Điện ảnh

Minh Nhí và Thanh Thủy "đâm đầu vào đá" khi dựng kịch văn học

17/03/2019, 19:00

Thoát ra khỏi những vở diễn hài chọc cười vui vẻ, Minh Nhí cùng nghệ sĩ Thanh Thủy thực hiện những vở kịch đậm tính văn học nhân văn.

img
Nghệ sĩ Thanh Thủy trong vở kịch Tiếng Vạc sành

Thoát ra khỏi những vở diễn hài chọc cười vui vẻ trên truyền hình, Minh Nhí cùng nghệ sĩ Thanh Thủy bắt tay thực hiện những vở kịch mang đậm tính nhân văn của văn học hiện đại, hướng con người tới những điều tử tế dành cho cộng đồng.

Hạnh phúc không lang thang

Những ngày qua, sân khấu kịch Minh Nhí luôn rộn rã vào cuối tuần với những vở diễn như: Tiếng vạc sành, Dạ khúc. Đây là những vở kịch mang đậm chất văn học, nằm trong chương trình Hạnh phúc lang thang - một chương trình hoạt động hướng tới cộng đồng, mang ý nghĩa kết nối mọi người xích lại gần nhau, sưởi ấm và san sẻ cho nhau. Trong tháng 3 này, những vở kịch: Ai có chờ hoa nở, Thị Hến - hồng nhan mắc nạn sẽ được dàn dựng phục vụ khán giả. Nếu Dạ khúc mang tới những thân phận vì nghịch cảnh mà trở nên thù hận với nhau, thì Tiếng vạc sành làm người xem thổn thức bởi số phận éo le của người mẹ có con rơi vào cảnh tù tội. Thị Hến - hồng nhan mắc nạn kể câu chuyện về tình yêu của một hồng nhan khi bị cuốn vào bể dâu cuộc đời. Hồng nhan ấy bị cuốn vào những hận thù, ích kỉ và cả sự hi sinh. Vở kịch làm nổi bật số phận của con người trong hành trình đi tìm lại mình trong tình yêu, được dựng dựa theo tích truyện Nghêu Sò Ốc Hến.

Ba vở diễn Tiếng vạc sành, Dạ khúc, Thị Hến - hồng nhan mắc nạn do đích thân nghệ sĩ Thanh Thủy làm đạo diễn. Đối với Thanh Thủy, nghệ thuật kịch nói là năng lượng tái tạo tâm hồn, đạo đức con người thông qua bài học đời sống. Những vở kịch như hạt mầm nuôi dưỡng chân, thiện, mĩ trong mỗi con người. Mỗi góc khuất tâm hồn của các nhân vật trong từng câu chuyện của mỗi vở diễn đều có thông điệp sống về tình người. Bản thân nữ nghệ sĩ muốn gửi gắm vào đó sự đồng cảm, chia sẻ thông qua lăng kính nghệ thuật. “Trong cuộc sống, có nhiều thứ để đánh đổi, để buôn bán nhưng đừng bao giờ đánh mất hạnh phúc và dùng đồng tiền để mua bán tình yêu, hạnh phúc của mình và người khác”, nghệ sĩ Thanh Thủy nhắn nhủ.

Điều đặc biệt, doanh thu của các suất diễn sẽ được trích một phần dành cho hoạt động thiện nguyện cho những hoàn cảnh cơ nhỡ, lang thang, trong chương trình Hạnh phúc lang thang mà chị và nhiều nhà hảo tâm đã tâm huyết nhiều năm qua.

Đạo diễn - nhà báo Thanh Hiệp nhìn nhận, dòng kịch mang chất văn học không mới. Sân khấu kịch Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh, Idecaf cũng từng dựng nhiều vở kịch văn học. Nhưng lần này, các tác phẩm của sân khấu Minh Nhí lại gây chú ý vì tính thiện nguyện và tạo cơ hội cho các diễn viên trẻ vào các vai đậm chất văn học. “Họ đã biết chắt chiu, chăm chút cho các vở hay và ý nghĩa. Ngoài ra, vì là những kịch bản tự viết nên diễn viên cũng có thời gian để thẩm thấu, lối diễn cũng sâu sắc hơn. Các vở diễn mang tới những cảm xúc chân thật, truyền đạt và đọng lại được trong lòng người xem những điều ý nghĩa là rất cần thiết trong bối cảnh sân khấu thiếu kịch bản hay như hiện nay”, đạo diễn Thanh Hiệp chia sẻ.

img
Nghệ sĩ Minh Nhí và Thanh Thủy trong vở Tiếng vạc sành

Tín hiệu phòng vé đáng mừng

Nằm sâu trong con hẻm 26/6A Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM, việc đi lại gây nhiều bất lợi với sân khấu kịch Minh Nhí. Bắt tay thực hiện những vở kịch mang đậm chất văn học - đề tài vốn thường không thu hút khán giả trẻ như các vở hài, kinh dị, đạo diễn Thanh Thủy cùng “ông bầu” Minh Nhí cũng phải tìm cách để làm sao có thể thu hút được nhiều khán giả, trong đó có những khán giả trẻ. Từ việc khích lệ bán vé giảm % cao đến việc tính toán mỗi vở diễn, ê-kíp phải tính đến các mảng miếng diễn bi để mang tới cảm xúc cho khán giả, đôi khi lại kết hợp miếng hài mà vẫn mang đậm cốt lõi tính nhân văn, để vở diễn không quá nặng nhẹ hay nhảm.

Nghệ sĩ Minh Nhí tâm sự, với những vở kịch được thực hiện vì mục đích thiện nguyện nên anh cùng ê-kíp mong muốn có những vở kịch nhân văn đầy tình người. Để mỗi lần rời khỏi rạp, khán giả hài lòng và chờ đợi các vở diễn sau. Chính vì lẽ này, ê-kíp không làm vở hài thuần túy đã quen thuộc với hình ảnh Minh Nhí - Thanh Thủy. Dù những vở này dễ kiếm tiền, nhưng khó làm khán giả hài lòng về chất lượng nghệ thuật.

Những suất diễn đầu tiên cho vở Tiếng vạc sành, Dạ khúc vừa qua đã kín rạp. Có những suất có sự tham gia của các nghệ sĩ ngôi sao như: Minh Nhí, Thanh Thủy, Trung Dân, khán giả còn yêu cầu thêm ghế phụ để xem các nghệ sĩ diễn xuất. “Có người xem xong suất đầu tiên đã đặt luôn 40 vé suất tới cho nhân viên của mình. Cũng có cặp vợ chồng đi xem và những suất sau đó, họ luôn đặt 20 vé để tặng bạn bè, người thân. Họ thích vì trong các vở để có những bài học giáo dục và chúng tôi cài cắm những mảng miếng hài nghiêm túc chứ không phải tấu hài xàm. Chúng tôi đang cố gắng làm các tác phẩm đàng hoàng nhất có thể”, nghệ sĩ Minh Nhí khẳng định.

Là một diễn viên trẻ tham gia trong chương trình Hạnh phúc lang thang, diễn viên Lâm Hồng Phương thừa nhận, diễn kịch văn học không đơn giản. Bởi, thể loại này thường xoáy sâu vào tâm tưởng hoặc những nỗi lòng của một nhân vật nào đó, tái hiện những số phận hoặc biến cố bi kịch có thể có trong đời thực trên sân khấu. Diễn viên phải cố gắng sống bằng cảm xúc thật của nhân vật, làm sao để khán giả cùng khóc, cùng cười, cùng đau với những chuyển biến trên sân khấu mới là thành công. Cô đã rất hạnh phúc khi nhìn thấy khán giả đồng cảm cùng diễn viên và đã có những người rơi lệ khi xem vở Dạ khúc.

“Có những ngày, phải tới khuya chúng tôi mới được về nhà vì phải tập chạy vở, nhưng chúng tôi vẫn thấy hạnh phúc khi có thể chung tay giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, cũng như một phần có thể mang đến cho khán giả những vở diễn chính thống, nhân văn. Bản thân khán giả cũng vừa được thưởng thức những vở kịch ý nghĩa, vừa có thể chung tay làm việc thiện nguyện cùng các nghệ sĩ”, Lâm Hồng Phương tâm sự. Đồng thời, bản thân nữ diễn viên trẻ cũng mong muốn thông qua những vở kịch văn học, khán giả sẽ có thêm những thông điệp sống tốt, sống đúng với đạo lý làm người.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.