với Samsung trên thị trường TV. Thay vì sử dụng màn OLED hay QLED, TCL lại lựa chọn vào công nghệ QD-Mini LED, qua đó đẩy mạnh thêm những đột phá và làm suy giảm doanh thu và lợi nhuận của các ông lớn tại thị trường này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận