Chủ động kiểm soát huyết áp để phòng tránh bệnh |
Ca bệnh “kép”
Anh Nguyễn Ngọc Bình (SN 1964, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng cấp cứu vỡ động mạch tim và tắc động mạch chi phải. Nguyên nhân được các bác sỹ cho là bắt nguồn từ huyết áp cao, cộng với mỡ máu tăng. Theo người thân của anh Bình, khi đang lái xe trên đường, đột nhiên anh cảm thấy tê dại, hoàn toàn mất cảm giác bên chân phải. Hoảng hốt, anh gọi điện cho bạn làm trong ngành Y tế và nhận được lời khuyên phải nhập viện cấp cứu, bởi có thể đó chính là dấu hiệu đột quỵ do huyết áp cao. Sau đó, anh được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 108 và nhanh chóng được chuyển mổ tim cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức.
Theo Hội Tăng huyết áp Thế giới, ước tính, tăng huyết áp là nguyên nhân gây tử vong 7,1 triệu người trẻ tuổi và chiếm 4,5% gánh nặng bệnh tật toàn cầu với 64 triệu người sống trong tàn phế. |
Các bác sỹ ở Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh nhân Bình huyết áp cao, mỡ máu kéo dài nên gây xơ vữa động mạch, bong tróc màng trong thành mạch máu khiến vỡ động mạch chủ ở tim. Ca mổ tim kéo dài 11 tiếng, đã thành công, tuy nhiên gan, thận của bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện, hàng ngày, bệnh nhân liên tục phải chạy thận, truyền máu, chi phí điều trị ước khoảng 30-34 triệu đồng/ngày. Sau một tháng rưỡi điều trị, mặc dù không còn cần đến các thiết bị trợ tim nhưng tiên liệu của bác sỹ về bệnh tình của anh Bình cũng rất dè dặt.
Còn anh Nguyễn Quang Thắng (SN 1978, Hà Nội) cũng đột quỵ khi mới 30 tuổi. Nhờ cấp cứu kịp thời và kiên trì tập luyện nên ba năm lại đây anh có thể túc tắc tự đi lại mà không phải nhờ sự trợ giúp của người khác. Theo lời anh Thắng, bác sỹ cảnh báo anh bị mỡ máu và huyết áp cao. Mỡ máu sẽ chèn ép đường vận chuyển của máu, nên khi huyết áp tăng cao cực nguy hiểm. “Tôi chỉ thấy thi thoảng choáng váng nên chủ quan, không điều trị và kiêng cữ tuyệt đối theo yêu cầu của bác sỹ, dẫn đến huyết áp tăng cao, bị đột quỵ rồi biến chứng liệt nửa người kéo dài’, anh Thắng cho hay.
Kiểm soát huyết áp
Theo GS.TS. Đỗ Doãn Lợi, Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, để phòng tránh trường hợp bệnh “kép” nguy hiểm đến tính mạng như trên, cần kiểm soát chặt huyết áp, bởi khi huyết áp thay đổi đột ngột sẽ gây biến chứng khó lường.
Bác sỹ chuyên khoa Tim mạch Phan Thảo Nguyên, Bệnh viện E Trung ương cũng nhấn mạnh, yếu tố tăng huyết áp của những người mắc bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ máu. Bởi bệnh tăng huyết áp đang gia tăng theo cấp số nhân và có xu hướng trẻ hóa, thậm chí có người chưa đến 30 tuổi đã bị tăng huyết áp dẫn đến nhồi máu cơ tim. Trong khi đó, triệu chứng của bệnh tăng huyết áp không có biểu hiện gì khác thường, thậm chí, có không ít trường hợp khi bị tai biến rồi mới biết bị tăng huyết áp.
Theo bác sỹ Thảo Nguyên, các yếu tố, nguy cơ dẫn đến sự gia tăng của căn bệnh này thường là do những thói quen sinh hoạt không tốt như: Ăn mặn, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, căng thẳng, lười vận động… Khi bệnh tăng huyết áp kết hợp với các bệnh lý như béo phì, mỡ máu… thì bệnh càng trở nên trầm trọng hơn. “Việc phát hiện muộn bệnh tăng huyết áp thường làm tăng các biến chứng như: Suy tim, động mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy thận và các biến chứng về mạch ngoại vi, trong đó đặc biệt nguy hiểm là biến chứng tách thành động mạch chủ có thể dẫn đến tử vong”, bác sỹ Thảo Nguyên nói.
Theo khuyến cáo của bác sỹ Thảo Nguyên, việc kiểm soát huyết áp không khó và hoàn toàn có thể chủ động. Mỗi gia đình nên có một máy đo huyết áp điện tử, rất dễ sử dụng, huyết áp cao khi chỉ số Huyết áp tối đa >/140 và hoặc huyết áp tổi thiếu >/90. Nếu phát hiện sớm, có thể loại trừ bệnh chỉ bằng cách điều chỉnh thói quen sinh hoạt...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận