7h45 sáng 15/7, đường 70 đoạn qua địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội) nêm chặt phương tiện, từ xe container, xe khách đến phương tiện cá nhân. Xe nọ tranh giành đường đi với xe kia để mong thoát khỏi điểm ùn tắc.
Đáng nói, ngay giữa giờ cao điểm, “chợ cóc” trên vỉa hè khu vực từ đối diện cổng Bệnh viện K Tân Triều đến nút giao đường 70 - Nguyễn Xiển - Xa La (hướng về Cầu Tó) vẫn hoạt động nhộn nhịp. Người bán thì cố đưa sạp hàng ra sát mép đường để gây sự chú ý, người mua thì ung dung dừng xe giữa đường để mua hàng.
Ông Tuyên, một người chạy xe ôm trước cổng Bệnh viện K cho biết, chợ cóc này đã tồn tại từ nhiều năm nay với khung thời gian hoạt động từ khoảng 5h - 9h sáng hàng ngày.
Tại cầu vượt sông nối đường Giáp Nhất và đường Láng (cạnh cây xăng đầu đường Láng) bấy lâu nay, một “chợ cóc” cũng ngang nhiên được ngang nhiên lập nên. Vỉa hè hai bên cầu thì bị 3 - 4 hàng cá chiếm dụng.
Cách đó không xa, khu vực lưu thông trên cầu Mọc hiện cũng đang bị các tiểu thương biến thành nơi sửa chữa khóa và bán mũ bảo hiểm.
Tương tự, tại khu vực Cầu Mới (Ngã Tư Sở), thời điểm hiện tại cũng bị nhiều người bán hàng rong chiếm dụng trong tất cả các khung giờ hàng ngày để bán hoa, bánh mỳ.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng, việc lập “chợ cóc” ven đường và dưới lòng đường không chỉ khiến không gian tại các đô thị trở nên nhếch nhác mà còn thường trực nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn thương tâm. Vụ việc xảy ra trên QL14 hướng TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) vào giữa tháng 6/2020 là ví dụ điển hình.
Theo ông Thạch, thời gian tới, cơ quan chức năng cần thiết phải rà soát, nghiên cứu và quy hoạch lại các khu chợ thành một mạng lưới quy củ. Đặc biệt, để xóa bỏ hàng rong, chợ cóc, cơ quan chức năng cần phải giao nhiệm vụ và xử nghiêm trách nhiệm người đứng đầu địa bàn, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, làm lấy lệ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận