Đại diện đơn vị tư vấn báo cáo Thứ trưởng Nguyễn Nhật về tình hình thực tế triển khai dự án |
Gần 9km mặt bằng chưa bàn giao
Dự án đầu tư cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là công trình giao thông trọng điểm, án ngữ ngay cửa ngõ phía Nam Thủ đô, được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tải ùn tắc, xóa điểm đen TNGT khu vực phía Nam. Khởi công cuối tháng 7/2014, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT và nỗ lực của nhà đầu tư, chỉ sau hơn một năm, giai đoạn 1 của dự án với mục tiêu cải tạo, nâng cấp mặt đường đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, bề rộng nền đường 25m (TMĐT: 1.973 tỷ đồng) đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 9/2015, rút ngắn 6 tháng tiến độ so với hợp đồng.
Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, ngay sau khi hoàn thành giai đoạn 1, từ tháng 11/2015, nhà đầu tư đã triển khai thi công giai đoạn 2 để xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 33,5m, tốc độ thiết kế đạt 100km/h với tổng mức đầu tư khoảng 4.757 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 29km, điểm đầu Km 182+300 tại nút giao Pháp Vân, điểm cuối tại Km 211+256 (Km 211+000 của tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình). Dự án được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư ban đầu 6.731 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 là 1.973 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 4.757 tỷ đồng. |
“Theo hợp đồng BOT đã ký với Bộ GTVT, dự án sẽ hoàn thành vào ngày 31/12/2017. Để đạt mục tiêu này, trước đây TP Hà Nội đã cam kết sẽ hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng trước ngày 21/9/2016. Thực tế đến nay, dự án còn hơn 8,6km (diện tích đất khoảng 43.417m2) vẫn chưa được chính quyền địa phương của TP Hà Nội bàn giao cho các đơn vị thi công”, ông Khôi nói và cho biết, đây là nguyên nhân chính dẫn tới tiến độ của dự án đang bị chậm.
Báo cáo của chủ đầu tư cũng cho thấy, hiện giai đoạn 2 mới hoàn thành hơn 50% khối lượng. Trong đó, giá trị thực hiện của nhiều gói thầu xây lắp bị chậm như: Gói XL11 đạt 99,7 tỷ đồng (chậm 3%), gói XL13 đạt 75,4 tỷ đồng (chậm 9%), gói XL15 đạt 125,5 tỷ đồng (chậm 3%)…
Theo thông tin của Báo Giao thông, trong 4 địa phương của TP Hà Nội (Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên), huyện Thường Tín có chiều dài tuyến đường đi qua dài nhất với hơn 20km và cũng là địa phương còn tồn đọng khối lượng mặt bằng chưa bàn giao lớn nhất. Ông Nguyễn Sỹ Tiến, Phó chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, hiện nay, địa phương đã bàn giao cho các nhà thầu thi công được 337.472m2 (đạt 92,64%), còn lại 26.825m2 chưa bàn giao.
Quyết liệt đẩy tiến độ, hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2018
Chiều 13/9, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật trực tiếp thị sát, kiểm tra tình hình thực tế triển khai cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và làm việc với UBND huyện Thường Tín. Tại đây, Thứ trưởng Nhật cho biết, Bộ GTVT và TP Hà Nội sẽ phối hợp để cùng tháo gỡ vướng mắc trong công tác GPMB, cương quyết đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dự án trước Tết Nguyên đán 2018 để phục vụ bà con, nhân dân đi lại an toàn.
Thứ trưởng Nhật chỉ đạo nhà đầu tư phải bổ sung máy móc, thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công. “Đoạn nào có mặt bằng đến đâu phải tổ chức thi công, hoàn thành ngay tới đó. Các nhà thầu cần lưu ý, trong quá trình thi công phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các phương tiện lưu thông trên tuyến và công tác vệ sinh môi trường”, Thứ trưởng Nhật chỉ đạo và yêu cầu nhà đầu tư chuẩn bị sẵn kinh phí để chi trả ngay khi địa phương phê duyệt phương án đền bù GPMB.
Thống nhất với địa phương về một số kiến nghị liên quan đến các chính sách đặc thù trong công tác GPMB, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị UBND huyện Thường Tín sớm có văn bản chính thức để Bộ GTVT giao các cơ quan chức năng liên quan xem xét, quyết định.
“Thời gian hoàn thành dự án chỉ còn lại khoảng 4 tháng nữa, các cơ quan, đơn vị liên quan phải vào cuộc quyết liệt, cùng nhau tháo gỡ khó khăn để sớm đưa công trình trọng điểm này đi vào khai thác với quy mô 6 làn xe, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân và xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật chỉ đạo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận