Phát triển - Kết nối

Mở đường để đồng bào Khmer đổi đời

07/11/2021, 14:47

Việc tỉnh Long An quan tâm mở các đường liên tỉnh, xây dựng khu dân cư vượt lũ đã giúp đồng bào Khmer ở huyện Thủ Thừa an cư.

Những dãy nhà kiên cố của đồng bào dân tộc Khmer nằm dọc đường tỉnh 818 xã Tân Long đã tạo nên một sức sống mới. Việc tỉnh Long An đầu tư mở rộng đường 818, xây dựng khu dân cư vượt lũ và nhiều tuyến đường giao thông nông thôn khác đã góp phần đổi đời cho bà con dân tộc Khmer khi đến đây lập nghiệp.

Mở đường, lập làng Khmer trên vùng đất mới

Hơn 5 năm trước, tuyến đường tỉnh 818 chỉ là đường đá đỏ, mặt đường nhỏ hẹp, nhiều đoạn còn là đường đất khiến việc đi của người xã Tân Long, huyện Thủ Thừa gặp khó khăn. Mùa mưa đường sình lầy, trơn trượt, mùa nắng bụi mịt mù, giao thông đi lại rất vất vả.

img

Tuyến đường tỉnh 818 được đầu tư xây dựng trên 650 tỷ đồng nối từ QL1 vào làng dân tộc Khmer

Tỉnh Long An đã quyết định bỏ ra 650 tỷ đồng để đầu tư tuyến đường này thành đường nhựa, rộng 2 làn xe, với chiều dài 40km xuyên qua những cánh rừng tràm của huyện Thủ Thừa, Đức Huệ để kết nối với quốc lộ N2. Trong đó có khoảng 20km chạy qua ấp 2 xã Tân Long, huyện Thủ Thừa, nơi có nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2016, góp phần quan trọng trong việc kết nối trung tâm tỉnh lỵ Long An với các huyện biên giới.

Hơn 20 năm trước, đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh đến xã Tân Thành lập nghiệp bằng cách nhận khoán trồng khóm cho Nông trường Tân Thành, huyện Thủ Thừa. Ban đầu họ chỉ là những công nhân của nông trường, sống chủ yếu tại các khu vực được giao khoán làm nông nghiệp, không có đất đai làm nhà, khó khăn tứ bề. Giao thông đi lại chủ yếu bằng xuồng ba lá, cuộc sống cứ thế trôi qua. Những năm mưa lũ triền miên, đời sống đồng bào dân tộc Khmer vì vậy bấp bênh theo con nước.

Khi mở đường 818, tỉnh Long An đã xây dựng khu dân cư vượt lũ và cấp đất, vận động người dân vào đây sinh sống để làm ăn, ổn định cuộc sống gia đình. Nhớ lại những ngày đầu mới đến đây, bà Thạch Thị Yến (75 tuổi) cho biết lúc đó chỉ đi lại bằng ghe gỗ. Muốn lên trung tâm huyện mua lương thực phải đi bộ trên đường đất dọc kênh thuỷ lợi cả ngày mới tới. “Giờ có đường nhựa xe máy, ô tô chạy đến nhà, đi chợ mua sắm rất thuận lợi”, bà Yến chia sẻ.

img

Chính quyền địa phương xã Tân Long tuyên tryuền Luật Giao thông đường bộ cho đồng bào dân tộc Khmer.

Còn ông Thạch Toan (74 tuổi) kể rằng khi lập làng mới, chính quyền địa phương hỗ trợ cho vay vốn, mỗi hộ 19 triệu đồng để xây nhà, tạo điều kiện để người dân thuê được ruộng sản xuất lúa, trồng hoa màu. “Nhờ “an cư”, tất cả đồng bào Khmer ở đây được “lạc nghiệp”, nhiều hộ đã trả hết nợ ngân hàng, nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trả hết nợ ngân hàng”, ông Thạch Toàn cho biết.

Đường tốt vẫn không quên chấp hành luật giao thông

Trước đây, tình hình trật tự ATGT trên điện bàn huyện Thủ Thừa rất phức tạp, nhất là tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, liên xã. Tình trạng nông dân, công nhân và cả đồng bào dân tộc Khmer vi phạm Luật Giao thông đường bộ như không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, uống rượu, bia khi điều khiển mô tô, xe máy vẫn diễn ra thường xuyên.

Trước thực trạng đó, lực lượng CSGT Công an huyện Thủ Thừa đã tăng cường thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ trong đó chú trọng đến hình thức tuyên truyền luật giao thông. Ông Nguyễn Hữu Khoa, Bí thư Đảng ủy xã Tân Long cho biết, khi đời sống người dân được cải thiện, cùng với việc xử lý nghiêm, tuyên truyền sâu của cơ quan chức năng đã phần nào nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân.

Anh Sơn Mét và vợ Nguyễn Thị Thanh (48 tuổi) cho hay: nhờ được làm công nhân khu công nghiệp Bến Lức nên cuộc sống của gia đình ổn định hơn, thu nhập cao hơn, các con được học hành đàng hoàng. “Vợ chồng tôi giờ đi làm đều chạy xe máy, luôn chấp hành Luật Giao thông đường bộ như đội mũ bảo hiểm, tuyệt đối không uống rượu bia trước khi lái xe …”, anh Sơn Mét nói.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đinh Văn Sáu, Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa, tỉnh đang tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng mặt đường tỉnh 818, từ 2 làn lên 4 làn xe, đồng thời xây dựng mới 8 cầu trên toàn tuyến. Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 650 tỷ đồng. Khi dự án hoàn thành sẽ góp phần chỉnh trang các khu dân cư, đô thị đúng theo quy hoạch. Giải quyết tốt các vấn đề về an ninh, trật tự, an toàn giao thông. Tạo thành tuyến kết nối từ quốc lộ đến quốc lộ N2, từ đó hình thành nên các trục đường ngang, nhằm chia sẻ lưu lượng và tăng cường kết nối giao thông giữa các tỉnh ĐBSCL với TP.HCM thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương và khu vực.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.