Khi gia đình anh Viktor Dergai chuyển vào căn hộ ở tầng 27 một căn chung cư ở Kiev hơn một năm trước, các thành viên rất hào hứng vì căn hộ nằm ở vị thế đẹp, cho tầm nhìn bao quát thủ đô Ukraine. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi sau khi chiến sự xảy ra tại Ukraine và những đợt cắt điện, mất điện thường xuyên ảnh hưởng tới cuộc sống của họ.
Với gia đình anh Dergai và cư dân sống tại các tòa nhà cao tầng trải dài từ sông Dnipro tới ngoại ô Kiev, những đợt cắt điện thường xuyên do các cuộc không kích của Nga nhằm vào lưới điện Ukraine khiến thang máy ngừng hoạt động đã gây rất nhiều khó khăn.
“Đi bộ (khi thang máy ngừng hoạt động) không phải là vấn đề đối với tôi, nhưng trong tòa nhà còn có người cao tuổi, người khuyết tật, những bà mẹ mang theo con nhỏ trên xe đẩy”, anh Dergai cho biết.
Nhân viên kỹ thuật giải cứu cụ ông 71 tuổi mắc kẹt trong thang máy tại thủ đô Kiev, Ukraine. Ảnh - AFP
Ngay trong chính gia đình anh Dergai cũng có thành viên gặp khó khăn khi đi lại và không thể đi bộ 27 tầng nhà khi thang máy gặp sự cố. Đó là bố vợ anh Dergai, 68 tuổi, bị thương ở chân ở thời gian đầu chiến sự. Mới đây, gia đình anh Dergai đã mất gần 1 giờ để đưa ông xuống tầng trệt rồi tới bệnh viện khi khu vực nơi họ sinh sống bị mất điện khiến thang máy ngừng hoạt động.
Dù những đợt cắt điện có thể xảy ra bất thình lình, nhiều người dân Ukraine vẫn buộc phải di chuyển bằng thang máy. Nhiều khi, họ bị kẹt lại bên trong và buộc phải gọi cứu hộ. Trong bối cảnh đội cứu hộ quá tải, nhiều người dân phải chờ đợi hàng giờ trong sự tối tăm lạnh giá.
Do đó, nhiều tòa nhà tại Ukraine đã trang bị hộp đồ thiết yếu bên trong thang máy, bao gồm nước uống, đồ ăn nhẹ, đèn pin, thuốc an thần…
Ông Dmytro Sukhoruchko, Giám đốc công ty bảo trì thang máy UKRLIFT, cho biết số lượng cuộc gọi cứu hộ từ người dân mắc kẹt trong thang máy đã tăng gấp 10 tới 15 lần sau khi các lực lượng Nga bắt đầu không kích lưới điện Ukraine.
“Nhân viên kỹ thuật gặp rất nhiều khó khăn khi phải đi bộ 25 tầng nhà để giải cứu người dân kẹt trong thang máy rồi lại đi xuống, lặp lại quy trình trên ở các tòa nhà khác”, ông Sukhoruchko nói.
Đồng quan điểm trên, ông Kostiantyn Krul, đồng nghiệp của ông Sukhoruchko, cho biết trung bình một nhân viên bảo trì thang máy hiện phải xử lý hơn 10 cuộc gọi cứu hộ trong một ngày làm việc.
Ông Robert Bryce, tác giả một cuốn sách về năng lượng, cho rằng thang máy đóng vai trò quan trọng tại các thành phố hiện đại. “Không có điện, các thành phố hiện đại với những tòa nhà cao tầng không thể vận hành”, ông Bryce nói.
Nga bắt đầu không kích nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu, mục tiêu quân sự của Ukraine sau vụ nổ trên cầu Crimea vào tháng 10 mà Moscow cáo buộc là nỗ lực mới nhất của Ukraine nhằm phá hoại cơ sở hạ tầng dân sự của Nga. Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phủ nhận các buộc giới chức nước này ra lệnh đánh bom cầu Crimea.
Những đợt không kích liên tục đã khiến nhiều khu vực tại Ukraine thường xuyên bị mất điện, cắt nước sinh hoạt, hệ thống sưởi ấm và dịch vụ điện thoại.
Ông Michael Kofman, chuyên gia quân sự tại một viện nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ, cho rằng những đợt không kích liên tục của các lực lượng Nga bào mòn khả năng thay thế cơ sở hạ tầng, thành phần trong lưới điện của Ukraine, dẫn tới làn sóng di cư gia tăng và khiến Ukraine gặp nhiều khó khăn trong phòng thủ trước chiến dịch quân sự của Nga.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận