Ngoài giờ lên lớp, Thủy Tiên quanh quẩn bên giường để phụ giúp mẹ |
Chuyến xe định mệnh
Vụ tai nạn thảm khốc cướp đi người chồng và khiến đôi chân chị liệt vĩnh viễn, đứa con gái 3 tuổi lúc đó cũng bị gãy xương đùi. Gần 5 năm trôi qua, dù hoàn cảnh khó khăn, người phụ nữ ấy vẫn luôn khao khát sống, miệt mài thêu tranh để nuôi ước mơ trở thành bác sĩ của con.
Tôi gặp Nguyễn Thị Thủy Tiên (học sinh lớp 3B, trường Tiểu học Võ Thị Sáu, ngụ thôn Hồ, xã Cư M’ta, huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk) trong buổi lễ nhận học bổng “Vòng tay nhân ái” diễn ra cách đây chưa lâu. Ngày hôm ấy, Thủy Tiên là “nhân vật đặc biệt”. Cô bé thân hình nhỏ thó, gầy còm níu chặt tay người phụ nữ khắc khổ. Sau này, tôi mới biết người phụ nữ đó là dì của Thủy Tiên. Vì mẹ Tiên bị liệt, không chở em đến được.
Năm 2012, khi Tiên vừa tròn 3 tuổi, cả gia đình gặp nạn trong vụ xe khách rơi xuống cầu Sêrêpốk làm 34 người chết và hơn 20 người bị thương. Chuyến xe định mệnh đã cướp đi người bố Nguyễn Xuân Côi (SN 1987) và để lại cho em người mẹ Đinh Thị Thanh Thủy (25 tuổi) với đôi chân không thể bước đi trong suốt quãng đời còn lại. Riêng Tiên, vết thương đã lành, đôi chân bé bỏng không còn tập tễnh. Hàng ngày, một buổi Tiên đến trường, buổi về chăm mẹ trên giường bệnh và nuôi ước mơ trở thành bác sĩ.
Một ngày đầu năm 2018, chúng tôi ghé thôn Hồ (xã M’ta) trong buổi chiều mưa tầm tã. Đến nơi, trước mặt chúng tôi là căn nhà cấp 4 đã nhuốm màu cũ kĩ nằm quay mặt ra QL26, là nơi ở của chị Thủy và con gái.
Bên trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, rộng vài chục mét vuông, phía trước dành kê chiếc giường gỗ ọp ẹp, là nơi Thủy nằm từ khi ra viện. Phía sau là nơi sinh hoạt của vợ chồng em gái Đinh Thị Nam (24 tuổi) và đứa em út Đinh Thị Miền (20 tuổi). Ngót 5 năm trôi qua, Thủy nằm “bất di bất dịch” trên giường, nhưng khuôn mặt không hiện chút đau đớn. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, Thủy nói cười giòn tan, hai tay vẫn thoăn thoắt thêu tranh chữ thập để kịp giao cho khách.
Thủy kể: “Em lấy chồng ở tỉnh Bình Phước. Ngày em bị tai nạn, vợ chồng em về Đắk Lắk dự đám cưới em gái. Chiều hôm đó, vợ chồng em đặt xe quay trở về Bình Phước. Lúc đó, em lên xe vội vàng không kịp uống thuốc nên say xe không ngủ được. Khi xe chạy gần đến TP Buôn Ma Thuột thì bị hỏng xe nên dừng lại. Lúc này, chồng xuống mua chai nước suối, uống mấy viên thuốc xong em ngủ thiếp đi. Một lúc sau, em nghe mọi người trên xe la hét dữ dội. Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy, em cảm nhận chiếc xe chao đảo rồi một tiếng động lớn vang lên, cả xe im bặt. Sau đó, em nghe tiếng mọi người kêu cứu thảm thiết, nghe tiếng con gái em khóc thét gọi mẹ. Trời tối đen như mực, em cố bò về phía con đang gọi nhưng không cử động được. Em khóc và gọi chồng nhưng không có tiếng trả lời”.
Kể tới đây, giọng Thủy lạc đi: “Em được lực lượng cứu hộ đập cửa đưa ra ngoài, chuyển đi cấp cứu. Vào bệnh viện, em không có một giấy tờ để xác nhận nhân thân, lúc đó em chỉ kịp nhớ tên một người chú và đọc địa chỉ. Bệnh viện gọi về địa phương xác nhận, nhưng khi hay tin gia đình em bị tai nạn, người nhà không tin. Sáng hôm sau, nghe đài báo xe khách Quyết Thắng rơi cầu Sêrêpốk thì người nhà mới tá hỏa đến tìm”.
Ngày gia đình gặp nạn, Thủy Tiên mới 3 tuổi. Bé bị gãy xương đùi. Còn mẹ được đưa vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, máu trào lên phổi, dập thận, dập bàng quang, gãy 3 đốt sống, tưởng sẽ không qua khỏi. “Cấp cứu xong, khi tỉnh em hỏi chồng, con em ở đâu nhưng mọi người cố giấu sợ em đau lòng. Khi em được chuyển tiếp đi Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị thì mới biết chồng đã chết, con gái đang nằm điều trị ở Bệnh viện Đắk Lắk. Kể từ đó, ngày nào em cũng khóc, mãi đến 2 tháng sau em mới gặp lại con”, Thủy nghẹn ngào nhớ lại.
Mưu sinh trên giường bệnh
Bốn chị em Thủy mồ côi mẹ cách đây 19 năm, sau đó bố Thủy đi bước nữa để cùng người phụ nữ thứ 2 nuôi dạy chị em Thủy. Năm 2007, bố Thủy bị TNGT chấn thương sọ não, trí nhớ trở nên “lúc mơ, lúc tỉnh”. Bốn chị em lớn lên, chị gái đầu đi lấy chồng, sau đó Thủy cũng về Bình Phước làm dâu. Sau khi gặp nạn, thi thể chồng đưa về Bình Phước. Thủy rời bệnh viện với đôi chân bị liệt. Không muốn làm gánh nặng cho gia đình nhà chồng, Thủy dẫn con trở về Đắk Lắk sinh sống.
Nắm chặt tay con gái, Thủy tâm sự: “Rời bệnh viện, em và con vật lộn với cơn đau khôn xiết. Nhiều lúc nghĩ quẩn em muốn từ bỏ bản thân mình nhưng nhìn thấy con gái em không đành. Em dặn mình, phải cố sống để tạo niềm tin cho con”.
Ngày 28/9/2016, Ban ATGT tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng Ủy ban ATGT Quốc gia và Quỹ Toyota Việt Nam (TVF) tổ chức Lễ trao học bổng “Vòng tay nhân ái” với tổng trị giá 405 triệu đồng cho 9 em học sinh là con của các nạn nhân tử vong vì TNGT có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trong đó, Nguyễn Thị Thủy Tiên là nạn nhân thoát chết kỳ diệu trong vụ tai nạn thảm khốc 34 người chết, hơn 20 người bị thương. |
Vài tháng sau, mẹ con Thủy được Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đắk Lắk trao tặng 40 triệu đồng. Thủy góp nhặt thêm ít tiền mua một mảnh đất nhỏ làm nhà. Nói tiếng là mua nhưng được người trong dòng họ vừa bán, vừa cho. Thủy bị liệt hoàn toàn, mọi sinh hoạt phải cần đến người khác trợ giúp và Thủy Tiên quá bé để tự lo cho mình. Vợ chồng em gái thứ và em gái út đã dọn về sống chung.
Thời gian trôi đi bao nhiêu là chừng ấy tháng ngày hai người em gái bên chị và Thủy Tiên. Nhắc đến chị gái, Nam không cầm được nước mắt. Cô chia sẻ: “Em không ngờ, ngày đám cưới em là ngày anh chị vĩnh viễn mất nhau, còn để lại cho chị cuộc sống bất hạnh. Thương chị, thương cháu, lúc đó bao nhiêu tiền cưới của vợ chồng em lo chạy chữa cho chị. Ngày chị ra viện, vợ chồng em dọn về sống cùng chị và Thủy Tiên để tiện chăm sóc. Hàng ngày, 4h sáng em xuống đập (hồ - PV) lấy cá, tôm người ta đi đơm về, mang ra chợ bán kiếm lời, ngày trúng mánh thì được khoảng 130.000 đồng. Những ngày mưa, ế chợ thì được khoảng 40.000 đồng. Chồng em làm thợ sửa chữa khóa, nhưng ở chợ xã này cũng không kiếm được bao nhiêu tiền. Vợ chồng em ngoài nuôi hai đứa nhỏ, cũng cố gắng lo cho chị Thủy và cháu. Khó khăn bao nhiêu em cũng cam chịu. Thương chị, muốn đưa chị đi khám nhưng vì không có điều kiện. Hiện, xương đốt sống của chị bị lệch qua một bên nhưng không có tiền phẫu thuật nên cũng không biết làm sao nữa”.
Nghe em gái chia sẻ, Thủy không giấu được xúc động: “Thấy các em vất vả, em thương lắm. Mới đây, thấy người ta thêu tranh chữ thập bán, em nhờ em gái đi mua rồi nằm trên giường cặm cụi thêu”. Thủy khoe vừa hoàn thành một tấm tranh, bán với giá 700.000 đồng, trừ chi phí mua vật liệu, lãi được hơn 300 nghìn đồng. Hiện, chị Thủy đang tiếp tục thêu tấm khác. “Gom góp tiền nuôi Thủy Tiên khôn lớn, để con thực hiện ước mơ là hạnh phúc của em. Số phận mình như vậy thì chấp nhận, cố sống vui vẻ, tạo niềm tin cho con sống”, Thủy chia sẻ.
Ước làm bác sĩ để chữa khỏi chân cho mẹ
Ngày bị nạn Thủy Tiên vừa tròn 3 tuổi, em cũng chưa kịp nhớ, chưa cảm nhận nỗi đau mất mát, nỗi đau mà mẹ phải gắng chịu trên giường bệnh. Lúc biết bố mất, em khóc mấy ngày liền, không chịu đi học. Thấm thoắt 5 năm trôi qua, Thủy Tiên giờ đã vào lớp 3. Hàng ngày, một buổi em đến trường, buổi về quanh quẩn bên giường phụ mẹ thêu tranh.
Dì của em nhớ lại: “Lúc nằm ở bệnh viện, Tiên khóc thét đòi bố mẹ, mọi người nói dối “bố mẹ đi làm chưa về” cháu hết khóc rồi ngủ im. Ngày qua ngày, không thấy bố mẹ về, em cũng không hỏi nữa, rồi ít nói hẳn đi. Hoàn cảnh của bé khiến em rớt nước mắt”.
Tôi hỏi: “Thủy Tiên có nhớ bố không? Lớn lên Thủy Tiên thích làm gì?”. Nghe tôi hỏi, em nằm úp mặt vào người mẹ thút thít nói không thành tiếng: “Con nhớ bố lắm chú ơi! Con muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ”.
Ông Bùi Minh Trí, Chủ tịch UBND xã Cư M’ta cho biết, mẹ con chị Thủy thuộc diện hộ nghèo của xã. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không thể lao động mà sống nhờ vào sự chăm sóc của mấy đứa em. Hàng tháng, mẹ con chị được hưởng chế độ bảo trợ của xã hội 1.080.000 đồng. Ngoài ra, mỗi khi có đoàn từ thiện về xã, chính quyền đều ưu tiên giới thiệu hoàn cảnh mẹ con chị. UBND xã cũng khó khăn nên không giúp được nhiều, chỉ tạo điều kiện hết sức mỗi khi có chế độ liên quan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận