Công Phượng. |
Các tiền đạo của U23 Việt Nam mới chỉ ghi được 1 bàn thắng sau ba trận, một con số khiêm tốn tới mức đáng lo ngại. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này và cách giải quyết ra sao khi VCK U23 châu Á 2016 đang đếm ngược từng ngày.
Lối chơi không phù hợp
Sau trận đấu với Cerezo Osaka, HLV Toshiya Miura đã thừa nhận hàng công của U23 Việt Nam chơi không tốt trong ba trận giao hữu vừa qua. “Một điều cần phải cải thiện là hiệu suất ghi bàn. 2 bàn trong 3 trận là con số thấp. Các cầu thủ cũng chưa thực hiện tốt những tình huống tấn công nhanh. Hàng công tỏ ra rườm rà và ít dứt điểm trước cầu môn, trong khi đối phương lại làm rất tốt điều này”.
Thực tế, trong số 2 bàn thắng mà HLV Miura nhắc tới, chỉ có một bàn được ghi bởi tiền đạo (Văn Toàn), bàn còn lại do công của một hậu vệ (Mạnh Hùng). Đáng nói hơn, bàn thắng duy nhất của hàng công U23 Việt Nam lại tới từ sai lầm bên phía đối phương thay vì là kết quả của một pha tấn công sắc nét. Trước thềm giải đấu châu lục, khi U23 Việt Nam phải đọ sức cùng các đối thủ vượt trội, thực trạng trên rất đáng lo.
Nhà cầm quân người Nhật chỉ trích các chân sút nhưng rõ ràng không thể quy hết trách nhiệm cho các cầu thủ. Lối chơi mà HLV Miura áp dụng cho U23 Việt Nam hiện tại đang khiến hàng công gần như bị cô lập. Trong một bài viết trước đây, chúng tôi đã nhắc tới việc U23 Việt Nam mất “đôi cánh” Huy Toàn - Ngọc Thắng nên phương án đánh biên rồi xộc thẳng vào trung lộ gần như bị phá sản.
Trong tình hình đó, U23 Việt Nam chủ yếu sử dụng những đường tạt bổng nhằm tiếp cận khung thành đối phương. Từ phạt góc, đá phạt trực tiếp, gián tiếp, phát động tấn công bên phần sân nhà, tất cả đều là bóng bổng. Nghịch lý là ở chỗ, các chân sút của U23 Việt Nam đều không có thể hình lý tưởng nên sẽ rất khó xoay xở khi bị theo sát. Nên nhớ, U23 Australia, U23 Jordan hay U23 UAE còn “cao to” hơn nhiều so với JFL Selection hay Cerezo Osaka nên nếu cứ đâm đầu vào bức tường phòng ngự của đối thủ, U23 Việt Nam rất khó tạo ra đột biến.
Cách chơi phù hợp với U23 Việt Nam phải là đưa bóng ra phía sau hoặc xẻ nách hàng thủ đối phương nhằm tận dụng tốc độ và kỹ thuật của các tiền đạo thay vì đẩy họ vào một cuộc đua không cân sức. Tại giải U21 Quốc tế 2015, U21 HAGL áp dụng khá thành công miếng võ này để đối phó với U19 Hàn Quốc và HLV Miura nên rút ra được những bài học cho riêng mình.
Đánh mất sự tự tin
Ngoài yếu tố chuyên môn, sự tự tin cũng là yếu tố khiến các chân sút U23 Việt Nam thi đấu kém hiệu quả. Trong cả ba trận đấu đã qua, trung bình các tiền đạo áo đỏ không tung nổi ba cú sút về khung thành đối phương. Dù đang trong giai đoạn chạy đua giành suất dự VCK U23 châu Á 2016 nhưng các tiền đạo U23 Việt Nam hoàn toàn không cho thấy sự khát khao cần thiết. Có cảm giác như Công Phượng và đồng đội chơi quá an toàn.
Không thể đổ lỗi cho HLV Miura đã “gò” các học trò vào “cái khuôn” cứng nhắc bởi tại vòng loại U23 châu Á 2016, hàng công U23 Việt Nam vẫn chơi khá bùng nổ với 9 bàn thắng sau 3 trận. Nổi bật nhất là Công Phượng khi tiền đạo người Nghệ An ghi tới 4 bàn cùng 3 lần kiến tạo để đồng đội lập công. Thế nhưng, ở cả ba trận giao hữu vừa qua, ngoài pha đá phạt để Mạnh Hùng lập công, tiền đạo sắp đầu quân cho CLB Mito Hollyhock gần như không để lại dấu ấn nào đáng kể.
Hình ảnh bế tắc của Công Phượng chính là “avatar” cho hàng công của U23 Việt Nam thời điểm hiện tại. Các tiền đạo U23 Việt Nam đang thiếu tự tin khi đối diện với khung thành đối phương. Điều này không khó hiểu bởi ngay bản thân HLV Miura cũng đang mất phương hướng.
Trước thềm trận đánh lớn, ông bị đem ra chỉ trích và biến thành điều kiện để một công ty tài trợ cho đội tuyển.Vị thuyền trưởng người Nhật không nói ra nhưng ai cũng biết ông không còn giữ được ngọn lửa ngùn ngụt như hồi mới sang Việt Nam.
Dĩ nhiên, một HLV như vậy chắc chắn chẳng thể truyền nhiệt huyết cho các học trò. Điều người hâm mộ chờ đợi nhất lúc này là U23 Việt Nam sẽ ra sân, chiến đấu thay cho lời tri ân gửi tới vị thuyền trưởng người Nhật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận