Tín hiệu tích cực cho máy bay nội địa Trung Quốc
Ngày 24/6, tờ Hoa Nam buổi sáng dẫn nguồn tin thân cận cho biết phái đoàn gồm các quan chức và chuyên gia Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) dự kiến đến Trung Quốc vào đầu tháng 7, trực tiếp kiểm tra máy bay C919 do nước này tự sản xuất, phục vụ tiến trình cấp phép hoạt động cho dòng máy bay này ở thị trường châu Âu.
Phái đoàn châu Âu sẽ tham gia các buổi mô phỏng bay, trao đổi với đội ngũ thiết kế máy bay và gặp gỡ các đối tác tại Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC).
Đặc biệt, các quan chức và chuyên gia EASA cũng kiểm tra trực tiếp, kỹ lưỡng máy bay C919, cũng như tham quan dây chuyền lắp ráp của Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac).
Theo SCMP, chuyến thăm đánh dấu bước tiến mới trong tiến trình vận động các cơ quan chức năng châu Âu cấp phép cho máy bay thương mại nội địa Trung Quốc.
Nếu được cấp phép, nhà sản xuất máy bay Trung Quốc Comac sẽ thu hút nhiều khách hàng tiềm năng từ châu Âu, gia tăng uy tín và cơ hội đạt được thỏa thuận bán máy bay với những đối tác khác.
Bên cạnh chuyến thăm, các nhà quản lý châu Âu chưa ấn định thời gian thực hiện chuyến bay kiểm tra đặc biệt đối với máy bay Trung Quốc nhưng dự định triển khai vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2025.
Nỗ lực đưa máy bay nội địa ra quốc tế
Dù máy bay C919 đón nhận những tín hiệu tích cực từ các nhà quản lý châu Âu nhưng Reuters cho biết hồi tháng 3, ông Luc Tytgat, Giám đốc điều hành của EASA, cho biết máy bay thương mại của Trung Quốc còn quá mới để được cấp phép.
Thực tế thời gian qua, Trung Quốc đã nỗ lực nhằm đạt được giấy phép cho máy bay C919.
Điển hình như vào tháng 4 vừa qua, các quan chức Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) đã đến thăm trụ sở EASA ở Cologne, Đức, sau đó đã thảo luận nhằm điều chỉnh các khuôn khổ quản lý và hợp tác phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.
Đầu tháng 6, hai bên tiếp tục hội đàm bên lề Hội nghị An toàn Hàng không Quốc tế ở Washington (Mỹ).
Theo SCMP, những cuộc tiếp xúc trao đổi thường xuyên giúp hai bên giải quyết các vấn đề trong hợp tác, trong đó có việc cấp phép cho máy bay C919.
Không chỉ vậy, một số bộ phận quan trọng trên máy bay C919 được cung cấp bởi các công ty châu Âu như động cơ LEAP-1C do CFM International, liên doanh giữa hai tập đoàn động cơ máy bay Pháp và Mỹ sản xuất, từ đó thúc đẩy tiến trình cấp phép diễn ra suôn sẻ hơn.
Trao đổi với SCMP, các quan chức hàng không Trung Quốc bày tỏ lạc quan, hy vọng châu Âu sẽ nhanh chóng chứng nhận an toàn và cấp phép cho máy bay C919 ngay trong năm tới.
Sau một năm bắt đầu hoạt động thương mại kể từ tháng 5/2023, máy bay C919 đã vận chuyển khoảng 300.000 hành khách trên 4 đường bay nội địa của Trung Quốc.
Vào tháng 4 vừa qua, 3 hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc gồm Air China, China Eastern Airlines và China Southern Airlines đã đặt hàng 300 máy bay C919.
Máy bay nội địa Trung Quốc cũng được một số hãng hàng không bên ngoài Trung Quốc quan tâm, nhất là sau khi C919 ra mắt tại Triển lãm Hàng không Singapore vào tháng 2 và trình diễn bay tại 5 quốc gia Đông Nam Á.
Với tầm bay lên tới 5.555km, sức chứa 164 hành khách, C919 của tập đoàn Comac (Trung Quốc) được kỳ vọng cạnh tranh trực tiếp với dòng A320 và B737 của hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới là Airbus và Boeing.
Cuối tháng 3, lãnh đạo Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) mới đây đã hé lộ thông tin ban đầu về máy bay thân rộng C929 "Made in China" đầu tiên. Theo đó, C929 có sức chứa từ 280-400 hành khách, phạm vi hoạt động lên tới 12.000km, đủ khả năng bay thẳng từ Bắc Kinh (Trung Quốc) tới New York (Mỹ).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận