Chất lượng sống

Mẹ con ca sinh 4 được Thủ tướng đỡ đầu,đặt tên giờ ra sao?

13/05/2017, 19:15

Cách đây tròn 40 năm (năm 1977), Việt Nam ghi nhận một ca sinh 4 hiếm hoi.

11

Gia đình cặp sinh 4 chụp ảnh cùng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Vào thời điểm đó, đây là sự kiện lớn của ngành Y tế nước nhà. Đặc biệt, 4 bé gái khi đó đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận đỡ đầu và đặt tên là: Bắc - Nam - Thống - Nhất.

Khổ ải quãng ngày mang nặng đẻ đau

PV Báo Giao thông tìm đến căn nhà nhỏ trong ngõ sâu của khu tập thể Yên Ngưu, Thanh Trì, Hà Nội vào một ngày cuối tháng 4, nơi bà Bùi Thị Hương sinh sống. Đúng thời điểm này cách đây 40 năm, ca sinh 4 của bà Hương được coi là chấn động. “Mới đấy mà đã 40 năm rồi, nay tôi đã sang tuổi 74, ông nhà tôi mất cách đây 14 năm vì ung thư. Cuộc sống hàng ngày cũng vất vả, lương thấp, các con đứa đã lập gia đình, đứa chưa”, bà Hương thoáng buồn khi nhìn lên di ảnh người chồng quá cố trên ban thờ.

Bà Hương nhớ lại: “Năm 1977, tôi cũng không ngờ mình mang thai 4. Tôi vẫn nhớ như in, khi mang thai đến tháng thứ 3, đi khám không có máy móc hiện đại như bây giờ. Hầu như mọi người biết tìm đến nhà hộ sinh Cây đa nhà bò trên phố Lò Đúc để khám. “Mọi người bảo tôi ra chợ mua 5 con ếch mang về, kết hợp với thử nước tiểu, các y tá bảo tôi: “Thai của chị chết lưu rồi. Sau đó, họ cho tôi 3 gói thuốc nhỏ về uống để cầm huyết rồi nạo thai. Tôi uống thuốc xong nhưng vẫn bị ra huyết, tôi đến khám lại thì y tá bảo tôi lên bàn nằm để nạo thai. Khi đó, họ hỏi tôi đã ăn gì chưa, chưa ăn thì ra ngoài ăn xôi rồi vào nạo thai”, bà Hương kể.

Tôi gặp một cụ già tại hàng xôi nên kể sự tình, cụ già bảo: “Cô bị động thai rồi” và động viên uống nước ngải cứu sẽ đỡ. Sau đó, bà Hương về thẳng nhà mà không quay lại nhà hộ sinh nữa. Mua ngải cứu về giã nước uống như lời khuyên, bà cảm thấy khá hơn rất nhiều. Nhưng không hiểu sao đến tháng thứ 6, thứ 7 bỗng dưng bà bị phù toàn thân, không đi được, chân tay sưng to. “Sau đó, chồng tôi đưa đến khám và nằm điều trị tại Bệnh viện C một tháng. Trong quá trình nằm ở Bệnh viện C, các bác sỹ cũng không phát hiện tôi chửa 4 cháu”, bà Hương cho biết.

Khi siêu âm ở Bệnh viện C, các bác sĩ bảo trong bụng bà có 3 cái đầu, 2 mình. Nhưng khi chụp ảnh các bác sỹ lại bảo có 8 cái chân, 2 mình. “Lúc đó, tôi rất hoảng sợ, bác sĩ nói tôi chửa quái thai. Ngày xưa tôi bán cá bể trên chợ Hôm, 1 ngày bán mấy tấn cá. Có người bảo tôi bán nhiều cá bể bị nhiễm độc phóng xạ nên chửa quái thai. Tôi chẳng biết có đúng không nhưng người nó cứ phù lên to tướng, nhưng nếu phá thai thì không đành lòng, có lẽ hồi đó khoa học kỹ thuật chưa phát triển nên không ai nghĩ sẽ có ca sinh 4. Sau đó, các bác sĩ cho tôi uống thuốc lợi tiểu, rút được 17kg nước trong người”, bà Hương kể.

12

Bà Bùi Thị Hương cùng 4 con gái (Ảnh do gia đình cung cấp)

Bất ngờ được Thủ tướng tới thăm

“Đúng 5h sáng 17/4/1977, hôm đó là chủ nhật, tôi thấy đau bụng. Khi y tá đưa tôi sang phòng đẻ khám thì đã sắp sinh rồi. Lên nằm trên bàn, cứ 10 phút tôi lại đẻ 1 cháu, tôi chỉ mỏi hông chứ không đau bụng. Khi sinh được cháu thứ 3 ra thì cũng không nghĩ trong bụng còn cháu thứ 4. Trưa ngủ dậy đã thấy cả bệnh viện xôn xao. Các nhà báo cũng về đưa tin. Ngay hôm đó, bác Phạm Văn Đồng đã gọi điện, đồng thời cử cán bộ xuống bệnh viện thăm, đặt tên cho các con tôi là Bắc, Nam, Thống, Nhất”, bà Hương kể.

Theo bà Hương, các con bà có ngày hôm nay cũng là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. “Sau khi sinh, mẹ con tôi phải nằm viện vài tháng mới được về nhà. Sáng mùng 2 Tết năm đó, không hề báo trước, ô tô chở bác Phạm Văn Đồng đến thăm gia đình tôi ở tập thể Trung Tự. Tôi hết sức bất ngờ và cảm động. Tôi không dám nghĩ tới việc một vị Thủ tướng như bác lại dành sự quan tâm đặc biệt tới gia đình mình như vậy. Khi đó, bác đã hỏi thăm, động viên và cho các cháu sữa, đường, quần áo. Mỗi tháng cho mỗi cháu 5 hào, sau tăng lên mấy trăm nghìn đồng cho đến khi các con tôi 18 tuổi”, bà Hương nhớ lại.

Bà Hương cho biết, ngoài 4 người con gái sinh cùng ngày, cùng tháng, vợ chồng bà còn một người con gái lớn là Nguyễn Thị Kim Phượng (SN 1970, hiện đang làm nội trợ, lấy chồng ở quận Đống Đa). Bốn người con sinh 4 gồm Nguyễn Hoài Bắc lấy chồng ở phường Xuân Đỉnh, quận Tây Hồ; Người thứ hai và thứ ba là Nguyễn Ánh Nam và Nguyễn Truyền Thống cùng lấy chồng và ở huyện Thanh Trì. Còn người con út là Nguyễn Thị Như Nhất hiện làm việc tại Trung tâm Người khiếm thị huyện Thanh Trì. Chị Nhất chưa xây dựng gia đình và hiện vẫn sống cùng mẹ.

Rồi cố Thủ tướng hỏi rất tỉ mỉ: “Cháu có mấy cái chăn, cháu có mấy áo len…”.  Tôi trả lời: “Cháu chỉ có áo sợi mắt na”. Cố Thủ tướng nói: “Nghèo thì nghèo, cũng phải có cái áo len. Con cần cái gì cứ nói”. Tôi đáp: “Ông cho con xin cái tủ lạnh nhỏ để sữa, đường cho các cháu”. “Rồi cố Thủ tướng đến gần, gõ vào cái chạn rách ba bề bốn bên, ép vào tường... Sau đó, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về, ông nhà tôi tiễn Thủ tướng ra ngoài mới biết có 7 ô tô đỗ ngoài đường”.

Sau 1 tuần, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho một ô tô chở đồ đạc xuống đầy đủ, mỗi người một cái chăn, áo, tủ lạnh, tủ đựng quần áo, bộ bàn ghế gỗ. “Hồi đó, được đồ của Thủ tướng cho là sang lắm, cả khu tập thể trên gác, dưới nhà đều xuống xem và khen. Sau khi các cháu lớn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn quan tâm, dõi theo từng bước trưởng thành”, bà Hương chia sẻ.

Không chỉ vất vả mang nặng đẻ đau, bà Hương cũng phải chật vật hơn người khác trong quá trình nuôi 4 cô con gái. Một thời gian sau khi sinh, sức khỏe ổn định, bà tranh thủ trồng rau, nuôi gà để có thêm thu nhập nuôi con. “Sau đó, tôi đi làm lại, dù trước đó bác Phạm Văn Đồng yêu cầu không được đi làm, phải ở nhà chăm sóc các cháu cho đến năm 6 tuổi, thời điểm đó tôi được hưởng 2 suất lương. Khi bác Phạm Văn Đồng đến nhà chơi, thấy vậy bác bảo: “Ai bảo bắt đi làm?”. Sau đó, Thủ tướng điện về công ty yêu cầu cho tôi nghỉ ở nhà chăm con”, bà Hương nhớ lại.

Đến năm 1991, bà Hương nghỉ hưu, sau đó nhận trông trẻ cho hàng xóm để kiếm thêm thu nhập nuôi các con ăn học.

Kỷ niệm khó quên về người cha đỡ đầu đặc biệt

Chia sẻ kỷ niệm về người cha đỡ đầu đặc biệt của mình, chị Nguyễn Hoài Bắc tâm sự: “Ông quan tâm tới bốn chị em tôi từ những việc nhỏ nhất, không chỉ thường ngày, mà ngay cả mỗi dịp nghỉ lễ 1/6 hoặc 2/9, ông đều cho người đến nhà đón chị em tôi lên chơi với ông. Khi lên chơi với ông, ông luôn hỏi rất cặn kẽ như thích ăn gì, món gì. Ăn uống xong ông trò chuyện vui vẻ, hỏi chuyện học hành của mọi người... Mới đó mà đã mấy chục năm trôi qua...”. Đến năm 2003, chị Bắc lập gia đình, hiện có 2 con trai, cháu lớn 12 tuổi, cháu nhỏ đang học lớp 1. “Cháu thứ 2 còn nhỏ, cháu yếu lại chậm nói nên giờ tôi vẫn ở nhà lo chăm con và làm việc nội trợ gia đình”, chị Bắc cho hay.

 Nhớ lại kỷ niệm, chị Nguyễn Truyền Thống kể: “Lúc chúng tôi 14-15 tuổi, năm nào cố Thủ tướng cũng cho thư kí đến nhà đón 4 chị em lên chơi với ông rất nhiều lần. Ông kể chuyện cười cho bọn tôi nghe, còn 4 chị em múa hát, chơi đùa với ông... Những kỷ niệm rất bình dị nhưng chắc chắn không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi”. Hiện tại, chị Thống cũng đã lập gia đình và sinh được 2 con, cháu lớn đã 15 tuổi, cháu thứ 2 thì mới 2 tuổi. Do con còn bé nên hiện tại chị cũng ở nhà làm việc nội trợ giống như người chị của mình. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.